Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể săn chắc, tăng cường cơ bắp, cải thiện trí nhớ và giúp tinh thần sảng khoái hơn. Tuy nhiên, nếu tập thể dục sai cách lại chính là mối lo ngại bởi chính bạn đang khiến cơ thể mình bị tổn thương.
Tập khi đói hoặc sau khi ăn no
Việc vận động sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, do vậy phải tập khi cơ thể còn năng lượng dự trữ, nghĩa là bụng không đói. Việc tập thể dục khi bụng đói sẽ khiến bạn hoa mắt, chóng mặt, dễ ngất xỉu.
Hiện nay có không ít lớp tập aerobic hoặc yoga vào giữa trưa cho các chị em bận rộn. Điều này là không tốt. Bởi tập khi vừa ăn xong sẽ khiến nhịp sinh học ổn định của cơ thể bị rối loạn gây ra hiện tượng đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, chuột rút, đau dạ dày...
Tập quá sức và không tập đều
Không ít người lên lịch tập không đều, khi thì nghỉ tập cả tuần, nhưng khi đã tập thì tập rất hăng, như một sự bù trừ cho những ngày không tập. Nếu tập thể dục không thường xuyên sẽ khiến cho hiệu quả tập luyện bị giảm sút, cơ thể mệt mỏi, không làm tiêu hao mỡ thừa, dễ gây chấn thương.
Hơn nữa, việc tập luyện quá sức có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như: căng cơ, gãy xương, mệt mỏi, chán ăn... Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo rằng, bạn chỉ nên hoạt động thể chất tối đa là 60 phút mỗi ngày và nên tập đều đặn vào một khung giờ nhất định..
Tập quá sớm hoặc quá muộn
Vào sáng sớm, nhiệt độ ngoài trời thấp cơ thể từ trong phòng kín bước ra chưa kịp thích nghi nên dễ gặp lạnh đột ngột. Khi bị lạnh, các mạch máu co lại, dễ bị thiếu máu não, hoa mắt chóng mặt. Hơn nữa, buổi sớm có nhiều sương bao phủ. Sương mù thường rất độc hại cho cơ thể. Tốt nhất hãy tập thể dục khi mặt trời đã bắt đầu mọc và có sự điều chỉnh hợp lý theo sự thay đổi của thời tiết các mùa.
Trong tình huống ngược lại, nhiều người có thói quen tập thể dục rất muộn, thường là trước khi đi ngủ. Việc làm này không phù hợp nhịp sinh học do tập thể dục trước khi đi ngủ sẽ khiến thân nhiệt tăng, nhịp sinh học cơ thể bị xáo trộn làm cho khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc. Do vậy, không nên tập thể dục hay vận động mạnh trước khi đi ngủ.
Phân tâm trong lúc tập luyện
Nhiều người có thói quen vừa tập luyện vừa nhắn tin, gọi điện thoại, thậm chí mải suy nghĩ một công việc nào đó, nó sẽ khiến bạn bị phân tâm trong quá trình tập luyện, điều này có thể làm tăng nguy cơ chấn thương. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, để tăng hiệu quả và giảm thiểu những rủi ro chấn thương, chúng ta nên tập trung vào bài tập.
Tập thể dục khi bị bệnh
Vẫn cố gắng tập thể dục khi đang bị sốt hoặc có các triệu chứng khó chịu như ho khan, viêm họng, cơ thể mệt mỏi, chảy nước mũi là phản tác dụng. Nếu tập thể dục trong giai đoạn này có thể khiến cơ thể bị mất nước và mất nhiều thời gian cho việc phục hồi sức khỏe. Người mắc bệnh mạn tính hoặc những bệnh nguy hiểm như suy tim, hen suyễn... thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ bài tập thể dục nào để tránh giảm sút sức khỏe.
Không bổ sung nước khi tập luyện
Tập ra nhiều mồ hôi nên cần bổ sung giúp cân bằng lượng nước bị mất, da dẻ không khô nẻ. Không uống nước có cồn, có gas vì sẽ làm nhão cơ bắp nhanh hơn.
Để đạt được mục tiêu tập luyện, bạn hãy tránh những lỗi thường gặp dưới đây:
- Không có biểu đồ hoặc nhật ký tập luyện. Ghi biểu đồ hoặc nhật ký tập luyện sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi tiến trình tập luyện và thời điểm nên tăng mức độ tập.
- Không ghi các mục tiêu. Nghiên cứu cho thấy những người đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn dễ đạt được mục tiêu hơn.
- Tập nhiều ngày liên tiếp trên cùng một nhóm cơ. Việc này sẽ cản trở quá trình hồi phục và phát triển. Bạn hãy cách 1 tới 2 ngày trước khi tập luyện trên cùng một nhóm cơ.
- Không nạp đủ protein. Để giảm cân và làm săn chắc cơ, kế hoạch tập luyện của bạn nên bao gồm cả các bài tập cardio và tập thể lực, kết hợp với chế độ ăn nhiều protein. Nạp đủ lượng protein giúp tăng hiệu quả tập luyện, giảm mỡ mà không làm mất cơ.
- Phớt lờ những bài tập thăng bằng và tăng độ dẻo dai. Cả hai dạng tập luyện này đều đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.
Thu Thủy (t/h)