Một số tia sét đã đánh vào bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, nơi sẽ diễn ra chuyến bay của sứ mệnh Mặt trăng Artemis 1.

Sét đánh vào bệ phóng tên lửa của sứ mệnh Mặt trăng Artemis 1

Long Hải | 28/08/2022, 11:07

Một số tia sét đã đánh vào bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, nơi sẽ diễn ra chuyến bay của sứ mệnh Mặt trăng Artemis 1.

set-danh1.jpg
Một số tia sét xuất hiện tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida hôm 27.8 - Ảnh: John Kraus

Siêu tên lửa Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) và tàu vũ trụ Orion của NASA đã được lắp ghép và dựng đứng trên bệ phóng 39B để chuẩn bị sẵn sàng cho sứ mệnh Artemis 1, dự kiến diễn ra vào ngày 29.8. Chuyến bay sẽ được lùi sang ngày 2.9 hoặc 5.9 nếu thời tiết xấu hoặc có vấn đề kỹ thuật xảy ra.

Hai ngày trước khi vụ phóng diễn ra, một số tia sét đã đánh trúng hai tháp chống sét của bệ phóng 39B. Theo NASA, không có gì đáng báo động khi các ngọn tháp đã phát huy đúng vai trò của chúng, bảo vệ hệ thống phóng có giá trị khỏi các tác động nguy hiểm. Hồi tháng 4, một trong ba ngọn tháp của bệ phóng 39B cũng bị sét tấn công trong cuộc thử nghiệm tiếp nhiên liệu Artemis 1, nhưng cả SLS và Orion đều không bị ảnh hưởng.

Trong một bài cập nhật đăng trên blog vào tối qua, các quan chức NASA cho biết các tia sét có cường độ thấp. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn đang điều tra xem liệu chúng có thể ảnh hưởng đến hai phương tiện của sứ mệnh Artemis 1 hay bệ phóng 39B hay không.

“Một nhóm thời tiết đã bắt đầu đánh giá tác động của những tia sét, bao gồm thu thập dữ liệu điện áp, dòng điện cũng như hình ảnh liên quan. Dữ liệu sẽ được chia sẻ với một nhóm chuyên gia, những người sẽ xác định xem có bất kỳ vấn đề nào đối với phương tiện phóng hoặc hệ thống mặt đất hay không. Các kỹ sư sẽ tiến hành đánh giá bổ sung với các chuyên gia về hệ thống phụ”, các quan chức NASA viết.

Video một số tia sét đánh trúng bệ phóng 39B được camera ghi lại

Robert Cabana, Phó giám đốc NASA cho biết, gần 5 thập kỷ sau nhiệm vụ Apollo cuối cùng năm 1972, NASA thành lập chương trình Artemis nhằm đưa con người hạ cánh ở khu vực chưa khám phá trên Mặt trăng. Đây cũng là nhiệm vụ với những phương tiện mới của NASA như siêu tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion, kể từ khi cơ quan này ngừng hoạt động phi đội tàu con thoi hơn một thập kỷ trước.

Sứ mệnh đầu tiên Artemis 1 sẽ phóng tên lửa SLS dài 98 mét và tàu vũ trụ Orion trong sứ mệnh 42 ngày vòng quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất vào ngày 10.10. Trong chuyến bay, tàu vũ trụ Orion sẽ bay 64.000 km phía ngoài Mặt trăng, xa hơn 48.000 km so với kỷ lục lập bởi tàu Apollo 13. Lộ trình này mô phỏng chuyến bay mà phi hành đoàn Artemis 2 sẽ thực hiện vào năm 2024. Đây sẽ là quãng đường xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ chở người nào từng bay, theo NASA.

Đó là giả định khi mọi thứ diễn ra hoàn hảo với chuyến bay. NASA cũng nói rõ rằng mọi thứ có thể diễn ra với một vài rủi ro. “Đây là chuyến bay đầu tiên của tên lửa và tàu vũ trụ mới. Chúng tôi đang thực hiện một điều cực kỳ khó với một số rủi ro cố hữu”, Mike Sarafin, Giám đốc sứ mệnh Artemis 1 của NASA, cho biết.

ten-lua2.jpg
Nhiệm vụ Artemis 1 sẽ sử dụng siêu tên lửa Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) để đưa tàu Orion lên Mặt trăng

Các nhà quản lý sứ mệnh hôm 22.8 cho biết họ có ý định đẩy mạnh hoạt động của tàu vũ trụ Orion, vượt xa các thông số mà NASA đã thiết lập cho các chuyến bay có phi hành đoàn, để đảm bảo tàu vũ trụ đạt được tốc độ của nó. Hành trình 42 ngày của sứ mệnh cũng dài hơn 10 ngày tiêu chuẩn của các chuyến bay mà NASA đã lên kế hoạch cho phi hành đoàn Artemis. Điều này sẽ giúp NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) có thời gian xác định các vấn đề cần giải quyết cho chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên.

Ở bên dưới tàu Orion là module dịch vụ châu Âu, nơi đặt động cơ đẩy chính và vật tư hỗ trợ sự sống cần thiết cho nhiệm vụ Artemis 1. Orion cũng mang theo một hình nộm “Moonikin” với phần thân được bao phủ bởi các cảm biến để đo tác động của rung động và bức xạ không gian lên cơ thể con người. Bên cạnh đó, một số thiết bị nhỏ sẽ được triển khai từ SLS trong chuyến bay để thử nghiệm các công nghệ thăm dò Artemis mới.

nasa1.jpg
Biểu đồ cho thấy các giai đoạn khác nhau của sứ mệnh Artemis 1 của NASA

Khi Artemis 1 phóng vào ngày 29.8, nhiệm vụ không người lái này sẽ kiểm tra mọi bộ phận mới giúp mục tiêu khám phá không gian sâu trong tương lai trở nên khả thi. Nhiệm vụ Artemis 2 là chuyến bay có phi hành đoàn mà NASA hy vọng sẽ diễn ra vào năm 2024. Artemis 3, chuyến hạ cánh đầu tiên lên Mặt trăng với phi hành đoàn, được nhắm mục tiêu vào năm 2025 và sẽ sử dụng tàu đổ bộ Starship của SpaceX. Nhiệm vụ này sẽ đưa các phi hành gia đến một trong 13 địa điểm tiềm năng ở cực Nam Mặt trăng. Nhưng cả hai nhiệm vụ Artemis 2 và 3, tất nhiên đều phụ thuộc vào cách Artemis 1 xuất hiện.

Không phải là trùng hợp khi NASA đặt tên chương trình trở lại Mặt trăng là Artemis (tên người chị sinh đôi của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp). Artemis sẽ tiếp nối chương trình Apollo nổi tiếng bằng cách phóng nhiệm vụ có người lái tới Mặt trăng nhưng theo cách mới. Mục tiêu của chương trình bao gồm đưa phi hành đoàn đa sắc tộc lên Mặt trăng và lần đầu tiên khám phá cực Nam chìm trong bóng tối. Chương trình tham vọng này cũng hướng tới thiết lập khu định cư bền vững trên Mặt trăng và tạo ra những hệ thống tái sử dụng cho phép con người khám phá sao Hỏa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sét đánh vào bệ phóng tên lửa của sứ mệnh Mặt trăng Artemis 1