Dù TP.HCM có chủ trương không trực tiếp cho tiền người ăn xin nhưng người dân vẫn có thói quen trực tiếp cho tiền, phát quà từ thiện cho người ăn xin, người có hoàn cảnh khó khăn.
Sự kiện

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM: Người dân vẫn có thói quen cho tiền trực tiếp người ăn xin

Hồ Quang 18:28 11/04/2024

Dù TP.HCM có chủ trương không trực tiếp cho tiền người ăn xin nhưng người dân vẫn có thói quen trực tiếp cho tiền, phát quà từ thiện cho người ăn xin, người có hoàn cảnh khó khăn.

Đề cập đến tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin, lao động trẻ em vẫn tiếp tục tồn tại phổ biến trên địa bàn TP.HCM, chiều 11.4, đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM thừa nhận dù công tác quản lý người lang thang, xin ăn trên địa bàn TP thời gian qua đạt một số hiệu quả nhất định nhưng vẫn còn tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin, lao động trẻ em.

so-lao-dong-thuong-binh-xa-hoi-tphcm-nguoi-dan-van-co-thoi-quen-cho-tien-truc-tiep-nguoi-an-xin.png
Trẻ em ăn xin trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PV

Lý giải về vấn đề này, Sở LĐ-TB-XH cho rằng do TP có đặc thù là đô thị đặc biệt và là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục lớn nhất nước nên hàng năm đón nhận một lượng rất lớn người dân (bao gồm cả trẻ em) đến từ các vùng, miền trên cả nước đến sinh sống, làm việc và học tập. Với một lượng rất lớn người dân di cư đến TP đã tạo nên một thách thức lớn trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung, công tác phòng chống xâm hại trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền chủ trương không trực tiếp cho tiền người ăn xin mà trợ giúp bằng các phương thức hiệu quả hơn vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một bộ phận người dân TP vẫn còn thói quen trực tiếp cho tiền, phát quà từ thiện cho người ăn xin, người có hoàn cảnh khó khăn.

“Đây là nguyên nhân khiến tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin, lao động trẻ em trên địa bàn TP vẫn tiếp tục tồn tại”, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, các đối tượng có hành vi đối phó với lực lượng chức năng như: bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... nhưng thực chất là ăn xin. Đối tượng thường hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn nên các tổ công tác gặp một số khó khăn trong công tác quản lý, tập trung đối tượng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý người lang thang, ăn xin, công tác tập trung đối tượng ở một số địa phương chưa thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt dẫn đến tình trạng người lang thang, ăn xin vẫn còn tiếp diễn.

Trước tình trạng trên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết trong thời gian tới sở sẽ tuyên truyền đến người dân, khi phát hiện những đối tượng chăn dắt người lang thang ăn xin thì báo ngay đến công an địa phương và tổ công tác để kịp thời xử lý. Đối với trường hợp là trẻ em thì báo ngay về Tổng đài 111 để kết nối địa phương giải quyết và báo cáo kết quả.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác với tổ chức quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, qua đó tuyên truyền, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ tham gia lao động sớm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM: Người dân vẫn có thói quen cho tiền trực tiếp người ăn xin