Có nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tử vong ở Thụy Điển đang tăng nhanh hơn các nơi khác ở bán đảo Scandinavia, gây áp lực buộc chính phủ nước này phải từ bỏ chiến lược gây tranh cãi trong việc ứng phó với COVID-19.
Trong khi hầu hết thế giới đang gồng mình đối chọi với dịch bệnh, Thụy Điển vẫn từ chối thực hiện nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt như phần còn lại của châu Âu. Thay vào đó, họ đã đi một con đường "một mình một kiểu".
Cuộc sống ở đất nước này dường như vẫn diễn ra như bình thường, khi các trường học, nhà hàng, nhà hát, siêu thị, nhà hàng, quán bar và hầu hết các địa điểm công cộng vẫn mở cửa hoạt động và không có lệnh phong tỏa nào được ban bố dù số ca nhiễm bệnh của quốc gia này vẫn đang tăng lên từng ngày.
Chính quyền Thủ tướng Stefan Lofven không phủ nhận mức độ nguy hiểm của COVID-19 nhưng tin rằng có thể kiểm soát dịch bệnh được dựa vào ý thức trách nhiệm của cộng đồng, cũng như yêu cầu người dân bình tĩnh và thực các biện pháp phòng ngừa hợp lý như rửa tay thường xuyên, không tụ tập hơn 50 người và hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi.
Sau 1 tuần ghi nhận những số liệu giật mình, Thủ tướng Lofven dường như đang nhận ra bức tranh toàn cảnh mang tông màu u ám hơn. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Dagens Nyheter hôm 4.4, ông Lofven cảnh báo hàng ngàn người Thụy Điển có thể chết vì COVID-19 và cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều tháng thay vì nhiều tuần.
Trong khi đó, tờ Expressen đưa tin rằng chính phủ do đảng Dân chủ Xã hội của ông Lofven lãnh đạo đang nỗ lực yêu cầu quốc hội trao quyền nhiều hơn để có thể đưa ra biện pháp ngăn chặn đại dịch quyết liệt hơn.
Tính tới thời điểm này, quốc gia Bắc Âu này đã ghi nhận 6.443 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 373 người chết. Số người chết tại Thụy Điển đã tăng thêm 15 trong 24 giờ qua, tương đương 12% so với ngày hôm trước. Tỷ lệ số người nhiễm coronavirus tại nước này là 36 trên 1 triệu dân, cao hơn so với tỷ lệ 29 tại Đan Mạch và 9 ở Na Uy, những nơi đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mạnh mẽ hơn.
Nhà nghiên cứu dịch tễ học hàng đầu của Thụy Điển, Anders Tegnell cho rằng mục tiêu của nước này giống nhiều nơi khác là "làm phẳng đường cong", nhằm giúp các bệnh viện tránh rơi vào tình trạng quả tải. Vào hôm 2.4, chuyên gia Tegnell nói đường cong bắt đầu trở nên hơi dốc hơn nhưng nhìn chung còn khá phẳng.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đi kèm với rất nhiều điều bí ẩn và cách tiếp cận của Thụy Điển khiến nhiều chuyên gia trong nước lo lắng.
"Họ đã quá quen với việc đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng hoặc những con số, nhưng điều đó vô tác dụng với đại dịch thế này, khi mà các dữ liệu chính vẫn còn là ẩn số", chuyên gia về y tế cộng đồng toàn cầu ở Stockholm, Claudia Hanson cho hay.
Giáo sư Cecilia Soderberg-Naucler, chuyên gia về virus tại Viện Karolinska cảnh báo Thụy Điển có thể sớm phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng khu chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19, do vậy nếu để đến lúc đó mới hành động thì quá muộn và tình hình dịch bệnh sẽ trở nên nguy hiểm.
Tuần trước, khoảng 2.000 bác sĩ, các nhà khoa học và các học giả hàng đầu trong đó có chủ tịch Quỹ Nobel, giáo sư Carl-Henrik Heldin, đã gửi kiến nghị nói rằng chính sách của Thụy Điển đang đưa quốc gia này đến thảm họa, và kêu gọi chính phủ đưa ra những biện pháp kiểm soát dịch nghiêm khắc và mạnh tay hơn.
Ngoài ra, một nhóm các quan chức y tế cao cấp của Thụy Điển cũng đã gửi một bản kiến nghị khác cho chính phủ của Thủ tướng Lofven kêu gọi các biện pháp quyết liệt hơn. "Đất nước của chúng ta không nên là ngoại lệ ở châu Âu. Chúng tôi yêu cầu chính phủ phải hành động ngay!”, bản kiến nghị viết.
Trước đó, Hà Lan cũng đánh giá thấp độ nguy hiểm của COVID-19. Giữa tháng 3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thậm chí còn đã bác bỏ khả năng phong tỏa toàn bộ đất nước, biện pháp mà nhiều quốc gia châu Âu khác đang áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Ông Rutte nói rằng Hà Lan muốn tạo ra "miễn dịch cộng đồng" trong khi chờ đợi vắc-xin và cảnh báo hầu hết người Hà Lan có thể sẽ nhiễm coronavirus. Tuy nhiên, sau khi số người nhiễm tăng vọt, quốc gia này tây Âu này đã phải thay đổi chính sách và ban hành các biện pháp cách ly xã hội như các nước khác trong khối.
Hoàng Vũ (theo Bloomberg)