Apple đang đàm phán với các nhà cung cấp để sản xuất MacBook ở Thái Lan như một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm mở rộng sự hiện diện về sản xuất của công ty bên ngoài Trung Quốc, trang Nikkei đưa tin hôm 13.4.
Các nhà cung cấp tham gia vào cuộc đàm phán đã có các khu phức hợp sản xuất ở Thái Lan cho những khách hàng khác. Họ đang thảo luận với Apple về khả năng lắp ráp, sản xuất các linh kiện cùng mô đun cho MacBook, theo trang Nikkei.
Theo báo cáo, gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng đã sản xuất hàng loạt Apple Watch tại Thái Lan trong hơn một năm qua.
Apple không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.
Ít nhất 18 nhà cung cấp, bao gồm cả Compal Electronics Inc, Sony Group Corp và Western Digital Corp, có hoạt động tại Thái Lan, theo danh sách mới nhất của Apple.
Cuối năm 2022, trang Nikkei cho biết Apple sẽ sản xuất MacBook ở Việt Nam giữa năm 2023.
Apple chuyển một số hoạt động sản xuất MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam là động thái đã được lên kế hoạch từ năm 2020. Lô máy tính xách tay đầu tiên của Apple dự kiến sẽ được sản xuất sớm nhất vào khoảng tháng 5.2023.
Apple chọn Foxconn (Đài Loan), nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, để lắp ráp MacBook tại Việt Nam, theo trang Nikkei.
Trước động thái này, MacBook vẫn là sản phẩm chính duy nhất của Apple chỉ được sản xuất tại Trung Quốc. Nikkei cho biết việc di chuyển các dây chuyền lắp ráp MacBook ra bên ngoài Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn do chuỗi cung ứng phức tạp của sản phẩm này.
"Sau khi thay đổi sản xuất với MacBook, tất cả sản phẩm chủ lực của Apple về cơ bản sẽ có thêm một địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc... iPhone ở Ấn Độ; MacBook, Apple Watch và iPad tại Việt Nam. Những gì Apple muốn bây giờ là tùy chọn 'ra khỏi Trung Quốc' với ít nhất một phần sản xuất cho tất cả sản phẩm của mình", một người có kiến thức trực tiếp về vấn đề này nói với Nikkei.
Vào tháng 11.2020, Foxcon đã lên kế hoạch chuyển một số hoạt động lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Foxconn trước đó công bố khoản đầu tư 270 triệu USD để thành lập công ty con mới tại Việt Nam.
Theo trang SCMP, các dây chuyền lắp ráp MacBook được đặt tại nhà máy Foxconn ở tỉnh Bắc Giang, phía đông bắc Việt Nam.
Việc sản xuất MacBook ở Việt Nam phản ánh nỗ lực của Apple và Foxconn nhằm nhanh chóng thiết lập chuỗi cung ứng mới trên khắp châu Á.
Từ lâu Foxconn đã đặt địa điểm sản xuất MacBook ở thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong vòng khép kín, với dây chuyền lắp ráp có 110.000 công nhân tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình công việc nhất định.
Việc sản xuất MacBook thuộc Nhóm kinh doanh B của Foxconn, chịu trách nhiệm về thiết bị đeo tay, máy tính bảng, máy tính xách tay và loa thông minh. Foxconn có cơ sở hoạt động tại các thành phố của Trung Quốc như Thành Đô, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu và Hành Dương.
Dù vẫn chưa chắc chắn bao nhiêu sản lượng MacBook sẽ được chuyển ra ngoài Trung Quốc, một báo cáo gần đây từ hãng nghiên cứu Counterpoint Research chỉ ra rằng Foxconn có kế hoạch chuyển tới 30% tổng công suất sản xuất của mình sang Ấn Độ, Việt Nam và Brazil.
Tăng tốc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Apple và các nhà cung cấp chính của họ đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt đã làm gián đoạn nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất do Foxconn điều hành ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam vào năm ngoái.
Apple cũng đang tìm cách tránh bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh do căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Hôm 13.4, trang Bloomberg News đưa tin Apple đã lắp ráp lượng iPhone trị giá hơn 7 tỉ USD ở Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, tăng gấp 3 lần sản lượng tại quốc gia Nam Á này, sau khi tăng tốc dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Apple hiện sản xuất gần 7% số iPhone của mình ở Ấn Độ thông qua việc mở rộng các đối tác từ Foxconn đến Pegatron, những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với trang Bloomberg. Đó là bước nhảy vọt đáng kể với Ấn Độ, vốn chỉ ước tính sản xuất khoảng 1% số iPhone trên thế giới vào năm 2021.
Apple đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Các đối tác lâu năm của Apple, từng sản xuất hầu hết iPhone trên thế giới từ các nhà máy rộng lớn ở Trung Quốc, nay đã bổ sung các dây chuyền lắp ráp với tốc độ nhanh chóng trong năm 2022.
Apple đã phải vật lộn vào năm ngoái với tình trạng hỗn loạn tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, khiến chuỗi cung ứng của Apple dễ bị tổn thương và buộc phải cắt giảm ước tính sản lượng. Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra hàng loạt các ưu đãi để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong tổng sản lượng, Apple đã xuất khẩu 5 tỉ USD iPhone vào năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2023, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước, Bloomberg cho biết.
Apple (công ty giá trị nhất thế giới) có thể sẽ cố gắng sản xuất những chiếc iPhone tiếp theo ở Ấn Độ cùng lúc với tại Trung Quốc vào khoảng mùa thu năm 2023. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên quá trình lắp ráp iPhone bắt đầu đồng thời ở hai quốc gia này. Nếu việc mở rộng mạnh mẽ các nhà cung cấp tiếp diễn, Apple có thể lắp ráp 1/4 tổng số iPhone của mình tại Ấn Độ vào năm 2025.
Đại diện Apple từ chối bình luận về chuyện trên.
Ngay cả trước khi sự cố xảy ra ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, Apple đã nhận ra sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Công ty Mỹ đã vận động thành công để hưởng các ưu đãi ở Ấn Độ và thúc đẩy ba nhà cung cấp Foxconn, Wistron, Pegatron tăng cường hoạt động tại đây. Tạo ra khoảng 60.000 việc làm cho công nhân ở Ấn Độ, ba công ty Đài Loan này sản xuất các mẫu từ iPhone 11 đến iPhone 14 tại quốc gia Nam Á.
Điều đó đặt Apple vào trung tâm tham vọng của Ấn Độ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn và địa điểm thay thế cho Trung Quốc. Apple là một trong những công ty đòi hỏi khắt khe nhất thế giới khi nói đến sản xuất. Chuỗi sản xuất của Apple bao gồm hàng trăm công ty trên khắp thế giới và sử dụng hàng triệu lao động, phần lớn trong số đó đang ở Trung Quốc.
Việc dịch chuyển sản xuất iPhone khỏi Trung Quốc đại diện cho một chiến thắng kinh tế với Ấn Độ, có thể tác động đến cách các thương hiệu Mỹ khác lập kế hoạch cho tương lai. Với Apple, Ấn Độ đại diện cho một nguồn tăng trưởng trong tương lai, vào thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại sau nhiều năm áp đặt các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt.
Apple sẽ mở hai cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Ấn Độ vào tuần tới, một ở trung tâm tài chính Mumbai và một tại thủ đô New Delhi. Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, dự kiến sẽ đích thân bay đến Ấn Độ để khánh thành hai cửa hàng bán lẻ, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường này.
Có trụ sở tại thành phố Cupertino (bang California, Mỹ), Apple đã đề nghị những thay đổi trong luật lao động của Ấn Độ như một phần nỗ lực mở rộng sản xuất tại địa phương và tạo ra các nhà máy lớn.
Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất của Apple, có kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD vào nhà máy ở một bang miền nam Ấn Độ để sản xuất linh kiện điện thoại và có thể cả iPhone. Đại diện Foxconn, Wistron và Pegatron không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence (công ty cung cấp thông tin tài chính, tin tức và dữ liệu thị trường thuộc Bloomberg) nhận định: “Việc giảm thiểu phụ thuộc vào sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ được xây dựng trong nhiều thập kỷ sẽ đối mặt với những thách thức đáng kể. Thế nhưng, phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng sự phụ thuộc có thể giảm 20-40% trong hầu hết các trường hợp vào năm 2030. Khi căng thẳng địa chính trị cũng như chính sách của chính phủ và các công ty đang thúc đẩy động thái mới nhằm đa dạng hóa về mặt địa lý, sẽ mất nhiều năm đầu tư để có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp, hiệu quả và tính lành nghề trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc từ bán dẫn đến phần cứng và lắp ráp”.
Abhilash Kumar, nhà phân tích ngành công nghiệp của công ty TechInsights, cho biết đã có sự gia tăng đáng kể trong hoạt động sản xuất của Apple tại Ấn Độ khi hãng này thu hút thêm nhiều khách hàng mới ở quốc gia Nam Á này và chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.
Tháng trước, Foxconn cho biết có kế hoạch tăng cường đầu tư bên ngoài Trung Quốc. Pegatron, nhà cung cấp khác của Apple, đang đàm phán để mở một nhà máy thứ hai ở Ấn Độ.