Thống kê dữ liệu từ nền tảng fDi Markets, trang Nikkei Asian Review ghi nhận sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang chuyển từ đầu tư dự án hạ tầng lớn sang các lĩnh vực cần ít vốn hơn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học...

Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' chuyển hướng đầu tư

Cẩm Bình | 07/05/2023, 07:05

Thống kê dữ liệu từ nền tảng fDi Markets, trang Nikkei Asian Review ghi nhận sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang chuyển từ đầu tư dự án hạ tầng lớn sang các lĩnh vực cần ít vốn hơn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học...

Dữ liệu fDi Markets cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào công nghệ thông tin, truyền thông, linh kiện điện tử năm 2022 lên đến 17,6 tỉ USD - cao gấp 6 lần năm 2013 khi BRI ra mắt.

Như vậy có nghĩa số dự án như trung tâm dữ liệu mới cho chính phủ Senegal - nằm cách thủ đô Dakar nửa giờ lái xe về phía đông và được quân đội bảo vệ nghiêm ngặt - đã tăng mạnh. Hoàn thành năm 2021, trung tâm là dự án hợp tác song phương sử dụng máy chủ do tập đoàn Huawei cung cấp.

Cheikh Bakhoum - Tổng giám đốc Công ty Senegal Numerique (đơn vị quản lý trung tâm dữ liệu) - cho biết hạ tầng này giúp đưa dữ liệu lưu trữ trong máy chủ ở nước ngoài trở lại Senegal, đồng thời giảm chi phí lưu trữ.

Không chỉ trung tâm dữ liệu, Senegal còn lắp đặt tuyến cáp quang biển cùng mạng lưới camera giám sát đô thị bằng đầu tư từ Trung Quốc. Dữ liệu camera thu thập được phân tích bởi phần mềm chuyên dụng.

vachina.jpg
Trung tâm dữ liệu mới cho chính phủ Senegal là dự án hợp tác với Trung Quốc - Ảnh: Nikkei Asian Review

Phó giáo sư Dai Mochinaga (Viện Công nghệ Shibaura) cho biết: “Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu hạ tầng kỹ thuật số tự phát triển từ cuối những năm 2000. Xu hướng này tăng mạnh vào năm 2013 khi Huawei đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài”.

Công nghệ sinh học cũng đón nhận nhiều đầu tư Trung Quốc hơn, từ năm 2013 đến 2022 tăng gấp 29 lần - đạt 1,8 tỉ USD. Phát triển vắc xin COVID-19 là ví dụ tiêu biểu. Tính đến năm 2022, quốc gia châu Á đã xuất khẩu khoảng 2 tỉ liều vắc xin đến nhiều nơi trên thế giới, tiếp cận được các nền kinh tế mới nổi, trong khi châu Âu - quê hương của hàng loạt hãng dược lớn - tập trung đáp ứng nhu cầu tại chỗ.

Công ty Trung Quốc Abogen Bioscatics cấp phép công nghệ vắc xin mRNA cho đối tác Indonesia Etana Biotechnologies với mục tiêu sản xuất 100 triệu liều vắc xin. Etana vào năm ngoái vừa xây xong một cơ sở sản xuất.

Sự chuyển hướng đầu tư đi kèm với xu hướng giảm tài trợ dự án hạ tầng lớn. Đầu tư vào phát triển nhiên liệu hóa thạch giảm 1% so với thập kỷ trước do nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính. Năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết không xây thêm nhà máy điện than nào ở nước ngoài nữa.

Đầu tư cho dự án liên quan đến kim loại - chẳng hạn như sản xuất nhôm - cũng giảm kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2018.

Theo Nikkei Asian Review, sự chuyển hướng đầu tư một phần do lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học ít tốn kém hơn. Một dự án nhiên liệu hóa thạch cần trung bình 760 triệu USD, dự án khai thác mỏ cần 160 triệu USD, còn dự án công nghệ sinh học chỉ cần 60 triệu USD, dự án công nghệ thông tin cần 20 triệu USD.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
40 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' chuyển hướng đầu tư