Samsung Electronics lên kế hoạch tăng công suất sản xuất chip tại nhà máy bán dẫn lớn nhất của mình vào năm 2023 bất chấp dự báo về suy thoái kinh tế, theo tờ Seoul Economic Daily (Hàn Quốc).

Lý do Samsung có động thái trái ngược TSMC và Micron

Sơn Vân | 26/12/2022, 14:41

Samsung Electronics lên kế hoạch tăng công suất sản xuất chip tại nhà máy bán dẫn lớn nhất của mình vào năm 2023 bất chấp dự báo về suy thoái kinh tế, theo tờ Seoul Economic Daily (Hàn Quốc).

Động thái này trái ngược với việc các đối thủ thu hẹp quy mô đầu tư trong bối cảnh nhu cầu giảm và dư thừa chip.

Các nhà phân tích cho rằng, sự kiên trì với kế hoạch đầu tư có thể sẽ giúp Samsung Electronics chiếm thị phần chip nhớ và hỗ trợ giá cổ phiếu khi nhu cầu phục hồi.

Samsung Electronics có kế hoạch mở rộng nhà máy P3 của mình tại thành phố Pyeongtaek, Hàn Quốc, bằng cách bổ sung công suất tấm wafer (đĩa bán dẫn) 12 inch cho chip nhớ DRAM, tờ Seoul Economic Daily đưa tin, trích dẫn các nguồn giấu tên trong ngành.

Samsung Electronics cũng sẽ mở rộng nhà máy với việc nâng công suất chip 4 nanomet, sẽ được sản xuất theo hợp đồng đúc theo thiết kế của khách hàng.

P3 là nhà máy sản xuất chip lớn nhất của Samsung Electronics. P3 bắt đầu sản xuất chip nhớ NAND flash tiên tiến trong năm nay.

Tờ Seoul Economic Daily cho biết Samsung Electronics đang có kế hoạch bổ sung ít nhất 10 máy quang khắc chip bằng tia siêu cực tím vào năm tới.

ly-do-samsung-co-dong-thai-trai-nguoc-tsmc-va-micron.jpg
Trong khi TSMC thu hẹp quy mô đầu tư trong bối cảnh nhu cầu giảm và dư thừa chip, Samsung Electronics làm điều ngược lại - Ảnh: Internet

Hồi tháng 10, Samsung Electronics cho biết không xem xét việc cắt giảm sản lượng chip để đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn, bất chấp xu hướng giảm quy mô sản lượng của toàn ngành.

Han Jin-man, Phó chủ tịch điều hành mảng kinh doanh bộ nhớ của Samsung Electronics, nói: “Chúng tôi dự định sẽ ủng hộ các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu của mình”.

Ngược lại, Micron Technology Inc (Mỹ), đối thủ chip nhớ của Samsung Electronics, tuần trước thông báo sẽ điều chỉnh giảm các khoản đầu tư vào năm tài chính 2023 xuống còn từ 7 tỉ đến 7,5 tỉ USD, so với mức 12 tỉ USD trong năm tài chính 2022.

Micron Technology Inc cũng sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư theo kế hoạch trong năm tài chính 2024.

Vào tháng 10, TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan) cắt giảm ít nhất 10% ngân sách đầu tư hàng năm cho 2022 và đưa ra lưu ý thận trọng hơn bình thường với nhu cầu chip sắp tới.

"Suy thoái ngành công nghiệp chip sẽ gây thêm khó khăn cho các công ty chip cấp 2 trở xuống, đồng thời có tác động tích cực đến việc kiểm soát thị trường của các công ty hàng đầu như Samsung Electronics", Greg Roh, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Hyundai Motor Securities, cho biết trong một báo cáo hôm 26.12.

Hôm 23.12 vừa qua, Samsung Electronics đã khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội.

Trung tâm R&D mới của Samsung Electronics có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2 và diện tích sàn là 79.511 m2, đủ chỗ cho hàng ngàn kỹ sư làm việc.

Đó cũng chính là cam kết của Samsung Electronics với chính phủ Việt Nam ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị di động đầu tiên tại Bắc Ninh: Đầu tư chiến lược cho các hoạt động R&D tại nước ta.

Tại lễ khánh thành Trung tâm R&D, ông Roh Tae Moon, Tổng giám đốc Samsung Electronics, nhấn mạnh rằng trọng tâm tất cả hoạt động kinh doanh của công ty là nhân tài và công nghệ.

Thông qua trung tâm này, ông Roh Tae Moon cho biết Samsung Electronics sẽ hiện thực hóa hai tầm nhìn. Đầu tiên là nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng lĩnh vực phát triển để nơi đây không chỉ trở thành trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á mà còn là trung tâm R&D số 1 toàn cầu. Thứ hai, Samsung Electronics sẽ xây dựng nền tảng cho việc đào tạo nhân tài công nghệ thông tin và phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.

Hiện Samsung Electronics đã thực sự biến Việt Nam trở thành "cứ điểm sản xuất" của mình. Hơn 50% thiết bị di động của Samsung Electronics trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm ở nước ta năm 2021 đạt 65,5 tỉ USD.

Việt Nam là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ, đặc biệt là Samsung Electronics. Bắt đầu từ năm 2008 với nhà máy thiết bị di động 670 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh, Samsung Electronics đến nay là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, gồm 6 nhà máy ở ba tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và mới đây là trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội.

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, việc hoàn thành trung tâm R&D mới đây đã thể hiện quyết tâm đưa Việt Nam trong tương lai gần sẽ trở thành "cứ điểm chiến lược về R&D" của công ty Hàn Quốc trên toàn cầu.

Samsung Electronics đang gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh chip.

Sau khi mất đơn đặt hàng sản xuất chip cao cấp từ Qualcomm vào tay TSMC và phải tạm dừng loạt sản phẩm hàng đầu Exynos của mình, Samsung Electronics lại thua thêm một trận chiến nữa.

Theo Nhật báo Kinh tế Đài Loan, Tesla đang thay thế Samsung Electronics bằng TSMC.

Công ty Đài Loan đã giành được một đơn đặt hàng lớn cho chip hỗ trợ lái xe (FSD) của Tesla. Chúng sẽ được sản xuất theo quy trình 4 nanomet và 5 nanomet.

Đây là một tổn thất khác với bộ phận chip của Samsung Electronics.

Theo các báo cáo, nhà sản xuất ô tô điện Tesla có thể trở thành 1 trong 7 khách hàng hàng đầu của TSMC vào năm 2023 và là cột mốc quan trọng. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên một khách hàng từ công ty ô tô năng lượng mới xuất hiện trong số khách hàng chính của TSMC.

Samsung Electronics chắc chắn luôn đánh giá cao Tesla với tư cách là một khách hàng, đặc biệt là sau khi mất đơn đặt hàng sản xuất chip cao cấp cho Qualcomm.

Tesla đang bận rộn với việc phát triển hệ thống lái xe hoàn toàn tự động (máy tính tự lái hoàn toàn). Công ty của tỷ phú Elon Musk sử dụng chip và tích hợp vào đó tính toán tốc độ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) cùng các chức năng khác.

Trước đó, Tesla đã đặt cược vào chiến lược đa nhà cung cấp, đặt hàng tại cả Samsung Electronics và TSMC.

Chip FSD thế hệ trước được sản xuất theo quy trình 14 nanomet, chủ yếu tại nhà máy Samsung Electronics thuộc thành phố Austin (bang Texas, Mỹ). Chip này mang tên Hardware 3.0, sau đó được nâng cấp lên tiến trình 7 nanomet. Bây giờ, Tesla sẽ đi tiến tới quy trình 4 hay 5 nanomet và sẽ chỉ đặt hàng chip từ TSMC.

Tốc độ xử lý hình ảnh của Hardware 3.0 cao gấp 21 lần so với phiên bản 2.5. Ngoài ra, chi phí của chip này thấp hơn 20% và chủ sở hữu ô tô điện cũ có thể nâng cấp miễn phí.

Chip FSD do Tesla tự phát triển có khả năng tính toán lên tới 144 TOPS (teraoperations per second), 8 camera hỗ trợ hệ thống và hoàn tất việc xử lý hình ảnh. Thế hệ chip FSD tiếp theo sắp ra mắt (3.5 hay 4.0), do TSMC sản xuất, sẽ cung cấp sức mạnh gấp ba lần mô hình hiện tại.

1 TOPS có nghĩa là 1.000 tỉ phép tính mỗi giây.

Đây chắc chắn là đòn mạnh khác giáng vào Samsung Electronics. Mọi thứ dường như bắt đầu với Snapdragon 8 Gen 1 của Qualcomm do Samsung Electronics sản xuất. SoC 4 nanomet có vấn đề về nhiệt độ và hiệu suất năng lượng thấp, còn GPU đã đi sau đối thủ.

Thất vọng với Samsung Electronics, Qualcomm đã vội vã chuyển sang TSMC sản xuất chip mới Snapdragon 8+ Gen 1. Gần đây, Qualcomm tiếp tục ký hợp đồng với TSMC sản xuất chip Snapdragon 8 Gen 2.

Theo một số báo cáo, Qualcomm đang rời bỏ Samsung Electronics ngay cả với các dòng sản phẩm tầm trung. Snapdragon 7 Gen 2 cũng do TSMC sản xuất.

Hiện tại, có vẻ như vi xử lý Tensor do Google phát triển sẽ đóng một vai trò quan trọng cho kinh doanh chip của Samsung Electronics trong tương lai.

Công ty Hàn Quốc đã sản xuất chip Tensor thế hệ thứ hai cho Google trên quy trình 4 nanomet.

Bài liên quan
Bị Mỹ đưa vào danh sách đen, 21 hãng chip AI Trung Quốc đối mặt hình phạt nặng hơn YMTC
Chính quyền Biden hôm 15.12 công bố thêm YMTC và 21 công ty lớn khác của Trung Quốc trong ngành chip trí tuệ nhân tạo (AI) vào danh sách đen thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do Samsung có động thái trái ngược TSMC và Micron