Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) thông báo về việc thu hồi một số sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Singapore thu hồi nem cuốn hải sản của Việt Nam

Tuyết Nhung 21:04 25/04/2024

Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) thông báo về việc thu hồi một số sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.

Bộ Công Thương tối ngày 25.4 cho biết Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) thông báo về việc thu hồi một số sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Các sản phầm này có chứa trứng – được coi là một trong những thành phần gây dị ứng cho người sử dụng – nhưng không được ghi chú trên nhãn mác của sản phẩm.

SFA cho biết đã phát hiện có trứng trong thành phần của sản phẩm nem cuốn hải sản Li Chuan (750g), dimsum tôm Bibigo’s Mandu (350g) và Mini Mandu. Các sản phẩm này hiện đang được bày bán trên thị trường Singapore nhưng nhãn mác không ghi rõ có trứng trong thành phần của sản phẩm. Hiện tại, hai công ty nhập khẩu là Li Chuan Food Products Pte. Ltd và CJ SE Asia Pte. Ltd. đang phải tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm trên tại thị trường Singapore. Vụ việc này đã được thông báo trên website chính thức của SFA có kèm theo hình ảnh, mô tả xuất xứ của các sản phẩm trên là từ Việt Nam.

Trứng được coi là gây ra một số phản ứng không tốt đối với một số người bị dị ứng với loại thực phẩm này, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của một bộ phận người tiêu dùng mẫn cảm. Theo quy định về thực phẩm của Singapore, các sản phẩm thực phẩm có chứa bất kỳ thành phần nào có thể gây mẫn cảm cho người tiêu dùng đều phải được ghi rõ trên bao bì thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng.

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, việc sản phẩm bị thu hồi do không cung cấp đủ thông tin về sản phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng Singapore, nhất là đối với các sản phẩm được nhập khẩu từ công ty bị thu hồi sản phẩm và nhà cung cấp nói chung (cụ thể ở đây là sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam). Để đảm bảo xây dựng uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Singapore, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về việc dán nhãn các sản phẩm thực phẩm đã được đóng gói.

Nhà nhập khẩu và nhà sản xuất các sản phẩm thực phẩm được đóng gói sẵn bán tại Singapore phải cung cấp nhãn mác có đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh, gồm: Tên hoặc mô tả về sản phẩm thực phẩm; thành phần của sản phẩm: tất cả các thành phần và chất phụ gia trong thực phẩm đóng gói sẵn phải được khai báo, trong đó thành phần có trọng lượng lớn nhất sẽ được liệt kê đầu tiên và thành phần có trọng lượng nhỏ nhất sẽ được liệt kê cuối cùng; Các thành phần có khả năng gây mẫn cảm có trong thực phẩm như: ngũ cốc có chứa gluten (như lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch, yến mạch…); thành phần có nguồn gốc từ động vật giáp xác; trứng và các sản phẩm từ trứng (lecithin); cá và các sản phẩm từ cá; sữa và các sản phẩm từ sữa (Sodium caseinate); đậu phộng và các sản phẩm từ đậu phộng; đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành; các loại hạt và sản phẩm từ hạt (như hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều, hạt hồ đạo, hạt hồ trăn, hạt mắc-ca…); muối; sodium bicarbonate; sulphite ở dạng cô đặc từ 10mg/kg trở lên,…

Đối với trường hợp quá trình sản phẩm thực phẩm tiềm ẩn sự xuất hiện của các chất gây dị ứng, nhà sản xuất có thể sử dụng cách ghi nhãn "có thể chứa" ("may contain [chất gây dị ứng]" hoặc "Produced in a facility that processes products that may contain [chất gây dị ứng]").

Tại Singapore, việc ghi nhãn thực phẩm được quản lý bởi SFA. Cơ quan này đảm bảo thực phẩm bán ở Singapore là an toàn và bảo vệ người tiêu dùng khỏi những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến sức khỏe.

Để tiếp cận tốt thị trường, tăng thị phần và tạo uy tín thương hiệu sản phẩm đối với người tiêu dùng tại Singapore, các doanh nghiệp Việt Nam nên thường xuyên cập nhật thông tin và tuân thủ nghiêm túc các quy định của nước sở tại.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, theo thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, trong 3 tháng đầu năm 2024, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 340 triệu SGD, giảm 5,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhóm sản phẩm thủy sản chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Singapore gồm: tôm, cua, thủy sản giáp xác (HS0306), chiếm gần 25% tổng lượng tiêu thụ của thị trường; tiếp đến là cá tươi, ướp lạnh (HS0302), chiếm 19,86%; phi lê cá, thịt cá ướp lạnh hoặc đông lạnh (HS0304), chiếm 18,15%; cá đông lạnh (HS0303) chiếm 15,45%; thủy sản thân mềm (HS0307), chiếm 11,02%...

Các nhóm mặt hàng như cá tươi, cá chế biến và thủy sản thủy sinh chiếm tỷ trọng tương đối thấp, lần lượt là 4,05%; 4,11% và 2,43%. Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo là Na Uy ở vị trí thứ 2, Indonesia xếp thứ 3, Trung Quốc xếp thứ 4. Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào thị trường Singapore.

Đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng 3,22% (giá trị xuất khẩu đạt hơn 24 triệu SGD), chiếm thị phần 8,58%. Các số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Singapore trong năm 2023 tăng mạnh ở nhóm Cá tươi - HS0301 (tăng 29,27%), trong khi đó 3 nhóm hàng có sự sụt giảm mạnh là Nhóm thủy sản thủy sinh – HS0308 (giảm 78,95%); Nhóm cá đông lạnh – HS0303 (giảm 26,37%), Nhóm Thủy sản thân mềm – HS0307 (giảm 16,03%).

Quý 1/2024 đánh dấu mốc Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản, vươn lên từ vị trí đối tác lớn thứ 6 lần đầu tiên lên vị trí đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore.

Theo ông Thắng, trong chính sách đa dạng nguồn cung, Singapore liên tục tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường nhập khẩu bằng nhiều hình thức khác nhau. Điều này đảm bảo an ninh nguồn cung thực phẩm cho Singapore, đồng thời khiến cho sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore ngày càng lớn. Mặt khác, tình trạng lạm phát gia tăng cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào Singapore, trong đó có Việt Nam. Nước nào tận dụng được lợi thế về logistics cũng như giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa vào Singapore.

Các số liệu thống kê thể hiện được vị trí và vai trò quan trọng của mặt hàng thủy sản Việt Nam tại thị trường Singapore. Tuy nhiên, để có thể giữ vững và nâng cao thứ hạng, tăng thị phần và tăng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Singapore, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản. Một số vụ việc liên quan đến thu hồi sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam gần đây tại Singapore, do đối tác không tuân thủ về dãn nhãn cảnh báo thành phần dị ứng và một số điều kiện nhập khẩu, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đặc biệt lưu ý cập nhật các quy định của địa phương, giữ uy tín chất lượng và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam.

Bài liên quan
Singapore đẩy mạnh tham vọng về AI với kế hoạch đầu tư hơn 743 triệu USD
Các nhà quản trị công nghệ cho biết kế hoạch đầu tư hơn 743 triệu USD vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong 5 năm tới của Singapore có thể củng cố vị thế cho nước này như một trung tâm đổi mới và kinh doanh toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore thu hồi nem cuốn hải sản của Việt Nam