Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết những nỗ lực giải cứu giúp đuôi tàu container khổng lồ Ever Given và bánh lái của nó di chuyển. Song vẫn chưa rõ khi nào tàu dài 400 mét với trọng tải gần 224.000 tấn sẽ được giải thoát.
Do Tập đoàn Evergreen (Đài Loan) vận hành, Ever Given đã bị mắc cạn và chắn ngang kênh đào Suez (Ai Cập) từ hôm 23.3 do gió mạnh đánh, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu khi chặn một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới.
Theo hai nguồn tin của Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), sự kết hợp giữa việc nạo vét từ xung quanh Ever Given, kéo và đẩy tàu với tàu lai dắt đã tạo ra tiến bộ nhỏ trong việc giải cứu nó hôm 27.3. Một nguồn tin cho biết đã có một số chuyển động ở mũi Ever Given.
Chủ tịch Osama Rabie của SCA nói với truyền hình địa phương rằng nước đã bắt đầu chảy bên dưới Ever Given.
Trong một cuộc họp báo trước đó, ông Osama Rabie nói: “Chúng tôi hy vọng một lúc nào đó con tàu có thể trượt và di chuyển khỏi vị trí nó đang dừng”.
Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển trên thế giới đi qua kênh đào Suez và hàng trăm tàu thuyền đang chờ đi qua khi tắc nghẽn được giải tỏa.
Ông Osama Rabie hy vọng không cần thiết phải dỡ bỏ một số trong 18.300 container trên Ever Given để giảm tải trọng cho con tàu, nhưng thủy triều và gió mạnh đã làm phức tạp nỗ lực giải phóng nó.
“Đuôi tàu bắt đầu để di chuyển về phía Suez và đó là một dấu hiệu tích cực cho đến 11 giờ tối, nhưng thủy triều đã giảm đáng kể và chúng tôi dừng lại”, Osama Rabie nói với các nhà báo ở Suez.
Các tàu nạo vét đã loại bỏ khoảng 20.000 tấn cát từ xung quanh mũi Ever Given hôm 26.3. Một công ty Hà Lan đang làm việc để giải phóng Ever Given cho biết nó có thể được giải cứu vào đầu tuần tới nếu các tàu kéo nặng hơn, thủy triều dâng cao và việc nạo vét cát thành công.
Theo các nguồn tin của SCA, các nỗ lực kéo Ever Given được bắt đầu lại chiều 27.3 và tiếp tục vào 28.3 dù có thể cần phải loại bỏ thêm cát xung quanh tàu để giải phóng nó.
Theo một đại lý vận tải biển ở thành phố Port Said (Ai Cập), SCA đã thông báo cho các cơ quan chuẩn bị cho việc có thể đưa các tàu mới vào kênh đào Suez. Trong khi một nguồn tin khác cho biết SCA đã vạch ra kế hoạch để 133 tàu di chuyển nhanh chóng sau khi Ever Given được giải phóng.
Người đứng đầu Boskalis, công ty mẹ của hãng Smit Salvage (Hà Lan), đã được đưa đến để giúp SCA, cho biết các tàu kéo hạng nặng với trọng tải 400 tấn sẽ cập cảng cuối tuần này.
“Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành sau cuối tuần, nhưng mọi thứ sẽ phải diễn ra chính xác cho điều đó”, Giám đốc điều hành Boskalis - Peter Berdowski nói với chương trình truyền hình Hà Lan Nieuwsuur vào cuối ngày 26.3.
Thủ tướng Ai Cập - Mostafa Madbouly hôm 27.3 cảm ơn các đối tác nước ngoài đã đề nghị giúp giải cứu Ever Given.
Thư ký báo chí Nhà Trắng - Jen Psaki cho biết hôm 26.3 rằng Mỹ đã sẵn sàng trợ giúp cho nỗ lực này, khi CNN đưa tin Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch cử một nhóm chuyên gia để xem xét tình hình. Các công ty từ Nhật Bản và Hà Lan đã sẵn sàng làm việc để giải phóng
Ever Given. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia gần đầy có quan hệ xấu đi với Ai Cập, đã đề nghị gửi một tàu kéo.
Giá vận chuyển với tàu chở sản phẩm dầu tăng gần gấp đôi sau khi Ever Given mắc cạn và sự cố tắc nghẽn đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa các công ty vốn gặp khó khăn vì phải đối phó với các hạn chế COVID-19.
Nếu sự tắc nghẽn kênh Suez kéo dài, các chủ hàng có thể quyết định định tuyến lại, chuyển hướng đi hàng ngàn km quanh Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, thêm khoảng hai tuần cho hành trình và tăng chi phí nhiên liệu.
Osama Rabie nói các con tàu đang chờ qua kênh đào Suez có thể tự do định tuyến lại, nhưng chưa có tàu nào làm như vậy.
Ông cho biết 321 tàu đang đợi để vào hoặc tiếp tục quá cảnh qua kênh đào Suez, bao gồm hàng chục tàu container, tàu chở hàng rời và tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc khí hóa lỏng (LPG), theo một nguồn tin vận tải.
14 tàu kéo đến nay đã tham gia vào các nỗ lực giải cứu Ever Given, nhưng Boskalis và Smit Salvage đã cảnh báo rằng việc sử dụng quá nhiều lực để kéo có thể làm hỏng tàu.
Peter Berdowski cho biết một cần cẩu sẽ được đưa đến vào cuối tuần có thể làm giảm tải của Ever Given bằng cách loại bỏ các container, dù các chuyên gia cảnh báo rằng quy trình như vậy có thể phức tạp và kéo dài.
“Nếu chúng tôi không thành công trong việc giải phóng Ever Given vào tuần tới, chúng tôi sẽ phải loại bỏ khoảng 600 container khỏi mũi tàu để giảm trọng lượng. Điều đó sẽ khiến chúng ta lùi lại ít nhất vài ngày nữa vì việc bỏ lại tất cả container đó ở đâu sẽ là câu hỏi khá khó trả lời”, Peter Berdowski nói thêm.
Osama Rabie nói các tàu container có cần cẩu có thể hạ tải hàng hóa.
Lo ngại về chi phí vận tải tăng cũng đang thúc đẩy mua trên thị trường dầu kỳ hạn. Việc tắc kênh Suez kéo dài sẽ làm gián đoạn các chuyến hàng dầu thô và khí đốt tự nhiên của Trung Đông đến châu Âu, nên có thể làm tăng giá dầu thô Brent (phong vũ biểu quốc tế về giá dầu)trong tương lai.
Tomomichi Akuta, nhà nghiên cứu năng lượng cấp cao của Mitsubishi UFJ Research & Consulting cho biết: “Giá dầu thô quốc tế tăng sẽ là gánh nặng với các công ty Nhật Bản. Đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng, sẽ đẩy chi phí hậu cần lên cao và gây áp lực đi xuống cho nền kinh tế".
Thế nhưng, một số nhà phân tích nói rằng khi nhiều thành phố châu Âu áp dụng lại biện pháp phong tỏa để chống lại đại dịch COVID-19 và mùa xuân đến sẽ làm giảm nhu cầu về nhiên liệu, hạn chế việc tăng giá.
Việc tắc kênh Suez kéo dài cũng có thể khiến thị trường châu Á tràn ngập dầu và khí đốt khi nguồn cung được chuyển hướng sang khu vực đó thay vì châu Âu, khiến nhiều người tin rằng giá không có khả năng tiếp tục tăng.
Tatsufumi Ogoshi, nhà kinh tế cấp cao của Nomura Securities, nhận xét: "Giá giao ngay với thủy tinh thô và thủy tinh lỏng ở Dubai sẽ giảm do các lô hàng dư thừa đến châu Á. Với một số công ty Nhật Bản, điều này sẽ dẫn đến việc giảm chi phí".
Xem thêm: Thực hư tin siêu tàu Ever Given lại chắn ngang kênh đào Suez vì gặp gió mạnh?
Nga: Sự cố kênh đào Suez cho thấy giá trị của tuyến đường biển phía Bắc
Những con số khủng khiếp từ vụ siêu tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez
Kênh đào Suez nằm ở lãnh thổ Ai Cập, nối thành phố Port Said trên Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương qua thành phố Suez ở miền nam Ai Cập trên Biển Đỏ. Tuyến đường cung cấp lối tắt giữa châu Âu và châu Á, giúp tàu cắt ngắn hành trình vì không phải đi vòng qua châu Phi.
Ban đầu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Pháp, kênh Suez được hình thành khi Ai Cập nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman vào giữa thế kỷ 19. Công tác thi công bắt đầu ở Port Said vào đầu năm 1859, trong đó quá trình nạo vét kéo dài 10 năm với 1,5 triệu lao động. Trong quá trình thi công, nhiều người đã phải làm việc cực khổ, được trả công thấp, thậm chí chết vì bệnh tả và các bệnh khác.
Các động thái chính trị ở Ai Cập chống lại thực dân Anh và Pháp đã làm chậm tiến độ xây dựng kênh đào, chi phí cuối cùng cao gấp đôi so với dự kiến ban đầu là 50 triệu USD.