Bản tin 6h ngày 19.3 của Bộ Y tế cho biết không có ca mắc COVID-19. Đến nay, cả nước đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho hơn 27.500 người.
Theo Bộ Y tế, 10 tỉnh, thành phố đã 34 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã tròn qua 31 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng, đã qua 24 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 37.878 người, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 490
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.491
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 18.897
Theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia trong ngày 18.3 đã triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 4 tỉnh: Hà Giang (70), Điện Biên (56), Bà Rịa - Vũng Tàu (87) và Bình Dương (84).
Đến cuối giờ chiều 18.3 có thêm 3.492 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19, nâng tổng số người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 lên 27.546 người.
Tất cả đều là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 517.000 ca bệnh COVID-19 và trên 9.690 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 122 triệu ca, trong đó trên 2,7 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (80.389 ca), Mỹ (trên 57.200 ca) và Ấn Độ (39.643 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (2.363 ca), Mỹ (1.515 ca) và Mexico (789 ca).
Trong báo cáo cập nhật về tuần lễ kết thúc vào ngày 14.3 vừa qua, WHO cho biết thế giới đã ghi nhận trên 3 triệu ca nhiễm mới.
Báo cáo nhấn mạnh châu Mỹ và châu Âu tiếp tục chiếm hơn 80% số ca nhiễm mới và ca tử vong mới trong giai đoạn này. Brazil, Mỹ và Pháp là những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngày càng có thêm nhiều nước ghi nhận các ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh và Nam Phi.
Cho đến nay, biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh đã lây lan ra 118 nước, trong khi biến thể tại Nam Phi đã lan sang 64 quốc gia. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 có xu hướng giảm, theo đó cập nhật hằng tuần của WHO cho thấy gần 60.000 người tử vong tuần trước, con số ít nhất kể từ tháng 11.2020.
Trong bối cảnh số ca mắc mới không ngừng gia tăng, ngày 18.3, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ phát triển thành căn bệnh xuất hiện theo mùa, tuy nhiên khuyến cáo việc nới lỏng các biện pháp liên quan đến dịch bệnh không nên chỉ căn cứ vào các yếu tố thời tiết. Một nhóm chuyên gia gồm 16 thành viên do Tổ chức Khí tượng thế giới thành lập với nhiệm vụ tìm hiểu khả năng các yếu tố khí tượng và chất lượng không khí ảnh hưởng đến sự lây lan của COVID-19.
Trong báo cáo đầu tiên, nhóm này cho biết đã phát hiện một số dấu hiệu bệnh này có thể phát triển thành một căn bệnh xuất hiện theo mùa. Báo cáo chỉ ra rằng hiện tượng lây nhiễm qua đường hô hấp thường có tính chất theo mùa, đặc biệt là vào giai đoạn cao điểm dịch cúm mùa Thu-Đông ở các miền khí hậu ôn đới.
Nghiên cứu nhấn mạnh nếu kéo dài nhiều năm, COVID-19 sẽ là căn bệnh hoành hành mạnh theo mùa. Các mô hình nghiên cứu dự báo tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 sẽ bùng phát theo mùa qua thời gian.