Đức đang cùng các nước phương Tây tăng cường hiện diện quân sự tại vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với các chiến lược liên quan khu vực này.

Không quân Đức có thể triển khai đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong vòng 24 giờ

Bảo Vĩnh | 03/09/2022, 17:34

Đức đang cùng các nước phương Tây tăng cường hiện diện quân sự tại vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với các chiến lược liên quan khu vực này.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang gia tăng căng thẳng, sau khi Trung Quốc thực hiện các cuộc tập trận lớn xung quanh Đài Loan kể từ đầu tháng 8, nhằm phản ứng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Quân đội Đức có thể triển khai rất nhanh

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters ngày 31.8, Tư lệnh quân đội Đức cho biết lực lượng quân đội nước này sẽ cử lục quân tham gia diễn tập quân sự ở Úc năm 2023, và hải quân Đức sẽ cử một hạm đội gồm nhiều tàu chiến đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2024.

Tướng Eberhard Zorn nói: “Đó là cách chúng tôi muốn củng cố sự hiện diện ở khu vực này. Chúng tôi không muốn khiêu khích bất kỳ ai bằng sự hiện diện quân sự, thay vào đó là phát đi một thông điệp đoàn kết mạnh mẽ với các đồng minh và các đối tác có giá trị. Chúng tôi đề cao quyền tự do đi lại và bảo vệ các chuẩn mực quốc tế”.

Mục đích của sự hiện diện là “để mắt” tới sức mạnh quân sự khổng lồ của Trung Quốc, Tư lệnh quân đội Đức cho biết.

Tướng Zorn còn nói sức mạnh quân sự Trung Quốc từng nhờ vào số quân đông, nhưng nay họ đã trang bị tốt hơn về kỹ thuật.

german-3pa.jpg
Tướng Eberhard Zorn, Tư lệnh quân đội Đức - Ảnh: PA

Hồi giữa tháng 8, Đức cử 6 chiến đấu cơ Eurofighter, 3 máy bay tiếp nhiên liệu A330 từ Cologne và 4 vận tải cơ A400M thực hiện chuyến bay 3 ngày đến vùng Bắc Úc, nơi chúng tham gia cuộc tập trận chung Pitch Black từ ngày 19.8 đến ngày 8.9.

Chuyến bay 3 ngày này nhằm thể hiện không quân Đức có thể được triển khai nhanh, thậm chí đến tận vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ trong vòng 24 giờ. Trước khi đến Úc, nhóm máy bay quân sự Đức đã ghé Singapore trong hành trình bay suốt ngày 15.8 có tên Rapid Pacific 2022. Thuật ngữ quân sự gọi đây là “khả năng triển khai chiến lược”.

Tư lệnh không quân Đức Ingo Gerhartz cho biết chuyến bay này gồm cả chuyển hướng bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc, các phi công không quân Đức thực hiện gần 200 lần tiếp nhiên liệu lúc đang bay cho các chiến đấu cơ.

Còn có 250 binh lính sĩ quan Đức tham gia cuộc tập trận Pitch Black, cùng 100 tấn phương tiện. Đây là cuộc triển khai quân sự rầm rộ nhất trong thời bình của quân đội Đức.

Pitch Black là cuộc tập trận đa phương tổ chức 2 năm/lần kể từ năm 1990. Năm nay có 2.500 binh lính, sĩ quan và nhân sự liên quan cùng 100 máy bay quân sự của 16 quốc gia là Úc, Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Mỹ, Canada, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

german-1-aap.jpeg
Chiến đấu cơ Eurofighter của không quân Đức bay theo đội hình - Ảnh: AAP

EU ý thức tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Đức Deutsche Welle ngày 1.9, nhà phân tích Boas Lieberherr của Trung tâm Nghiên cứu an ninh ở Zurich (Thụy Sĩ) nói: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói lên rất nhiều về một Trung Quốc đang trỗi dậy, đang trở nên mạnh mẽ hơn, điều này cũng đã đảo lộn những điều chắc chắn trước đây trong khu vực. Mặt khác, vai trò lãnh đạo của Mỹ chứa đầy sự không chắc chắn”.

Tầm quan trọng của khu vực này là một đề tài tranh luận về chính sách an ninh trong vài năm gần đây và được phản ánh qua nhiều tài liệu.

Chẳng hạn vào tháng 9.2020, chính phủ tiền nhiệm dưới quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó đề cao việc châu Á nổi lên là một thế lực quan trọng về chính trị và kinh tế. Không nêu đích danh Trung Quốc, chính phủ Đức lưu ý “một sự cạnh tranh chiến lược gia tăng để gây ảnh hưởng tại khu vực này”, đồng thời khẳng định đang trở thành “chìa khóa định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21”.

Hồi tháng 4.2022, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu cũng thông qua Chiến lược  Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện sự nhận thức của EU về tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực. EU cam kết củng cố vai trò hợp tác với các nước đối tác trong khu vực.

Không đề cập đến Trung Quốc, EU trình bày “các động lực hiện tại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương làm phát sinh cạnh tranh địa chính trị gay gắt, làm tăng thêm áp lực lên thương mại và chuỗi cung ứng cũng như căng thẳng trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh. Tính phổ quát của quyền con người cũng đang bị thách thức”.

Tại hội nghị thượng đỉnh Madrid vào cuối tháng 6, NATO cũng thông qua khái niệm Chiến lược mới, trong đó chú trọng đến cả Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Quốc.

Tài liệu này viết: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất quan trọng đối với NATO, vì những phát triển ở khu vực này có thể có tác động tức thì đến an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương. Trung Quốc được coi là một thách thức đối với lợi ích, an ninh và các giá trị của chúng ta”.

Tài liệu nhấn mạnh các đối tác NATO làm việc cùng nhau "để giải quyết những thách thức có hệ thống đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương xuất phát từ Trung Quốc”.

german-1-dw.jpeg
Phi công các nước tham gia tập trận chung Pitch Black - Ảnh: DW

Tàu hộ vệ Đức gây tranh cãi hồi năm 2021

Bước đầu tiên thể hiện sự hiện diện quân sự của quân đội Đức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau 20 năm là triển khai tàu hộ vệ Bayern của hải quân Đức đến vùng biển khu vực này.

Chiếc Bayern đã cập cảng ở 11 quốc gia trong hải trình bắt đầu từ tháng 8.2021 và kéo dài 7 tháng, gồm thăm Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam và Singapore, nhưng không ghé thăm Trung Quốc.

Như cuộc hiện diện của không quân Đức tại Úc hiện nay, chuyến đi của chiến hạm trên nhằm phát một thông điệp đến cộng đồng quốc tế, rằng Đức quan tâm việc giúp củng cố một trật tự thế giới dựa vào luật pháp.

Tuy nhiên, việc chiếc Bayern cũng thăm căn cứ Diego Garcia của hải quân Mỹ tại Ấn Độ Dương đã kéo theo nhiều chỉ trích.

Đảo Diego Garcia không thuộc lãnh thổ Mỹ và được Anh cho thuê để lập căn cứ. Năm 2019, Tòa án Trọng tài quốc tế (ICC) đã tuyên bác việc Anh tuyên bố chủ quyền đảo này là vi phạm luật pháp quốc tế. Tiếp đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuân thủ phán quyết của ICC vốn nêu đảo Diego Garcia là của đảo quốc Mauritius.

Nhà khoa học chính trị Felix Heiduk thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế (do Văn phòng thủ tướng Đức tài trợ) nói hành trình của hộ tống hạm Bayern khó tương thích với quan điểm “bảo vệ trật tự thế giới dựa vào luật pháp”.

Trong tương lai, bất kỳ tàu chiến Đức nào hướng đến châu Á có thể phải chọn hải trình ít tranh cãi hơn. Cựu tư lệnh quân NATO Egon Ramms cho rằng sẽ có nhiều chuyến tàu này, tiếp sau việc NATO ra khái niệm Chiến lược mới đề cao sự hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo Deutsche Welle
Copy Link
Bài liên quan
Anh muốn đối phó với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Anh muốn mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc trong khi duy trì quan hệ bền chặt với Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không quân Đức có thể triển khai đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong vòng 24 giờ