Trong đoạn phim phát biểu tại một sự kiện ngày 23.10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh ý định hợp tác với Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy thực hiện kế hoạch xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Tân Thủ tướng Nhật muốn nâng cấp liên minh với Mỹ

Cẩm Bình | 24/10/2021, 10:30

Trong đoạn phim phát biểu tại một sự kiện ngày 23.10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh ý định hợp tác với Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy thực hiện kế hoạch xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Tại sự kiện Đối thoại núi Phú Sĩ thường niên do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật cùng Viện nghiên cứu Các vấn đề quốc tế Nhật phối hợp tổ chức, Thủ tướng Kishida phát biểu: “Thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức bao gồm hoàn cảnh an ninh khu vực ngày càng khắc nghiệt; hàng loạt sự kiện đe dọa đến các giá trị phổ quát về tự do, dân chủ, nhân quyền; vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay dịch bệnh COVID-19”.

Trước tình hình trên, tân lãnh đạo Nhật khẳng định: “Tôi sẽ đưa quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ lên tầm cao mới”. Liên minh với Mỹ sẽ đóng vai trò nền tảng trong chính sách an ninh - đối ngoại để Nhật phát triển ngoại giao kiên quyết.

tjapan.jpg
Thủ tướng Kishida xem quan hệ Nhật - Mỹ là nền tảng trong chính sách an ninh - đối ngoại - Ảnh: Nikkei Asian Review

Phát biểu trên càng củng cố cho dự báo các chính sách lớn mà Nhật đang thực hiện sẽ được kế thừa dưới thời Thủ tướng Kishida - nhân vật vốn chủ trương nâng cao năng lực phòng vệ, tăng cường quan hệ với Mỹ cùng đối tác khác trong khi vẫn duy trì quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc.

Điểm đặc biệt trong chính quyền Thủ tướng Kishida chính là sự ra đời của vị trí Bộ trưởng An ninh kinh tế do ông Takayuki Kobayashi (46 tuổi) đảm nhiệm, vì kinh tế và chuỗi cung ứng ngày càng được xem là một bộ phận quan trọng trong an ninh quốc gia.

Phát biểu sau Thủ tướng Kishida tại Đối thoại núi Phú Sĩ, Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) Akira Amari nhấn mạnh giảm thiểu rủi ro và tăng tính tự chủ nhằm bảo vệ an ninh kinh tế là việc quan trọng.

“Cần rà soát xem hạ tầng cốt lõi hỗ trợ đời sống người dân lẫn nền kinh tế có lỗ hổng cố hữu hay không, chẳng hạn như năng lượng cùng viễn thông. Ngoài ra, tình trạng thiếu các sản phẩm công nghệ thấp, như khẩu trang và găng tay - vật dụng thiết yếu trong thời dịch - cũng có thể khiến đất nước sụp đổ”, ông Amari nói.

Cũng theo ông Amari, một trụ cột an ninh kinh tế khác là nắm giữ lợi thế công nghệ có thể đóng vai trò công cụ răn đe về kinh tế. Cải cách hệ thống đại học với khoản chi 10 nghìn tỷ yên (hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu sinh tiến sĩ) sẽ giúp Nhật nâng cao lợi thế công nghệ. Nước này cũng cần chú ý đến những sáng chế chưa đăng ký.

Về Trung Quốc, ông Amari cho rằng Nhật cần tách rời với Trung Quốc ở vài lĩnh vực, nhưng cần xác định xem là lĩnh vực nào. Hai nước vẫn có thể hợp tác trong một số lĩnh vực như môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân Thủ tướng Nhật muốn nâng cấp liên minh với Mỹ