Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là năm 2019, xây dựng Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung toàn quốc trên cơ sở nâng cấp trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp; liên kết, chia sẻ, cập nhật đầy đủ thông tin về pháp luật đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
Năm 2020, phấn đấu 100% bộ, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng, hoàn chỉnh Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có để cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; liên kết, chia sẻ với Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp.
Năm 2021, phấn đấu xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, các sản phẩm có nội dung số hóa, các phần mềm phổ biến, giáo dục pháp luật; gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp qua hình thức đối thoại trực tuyến, các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp khác.
Đặc biệt,một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là xây dựng, vận hành, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của cả nước trên cơ sở nâng cấp Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
Về nội dung Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật, thiết kế, tích hợp, vận hành các ứng dụng, phần mềm: tra cứu, tìm kiếm thông tin về pháp luật; Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; các phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà nước, theo dõi, đôn đốc hoạt động về phổ biến, giáo dục pháp luật (thống kê số liệu, báo cáo kết quả hoạt động, kế hoạch...)…
Triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật qua ứng dụng mạng xã hội - Ảnh: Internet
Đa dạng hóa hình thức
Ngoài ra, đề án cũng đặt ranhiệm vụ đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở.
Cụ thể, triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật qua ứng dụng mạng xã hội, công nghệ viễn thông, thông tin như facebook, youtube, twitter và các mạng xã hội khác…; thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các diễn đàn giao lưu trực tuyến về chính sách pháp luật; xây dựng phần mềm ứng dụng phổ biến, giáo dục pháp luật trên điện thoại (hỏi đáp pháp luật, tin nhắn...) phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
Xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả kênh truyền hình pháp luật trực tuyến; kết nối, tăng cường sự tương tác với các tin, bài phổ biến, giáo dục pháp luật phát trên sóng truyền thanh, truyền hình quốc gia và mạng lưới thông tin cơ sở để cung cấp thông tin chính thống, có bản quyền dịch vụ, kịp thời, linh hoạt và đa dạng.
Sản phẩm là các phần mềm ứng dụng, các kênh phổ biến, giáo dục pháp luật trên facebook, youtube, twitter..., tổng đài điện thoại, các chương trình tin nhắn miễn phí phục vụ việc tra cứu thông tin pháp luật, kênh truyền hình pháp luật được xây dựng; các diễn đàn trực tuyến được tổ chức nhằm kết nối, chia sẻ thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân.
Cùng với đó là các nhiệm vụ chủ yếu: Xây dựng, hoàn chỉnh Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có; quản lý, khai thác, vận hành Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm phổ biến, giáo dục pháp luật để đăng tải trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thu Anh