Ivermectin là thuốc điều trị bệnh nhiễm giun ký sinh ở gia súc và người. Hiện nay nó tao ra xu hướng điều trị COVID-19 tại một số nước châu Á.

Tại sao thuốc Ivermectin trở thành 'thần dược' chữa COVID-19 tại một số nước châu Á?

Đan Thuỳ | 02/07/2021, 11:38

Ivermectin là thuốc điều trị bệnh nhiễm giun ký sinh ở gia súc và người. Hiện nay nó tao ra xu hướng điều trị COVID-19 tại một số nước châu Á.

Các hiệu thuốc tại Indonesia đang báo cáo về sự bùng nổ về doanh số bán thuốc Ivermectin, chúng được bán hết nhanh chóng trên các trang thương mại điện tử như Bukalapak và Shopee. “Mọi người đã đổ xô để mua nó”, một dược sĩ tại thành phố Medan cho biết.

Sự phổ biến của loại thuốc này xuất hiện sau khi một số chính trị gia cấp cao của Indonesia ca ngợi tính hiệu quả của nó trong thời gian gần đây và người dân đang ngày càng trở nên lo lắng về sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Ông Moeldoko, Chánh văn phòng Tổng thống Indonesia cho biết trước đây thuốc Ivermectin theo truyền thống được sử dụng để điều trị các loại ký sinh trùng như giun nhưng bây giờ nó là phương pháp điều trị bệnh COVID-19.

20210516_000711_805423_ivermectin.max-800x800.jpg
Thuốc Ivermectin - Ảnh: Internet

Quốc gia Đông Nam Á này có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong khu vực khi ghi nhận 2,1 triệu ca nhiễm và hơn 58.000 ca tử vong. “Nhìn vào dữ liệu đang có, chúng tôi khác lạc quan rằng thuốc Ivermectin có thể là một giải pháp hiệu quả để chữa cho bệnh nhân COVID-19”, ông Moeldoko nói, đồng thời khẳng định nó sẽ được sử dụng hiệu quả ở 15 quốc gia khác trong việc điều trị COVID-19.

Bà Susi Pudjiastuti, cựu bộ trưởng Hàng hải và ngư nghiệp Indonesia cũng đã ca ngợi loại thuốc này. Bà cho biết mình đã uống Ivermectin cùng với paracetamol và vitamin sau khi nhiễm COVID-19. Sau 7 ngày điều trị tại nhà, bà Susi đã có kết quả âm tính.

Theo SCMP, người dân có thể mua một vỉ 10 viên Ivermectin với giá 250.000 rupiah (17,20 USD) mặc dù trên nhãn ghi rõ là thuốc kê theo đơn. Một dược sĩ khẳng định uống một viên mỗi ngày trong 5 ngày có thể giảm lượng vi rút và sự xuất hiện các triệu chứng ở các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19.

Ngoài Indonesia, sự quan tâm tới thuốc Ivermectin cũng tăng lên ở các nước châu Á khác như Malaysia, Philippines và Ấn Độ. Khi số lượng các ca nhiễm tại các nước này tăng cao, các quan chức và các nhóm y tế đã đẩy mạnh chiến dịch sử dụng Ivermectin như một loại thuốc thần kỳ.

0cb515da-da68-11eb-9660-0b62a055b768_972x_230237.jpeg

Song Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bằng chứng việc sử dụng Ivermectin đề điều trị cho bệnh nhân COVID-19 “chưa thể kết luận”. Vào tháng 3, WHO đã đưa ra lời khuyên rằng loại thuốc này chỉ được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng ghi nhận những bằng chứng nguy hiểm, họ cho biết đã nhận được nhiều báo cáo về những bệnh nhân phải nhập viện sau khi tự dùng thuốc Ivermectin.

“Có rất nhiều thông tin sai lệch và bạn nghe nói rằng việc sử dụng liều lượng lớn Ivermectin là ổn. Điều đó hoàn toàn sai”, WHO khuyến cáo.

Tháng trước, Đại học Oxford cho biết đang tiến hành thử nghiệm thuốc Ivermectin như một phương pháp điều trị tiềm năng cho những người mắc COVID-19. Theo Đại học Oxford, Ivermectin đã làm “giảm sự nhân lên của vi rút trong các nghiên cứu phòng thí nghiệm”. Một thử nghiệm nhỏ cho thấy việc sử dụng thuốc sớm có thể làm giảm lượng vi rút và thời gian xuất hiện các triệu chứng ở một số bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ.

Ivermectin là phương pháp điều trị thứ 7 được thử nghiệm và hiện đang được đánh giá cùng với thuốc kháng virus favipiravir, Đại học Oxford cho biết.

Giải thích tại sao xu hướng sử dụng Ivermectin để điều trị COVID-19 lại bùng nổ tại châu Á, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho rằng có nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu là chương trình tiêm chủng tại các quốc gia này chưa được đẩy mạnh và chính phủ không còn sự lựa chọn nào khác.

Ông Irandi Putra Pratomo, người đứng đầu đơn vị y tế Pulmonology tại Bệnh viện Đại học Indonesia đã nói với SCMP rằng các chính trị gia đã coi thường vai trò của các quy trình khoa học khi xem xét sự lựa chọn phương pháp điều trị. “Điều tôi nghĩ là chính phủ đang đối phó với đại dịch COVID-19 giống như đây là một chương trình truyền hình. Ai có thể đưa ra câu trả lời sáng suốt nhất trong thời gian ngắn nhất sẽ trở thành người chiến thắng. Các nhà hoạch định chính sách nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia thay vì tìm kiếm câu trả lời theo nhu cầu phổ biến, kinh nghiệm cá nhân hoặc thông tin ngẫu nhiên chưa được xác minh từ internet. Đó không phải là cách khôn ngoan vượt qua đại dịch”, ông Irandi chia sẻ.

Pandu Riono, một nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia cho biết việc các chính trị gia có ảnh hưởng quảng bá loại thuóc này là “rất nguy hiểm” ngay cả khi các tổ chức chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới đã khuyến cáo thận trọng.

Các mối nguy hiểm có thể trở nên trầm trọng hơn khi người dân mua Ivermectin với số lượng lớn và sử dụng tùy hứng. Khi được hỏi tại Ivermectin lại được sử dụng tại Indonesia, Pandu cho biết người Indonesia đang tuyệt vọng. “Họ không muốn đeo khẩu trang, họ cầu xin các vị thần bảo vệ và tìm kiếm một loại thuốc thần kỳ”.

Ở Philippines, Ivermectin cũng được chấp thuận sử dụng tại một số bệnh viện cho bệnh nhân COVID-19, trong khi tại Ấn Độ các báo cáo từ tháng 5 cho biết ít nhất 2 bang đã lên kế hoạch điều trị bằng loại thuốc này.

Còn tại Malaysia, trong khi Bộ Y tế cho biết họ vẫn đang tiến hành các thử nghiệm thì sự chia rẽ trong việc sử dụng Ivermectin đã xuất hiện. Moy Foong Ming, một giáo sư tại Đại học Malaysia cho biết Liên minh Malaysia về kiểm soát COVID-19 hiệu quả, một nhóm gồm 6 chuyên gia của hiệp hội y tế và sức khỏe, đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng Ivermectin. Trong khi đó Bộ Y tế không đồng ý với quan điểm này. 

Bà Moy cho biết tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ hơn ở Malaysia và các biện pháp thắt chặt gần đây đã thúc đẩy nhóm này làm như vậy. “Họ có thể nghĩ rằng họ không còn gì để mất khi tình hình trở nên quá tồi tệ”, bà Moy nói, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực của họ cũng có thể làm chệch hướng chương trình tiêm chủng tại Malaysia.

Gần 1/5 trong số 32 triệu người dân Malaysia đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin trong khi khoảng 7% đã được tiêm chủng đầy đủ.

Bà Moy cho biết một số người Malaysia cảm thấy quyết định của chính phủ không tán thành loại thuốc này là một “âm mưu chính trị” và họ nghĩ rằng chính quyền muốn kéo dài tình trạng giãn cách xã hội để đình chỉ cuộc họp quốc hội và tổng tuyển cử. Tuy nhiên, bà cho biết nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã ủng hộ quyết định của Bộ Y tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao thuốc Ivermectin trở thành 'thần dược' chữa COVID-19 tại một số nước châu Á?