Sau khi shipper tại các quận huyện “vùng đỏ” TP.HCM được hoạt động trở lại, “đi chợ hộ” đã tăng tốc độ giao hàng. Nhiều địa phương thậm chí không còn nợ đơn hàng.
Vài ngày trở lại đây, nhiều người dân tại các quận huyện “vùng đỏ” ở TP.HCM bất ngờ khi ứng dụng Grab mở lại dịch vụ đi chợ hộ GrabMart. Cùng với đó, nhiều cửa hàng, siêu thị có gian hàng trên nền ứng dụng cũng mở bán trở lại, nhận đơn hàng.
Nhiều người dân ở “vùng đỏ” đã tự mua sắm, đặt mua lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu và được giao tận nhà thay vì nhờ phường “đi chợ hộ”. Dù các ứng dụng mới mở lại dịch vụ giao hàng song nhiều gian hàng nhanh chóng bị quá tải, phải ngưng nhận đơn hàng từ sớm.
Không chỉ các ứng dụng giao hàng, nhiều sàn thương mại điện tử cũng hoạt động trở lại và nhanh chóng giao hàng cho người dân. Điển hình là Lazada cho biết ngay khi các nhân viên giao hàng được hoạt động trở lại, sàn đã giao thành công hàng chục ngàn đơn hàng cho người dân TP.HCM và con số này dự kiến còn tăng. Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post đã chính thức mở gian hàng “đi chợ online” phục vụ người dân TP.HCM.
Cũng liên quan đến hoạt động phân phối hàng hóa, Sở Công Thương TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM nghiên cứu cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng thời gian và phương thức hoạt động trở lại từ 6 giờ 00 đến 21 giờ 00 hàng ngày.
Việc này nhằm tiếp tục đảm bảo tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân trên cơ sở phát huy các hệ thống phân phối hiện có của thành phố và đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) chuyên nghiệp để phân phối hàng hóa cho người dân được kịp thời.
Sở Công Thương TP.HCM còn kiến nghị thành phố cho phép đội ngũ shipper hoạt động theo phạm vi 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức từ 6 giờ 00 đến 21 giờ 00 hàng ngày tương ứng để hỗ trợ phân phối hàng hóa kịp thời đến người dân.
Theo Sở Công Thương, tổng nhu cầu đặt hàng “đi chợ hộ” trong 2 tuần (từ ngày 23.8 đến ngày 6.9) trên địa bàn TP.HCM là 1.943.679 hộ, chiếm 77,24% tổng số hộ dân trên địa bàn. Chỉ riêng trong ngày 5.9, tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ trong ngày là 96.398 hộ, tăng 17,98% so với ngày hôm trước (tương đương tăng 14.695 hộ).
Tính chung từ ngày 23.8 đến ngày 6.9, tổng số hộ đã đăng ký “đi chợ hộ” là 1.343.656 hộ, chiếm 53,39% tổng số hộ dân sinh sống trên địa bàn. Thực tế tỷ lệ hộ đăng ký có thể cao hơn, do có khoảng 20% - 30% số hộ thực hiện đăng ký ghép để “mua hộ” cho gia đình và người thân, họ hàng.
Tuy nhiên, Sở Công Thương cũng nhìn nhận có một số điểm hạn chế trong việc tổ chức mua bán, hỗ trợ thực phẩm trong 14 ngày qua. Một số cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm vẫn luôn trong tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ những mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, buộc Sở phải yêu cầu điều phối nguồn hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu.
Số lượng nhân viên soạn hàng và giao hàng của các siêu thị, cửa hàng còn ít, lực lượng tổ dân phố hỗ trợ chưa chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm, dẫn đến số đơn hàng hoàn thành giao cho các phường và người dân chưa cao.
Cụ thể, tỷ lệ đáp ứng đơn hàng của người dân tại một số địa phương đạt dưới 90% như tại huyện Bình Chánh chỉ đạt 78,4%, Phú Nhuận 85,5%...
Đặc biệt, phương thức “đi chợ hộ” mua theo combo cũng gây khó khăn cho người dân trong điều kiện cần phải tính toán tiết kiệm chi tiêu, mua những thứ thật sự cần thiết.
“Tính đến ngày 5.9, các địa phương đã giải quyết được 1.275.708 đơn hàng đi chợ hộ cho người dân. Tuy nhiên, với sự tham gia bổ trợ cung ứng, vận chuyển hàng hóa của lực lượng shipper thì sau 7 ngày được hoạt động, với số lượng khoảng 10.000 shipper đã giải quyết được hơn 1 triệu đơn hàng cho người dân”, Sở Công Thương TP.HCM cho biết.
Hiện tại, TP.HCM có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động; bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, với phương thức “đi chợ hộ”, Sở Công Thương cũng đang triển khai nhiều biện pháp bổ trợ khác, như bán hàng lưu động theo combo, giao hàng qua shipper; siêu thị 0 đồng; dự án “chợ nghĩa tình”…