Theo báo cáo của DigiTimes Research, việc sản xuất smartphone Samsung tại Trung Quốc dự kiến sẽ ngừng trong vòng 5 năm tới, do tỷ lệ công việc lắp ráp của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt đạt 35 - 40% và 40 - 45% vào năm 2027.

‘Samsung có thể ngừng sản xuất smartphone ở Trung Quốc 5 năm tới do chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ’

Sơn Vân | 05/01/2023, 19:49

Theo báo cáo của DigiTimes Research, việc sản xuất smartphone Samsung tại Trung Quốc dự kiến sẽ ngừng trong vòng 5 năm tới, do tỷ lệ công việc lắp ráp của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt đạt 35 - 40% và 40 - 45% vào năm 2027.

Cũng theo báo cáo này, Ấn Độ dự kiến sẽ lắp ráp tới 50% số iPhone của Apple vào năm 2027 (tăng từ mức dưới 5% hiện nay), ngang bằng với quy mô sản xuất ở Trung Quốc.

Luke Lin, nhà phân tích tại đơn vị nghiên cứu của DigiTimes (nhật báo Đài Loan tập trung vào công nghệ), cho biết trong một báo cáo: “Tốc độ di chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ sẽ tăng nhanh trong tương lai do nhu cầu đa dạng hóa rủi ro trước những bất ổn trong việc kiểm soát đại dịch của Trung Quốc”.

Vượt qua Anh vào năm ngoái để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ chiếm tới 25% tổng sản lượng iPhone vào cuối năm 2023 và lên tới 40% vào năm 2025, báo cáo của DigiTimes Research cho biết.

Theo Luke Lin, Trung Quốc (nơi chiếm tới 85% sản lượng iPhone trên toàn cầu vào năm ngoái) có nguy cơ mất vai trò thống trị như trung tâm sản xuất thiết bị của Apple vì các động thái tách rời Mỹ - Trung. Ông kỳ vọng Ấn Độ và Việt Nam sẽ là những nước hưởng lợi lớn nhất từ những nỗ lực của Apple nhằm chuyển nhiều hơn chuỗi cung ứng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Dự báo từ DigiTimes Research tích cực hơn so với dự đoán trước đó của JPMorgan (một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới, có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ) rằng Ấn Độ sẽ lắp ráp 25% tổng số iPhone trên toàn thế giới vào năm 2025.

Foxconn (Đài Loan), một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho Apple, đã tăng cường nỗ lực của mình tại Ấn Độ. Tháng 12, nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới đã bơm 500 triệu USD tiền mặt vào công ty con ở Ấn Độ, Foxconn Hon Hai Technology India Mega Development.

Theo báo cáo của DigiTimes Research, các thương hiệu smartphone lớn khác cũng đang tăng cường sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Ví dụ, Samsung Electronics đã chuyển nhiều năng lực sản xuất smartphone Android của mình ra khỏi Trung Quốc kể từ năm 2019, chủ yếu sang Việt Nam.

Theo báo cáo, việc sản xuất smartphone Samsung tại Trung Quốc dự kiến sẽ ngừng trong vòng 5 năm tới, do tỷ lệ công việc lắp ráp của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt đạt 35 - 40% và 40 - 45% vào năm 2027.

Hiện Samsung Electronics đã thực sự biến Việt Nam trở thành "cứ điểm sản xuất" của mình. Hơn 50% thiết bị di động của Samsung Electronics trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm ở nước ta năm 2021 đạt 65,5 tỉ USD.

Bắt đầu từ năm 2008 với nhà máy thiết bị di động 670 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh, Samsung Electronics đến nay là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, gồm 6 nhà máy ở ba tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và mới đây là trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội.

samsung-co-the-ngung-san-xuat-smartphone-ng-o-trung-quoc-5-nam-toi.jpeg
Hơn 50% thiết bị di động của Samsung Electronics trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam - Ảnh: Internet

Xu hướng đó phản ánh mức độ gián đoạn trong ngành sản xuất của Trung Quốc, gồm cả việc phong tỏa tạm thời và các vấn đề khác liên quan đến nCoV, đã thúc đẩy các thương hiệu toàn cầu như Apple và Samsung Electronics nhanh chóng thiết lập chuỗi cung ứng mới trên khắp châu Á.

Foxconn đã cố gắng khôi phục toàn bộ năng lực sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) sau sự gián đoạn nghiêm trọng gồm các cuộc biểu tình của công nhân trở thành bạo lực và cuộc di cư của hàng chục ngàn nhân viên giữa lúc dịch bùng phát từ cuối tháng 10.2022.

Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới đã dần phục hồi khoảng 90% công suất tối đa tính đến ngày 30.12.2022, theo bài viết của Nhật báo Hà Nam trích dẫn lời Wang Xue, phó giám đốc nhà máy này.

Theo báo cáo của DigiTimes Research, các thương hiệu smartphone khác ngoài Apple và Samsung Electronics cũng được cho ​​sẽ thấy năng lực sản xuất ở Trung Quốc giảm tới 50% vào năm 2027, từ mức khoảng 70% vào năm 2023. 

Báo cáo cho biết thị phần của Ấn Độ trong năng lực sản xuất đó dự kiến sẽ tăng lên 35% trong cùng thời kỳ. Thị phần của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng tới 15%.

Các nhà cung cấp cho Apple tại Trung Quốc đang hứng chịu giá cổ phiếu tụt dốc và doanh thu có thể bị sụt giảm trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về việc giảm đơn đặt hàng AirPods, Apple Watch và MacBook, cũng như sự chia tách công nghệ giữa Mỹ với Trung Quốc.

Luxshare Precision Co và Dongshan Precision Manufacturing Co, hai nhà cung cấp của Apple niêm yết tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm lần lượt 10% và 9,4% vào ngày 4.1.

Cổ phiếu Sunny Optical, nhà sản xuất ống kính và mô-đun camera smarphone được niêm yết tại Hồng Kông, đã giảm 10%.

Sự trượt giá diễn ra sau khi trang Nikkei đưa tin Apple thông báo cho một số nhà cung cấp sản xuất ít linh kiện hơn cho AirPods, Apple Watch và MacBook trong quý 1/2023 do nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu.

Báo cáo không xác định các nhà cung cấp cụ thể bị ảnh hưởng. Song xu hướng rộng lớn hơn là Apple đang chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa rủi ro chuỗi cung ứng khiến các nhà đầu tư lo ngại hơn về tương lai của các nhà cung cấp cho công ty Mỹ tại quốc gia này.

Goertek, nhà sản xuất AirPods có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), đã điều chỉnh ước tính thu nhập hàng năm của mình giảm gần 60% vào tháng trước do đơn đặt hàng từ Apple giảm. Giá cổ phiếu Goertek đã giảm 2,8% hôm 4.1 tại Thâm Quyến.

Dongshan Precision Manufacturing Co cho biết trong ghi chú được đăng trên nền tảng Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến rằng hoạt động sản xuất và vận hành của họ là “bình thường” và các đơn đặt hàng từ những khách hàng quan trọng là “ổn định”.

Luxshare Precision Co, Sunny Optical và Goertek không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Theo phân tích từ trang SCMP về danh sách nhà thầu của công ty cho năm tài chính kết thúc vào ngày 25.9.2021, Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất chính của Apple, với khoảng 1/2 trong số 190 nhà cung cấp hàng đầu cho công ty Mỹ có trụ sở tại quốc gia châu Á này.

Có trụ sở tại thành phố Đông Hoản (tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc), Luxshare Precision Co là nhà cung cấp của Apple từ năm 2011, ban đầu sản xuất dây cáp cho MacBook và iPhone. Sau đó, công ty đã sản xuất thêm AirPod cũng như lắp ráp Apple Watch và iPhone.

Được thành lập năm 1998 tại thành phố Tô Châu (miền đông Trung Quốc), Dongshan Precision Manufacturing sản xuất bảng mạch in cho Apple.

Nếu việc cắt giảm đơn đặt hàng từ Apple được xác nhận, đó sẽ là một bước thụt lùi đáng kể với nhiều công ty trong số này, vốn phụ thuộc vào gã khổng lồ công nghệ Mỹ để có doanh thu lớn.

Luxshare Precision Co lưu ý rằng hơn 70% doanh thu của họ đến từ “khách hàng lớn nhất”, được cho là Apple, theo báo cáo thu nhập năm 2021. Trong khi đó, Dongshan Precision Manufacturing nói gần một nửa doanh thu năm 2021 đến từ khách hàng lớn nhất của họ.

Vào năm 2021, Oflim từng là một trong những nhà cung cấp mô-đun máy ảnh lớn nhất cho Apple. Thế nhưng, Oflim chứng kiến ​​doanh thu giảm 53% vào 2021 so với cùng kỳ năm trước và giảm 37% trong ba quý đầu 2022, sau khi bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp cho công ty Mỹ.

Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd là nhà cung cấp chất cách điện cho smartphone và máy tính. Theo bản cáo bạch từ Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd, rủi ro lớn là việc công ty phụ thuộc vào Apple với tư cách người dùng cuối cùng các sản phẩm của mình. Trong đó Apple chiếm đến 88% doanh thu của Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd vào năm 2021, tăng từ 84% vào năm 2020.

Trong tuyên bố dài 272 trang trả lời các câu hỏi từ Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd đề cập đến tên Apple hơn 900 lần.

Dongguan Sixpure Intelligent Technology Co, nhà cung cấp các linh kiện điện tử trong chuỗi cung ứng của Apple thông qua các công ty như Foxconn, cho biết trong bản cáo bạch rằng Apple chiếm 77% doanh thu của mình. Điều này khiến Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đặt câu hỏi liệu việc phụ thuộc vào Apple có phải là rủi ro đáng kể không và liệu các đơn đặt hàng có bền vững không.

Apple đã và đang chuyển sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình bên ngoài Trung Quốc sang các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam, sau khi hoạt động sản xuất bị gián đoạn do đại dịch. Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã gây thêm nghi ngờ về tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Apple chuyển một phần dây chuyền sản xuất MacBook sang Việt Nam, vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc suy yếu

Theo báo cáo của Nikkei vào tháng trước, Apple đang chuyển một số dây chuyền sản xuất MacBook của mình sang Việt Nam, một động thái đã được lên kế hoạch từ năm 2020. Lô máy tính xách tay của Apple đầu tiên dự kiến sẽ được sản xuất ở Việt Nam sớm nhất vào tháng 5.2023.

Việc chuyển hướng sang Việt Nam diễn ra trong bối cảnh không chỉ căng thẳng địa chính trị gia tăng mà còn cả sự gián đoạn sản xuất do đại dịch nCoV ở Trung Quốc và sự không chắc chắn do chính sách nới lỏng đột ngột của nước này những tuần gần đây.

Với Trung Quốc, việc mất một phần hoạt động sản xuất MacBook biểu thị cho sự suy yếu rộng rãi hơn về vị thế công xưởng của thế giới. Các nhà sản xuất điện tử hàng đầu từ Apple, HP, Dell đến Google đều đã thực hiện ít nhất một số kế hoạch chuyển sản xuất và tìm nguồn cung ứng ngoài Trung Quốc kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ - Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thuế quan chống lại nước này.

Ví dụ, việc sản xuất hầu hết máy chủ làm trung tâm dữ liệu cho Google, Meta Platforms, Amazon và Microsoft đã chuyển sang Đài Loan, Mexico hoặc Thái Lan.

Lãnh đạo Inventec, nhà cung cấp chính cho HP và Dell, nói: “Nhìn chung, lợi ích của Trung Quốc về sản xuất chi phí thấp đang mờ dần và nhiều khách hàng Mỹ hiện muốn có một số lựa chọn thay thế địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Đây đã là một xu hướng tăng tốc với hầu hết thương hiệu toàn cầu và nó sẽ không có khả năng thay đổi trong tương lai".

Trong nhiều thập kỷ, Apple coi Trung Quốc là cơ sở lắp ráp quan trọng nhất của mình, nhưng công thức đó đã đạt đến điểm khủng hoảng trong năm nay.

Vào mùa xuân, các địa điểm sản xuất MacBook và iPhone quan trọng ở Thượng Hải phải đối mặt với sự gián đoạn lớn do lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng. Hồi tháng 11.2022, Apple đã cảnh báo về sự chậm trễ trong việc giao iPhone 14 Pro và 14 Pro Max cho kỳ nghỉ lễ, với lý do thiếu lao động tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu.

Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết những thay đổi với chuỗi cung ứng công nghệ là không thể đảo ngược.

"Trước đây, hầu hết mọi người trong ngành luôn hy vọng rằng tình hình có thể giảm bớt và mọi thứ có thể quay trở lại những ngày xưa tốt đẹp. Song lần này, họ nhận ra rằng không có cách nào quay lại và dù thế nào cũng cần chuẩn bị các phương án thay thế ngoài Trung Quốc”, Chiu Shih-fang chia sẻ.

Chiu Shih-fang cho biết các chính sách nghiêm ngặt về nCoV của Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Hiện tại nó diễn ra nhanh hơn so với những gì các nhà điều hành ngành và nhà phân tích thị trường nghĩ cách đây vài năm, đồng thời căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng cũng đóng một vai trò nào đó.

"Không ai muốn doanh nghiệp của mình bị mắc kẹt và ảnh hưởng nặng nề chỉ vì quá tập trung sản xuất vào một chỗ. Từ lớn đến nhỏ, các nhà cung cấp giờ đây đều cần có giải pháp để đối mặt với thực tế toàn cầu mới này", Chiu Shih-fang nói thêm.

Sự đa dạng hóa của Apple tại Việt Nam bắt đầu với AirPods, được đưa vào sản xuất hàng loạt tại nước ta vào năm 2020. Công ty Mỹ cũng đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPad và Apple Watch sang Việt Nam trong năm nay, Nikkei đưa tin đầu tiên.

Vào tháng 10, Apple thông báo đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ, chỉ vài tuần sau khi phát hành dòng smartphone mới. Các nguồn tin nói với Nikkei rằng Apple đặt mục tiêu tăng đáng kể sản lượng iPhone từ Ấn Độ trong năm nay và năm tới, với mục đích biến quốc gia này thành một cơ sở sản xuất quan trọng khác. Apple cũng đặt mục tiêu chuyển một số hoạt động sản xuất tai nghe AirPods và Beats sang Ấn Độ.

Dân số khá đông giúp Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho các sản phẩm cuối cùng cũng như cơ sở sản xuất. Hơn nữa, lực lượng lao động ở Việt Nam chiếm ít chi phí hơn Trung Quốc.

Apple chọn Foxconn (Đài Loan), nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, để lắp ráp MacBook tại Việt Nam, theo trang Nikkei.

Trước động thái này, MacBook vẫn là sản phẩm chính duy nhất của Apple chỉ được sản xuất tại Trung Quốc. Nikkei cho biết việc di chuyển các dây chuyền lắp ráp MacBook ra bên ngoài Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn do chuỗi cung ứng phức tạp của sản phẩm này.

"Sau khi thay đổi sản xuất với MacBook, tất cả sản phẩm chủ lực của Apple về cơ bản sẽ có thêm một địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc... iPhone ở Ấn Độ; MacBook, Apple Watch và iPad tại Việt Nam. Những gì Apple muốn bây giờ là tùy chọn 'ra khỏi Trung Quốc' với ít nhất một phần sản xuất cho tất cả sản phẩm của mình", một người có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này nói với Nikkeia.

samsung-co-the-ngung-san-xuat-smartphone-ng-o-trung-quoc-5-nam-toi-1.jpeg
Trước khi chuyển hướng sang Việt Nam, MacBook vẫn là sản phẩm chủ lực của Apple được sản xuất duy nhất tại Trung Quốc - Ảnh: Shutterstock

Vào tháng 11.2020, Foxcon đã lên kế hoạch chuyển một số hoạt động lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Foxconn trước đó công bố khoản đầu tư 270 triệu USD để thành lập công ty con mới tại Việt Nam.

Theo trang SCMP, các dây chuyền lắp ráp MacBook được đặt tại nhà máy Foxconn ở tỉnh Bắc Giang, phía đông bắc Việt Nam. Tính đến tháng 6.2022, Foxconn đã tuyển dụng khoảng 60.000 người tại Việt Nam, hiện là cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty này bên ngoài Trung Quốc.

Việc sản xuất MacBook ở Việt Nam phản ánh nỗ lực của Apple và Foxconn nhằm nhanh chóng thiết lập chuỗi cung ứng mới trên khắp châu Á trong bối cảnh xảy ra các đợt phong tỏa và vấn đề khác liên quan đến đại dịch đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.

Trước đó, Foxconn đã đặt địa điểm sản xuất MacBook ở thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong vòng khép kín, với dây chuyền lắp ráp có 110.000 công nhân tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình công việc nhất định và các tuyến đường đi lại trong khu phức hợp để giúp giảm thiểu rủi ro nhiễm nCoV, theo một báo cáo được công bố hồi tháng 9 bởi Tạp chí Global Views. Những nhân viên Foxconn khác sống bên ngoài khu phức hợp được yêu cầu làm việc tại nhà.

Việc sản xuất MacBook thuộc Nhóm kinh doanh B của Foxconn, chịu trách nhiệm về thiết bị đeo tay, máy tính bảng, máy tính xách tay và loa thông minh. Foxconn có cơ sở hoạt động tại các thành phố của Trung Quốc như Thành Đô, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu và Hành Dương.

Dù vẫn chưa chắc chắn bao nhiêu sản lượng MacBook sẽ được chuyển ra ngoài Trung Quốc, một báo cáo gần đây từ hãng nghiên cứu Counterpoint Research chỉ ra rằng Foxconn có kế hoạch chuyển tới 30% tổng công suất sản xuất của mình sang Ấn Độ, Việt Nam và Brazil.

Theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research, đã có 21 nhà cung cấp của Apple hoạt động tại Việt Nam tính đến tháng 9.2022.

Tổng số lô hàng MacBook dự kiến đạt 22,18 triệu chiếc trong năm 2022, theo Digitimes. Con số đó sẽ giảm 1,4% so với 2021. Trong khi các thương hiệu máy tính cá nhân lớn khác như HP, Dell và Lenovo Group chứng kiến mức giảm hai con số.

Bài liên quan
Lý do Samsung có động thái trái ngược TSMC và Micron
Samsung Electronics lên kế hoạch tăng công suất sản xuất chip tại nhà máy bán dẫn lớn nhất của mình vào năm 2023 bất chấp dự báo về suy thoái kinh tế, theo tờ Seoul Economic Daily (Hàn Quốc).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Samsung có thể ngừng sản xuất smartphone ở Trung Quốc 5 năm tới do chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ’