Vào lúc châu Âu chật vật tìm nguồn thay thế nguồn khí đốt do Nga cấp, nhiều tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang bị dồn ứ trên vùng biển gần Tây Ban Nha.

Tàu chở khí LNG bị kẹt nghiêm trọng vì không thể giao hàng ở Tây Ban Nha

Bảo Vĩnh | 22/10/2022, 17:47

Vào lúc châu Âu chật vật tìm nguồn thay thế nguồn khí đốt do Nga cấp, nhiều tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang bị dồn ứ trên vùng biển gần Tây Ban Nha.

spain-lng-imago(1).jpg
Tàu LNG tại một cảng tiếp nhận của Tây Ban Nha - Ảnh: Imago

Nguyên nhân là các cơ sở trữ khí của Tây Ban Nha đã đầy đến độ dư thừa, nên các tàu LNG không thể giao hàng, lâm cảnh kẹt tàu bên ngoài các cảng tiếp nhận ở vùng duyên hải quốc gia Nam Âu này.

Riêng tại vùng cảng Cadiz thuộc Đại Tây Dương có 15 tàu LNG bị kẹt, đài truyền hình nhà nước Tây Ban Nha TVE cho biết. Quanh bán đảo Iberique và tại Địa Trung Hải có ít nhất 35 tàu LNG đang chờ được xuống hàng.

Không xa Cadiz, thành phố cảng Huelva có một trạm tiếp nhận khí đốt, nơi mà các tàu có chiều dài 300m có thể giao LNG.

Cơ sở hạ tầng bị quá tải...

Tây Ban Nha có tổng cộng 6 trạm cuối kết nối với các kho trữ LNG, và sẽ sớm có trạm thứ bảy đi vào hoạt động ở cảng Gijon trên Đại Tây Dương.

Công tác vận chuyển LNG vô cùng phức tạp. Trước tiên là loại bỏ tạp chất rồi LNG được hóa lỏng ở -160 độ C. Khi tàu chở LNG đến địa điểm tiêu thụ, LNG lại được tái hóa khí nhằm chuyển vào mạng lưới trạm dự trữ.

Không được để xảy ra bất kỳ sai sót nào trong quá trình này, nhằm tránh dẫn đến thiệt hại về người cùng tài sản, cũng  nhằm tránh gây nguy hiểm cho môi trường biển.

Ngoài ra, quá trình xử lý và vận chuyển LNG cũng rất tốn kém và mất thời gian. Để giải quyết vấn đề này, hệ thống kho chứa LNG nổi (FSRU) ra đời, trang bị như một hệ thống riêng biệt trên tàu chở LNG. Các FSRU được cải tiến đã giúp bảo đảm việc chuyển LNG từ tàu vào cơ sở dự trữ không bị thất thoát. FSRU sẽ hoạt động gần cảng cuối để tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả công việc cho các doanh nghiệp.

Theo nhà vận hành khí Enagas, các cơ sở trữ khí của Tây Ban Nha trữ 1/3 tổng sản lượng trữ LNG của liên minh châu Âu (EU) và chiếm 45% trong tổng khả năng tái hóa khí của các nước thành viên EU.

Tuy nhiên, hiện tại các cơ sở này đều bị quá tải, nên các tàu LNG không thể giao hàng.

spain-lng-dw.jpg
Tàu LNG chờ được cập cảng Tây Ban Nha để giao hàng - Ảnh: PA

...Và có cả tình trạng “găm hàng” chờ bán LNG giá cao

Một lý do bất ngờ của sự dồn ứ này: sự lo ngại thiếu nguồn năng lượng - do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine - đã khiến các công ty năng lượng Tây Ban Nha tăng đặt hàng khí đốt trong mùa xuân và mùa hè vừa qua.

Kết quả là càng ngày càng có nhiều tàu LNG đến Tây Ban Nha trong những tháng gần đây. Từ tháng Giêng đến cuối tháng 9, hơn 250 tàu LNG khổng lồ không thể chuyển nguồn khí vào các kho trữ.

Cùng lúc, nguồn cầu sử dụng khí đốt tại Tây Ban Nha lại giảm xuống. Theo công ty Enagas, nước này trong tháng 9 năm nay đã tiêu thụ ít hơn 7% khí so với cùng tháng 9 năm ngoái.

Nhà phân tích Pablo Gil, ở công ty môi giới quốc tế XTB, giải thích: “Nguồn cầu hiện nay giảm vì thời tiết đang vẫn tương đối ấm, các kho trữ đạt đỉnh và hoạt động kinh tế chậm lại. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng góp phần tác động”.

Công ty Enagas cho biết: “Có sự mất cân đối giữa nguồn cung đã lên kế hoạch và nguồn cầu trong tháng 10. Tình hình này ở Tây Ban Nha không là trường hợp duy nhất ở châu Âu, mà còn xảy ra ở nhiều nước khác”.

Enagas dự báo sự thừa nguồn cung có thể tiếp tục kéo dài cho đến tháng 11. Điều này có nghĩa phải lùi thời hạn giao LNG của tàu cho đến khi các kho trữ lại trống.

Nhưng không phải tất cả các tàu LNG đang chờ ngoài cảng sẵn sàng bán lại nguồn hàng. Nhiều tàu rời đi từ các nước xuất khẩu khí -như Mỹ, Algeria hoặc Nigeria - không có điểm đến được ấn định trước, và số tàu này đang chờ nguồn cung khí đốt lại tăng để họ có thể có giá bán LNG cao hơn.

James Waddell, một chuyên gia năng lượng ở công ty tư vấn Energy Aspects (Anh) cho rằng nguồn cung LNG sẽ tăng đáng kể khi mùa đông kéo đến.

Ông nói với báo Đức Deutsche Welle: “Chúng ta sẽ cần thêm khí đốt để sưởi ấm trong các tháng 11, 12 và tháng 1.2023”.

Waddell nhận định vào lúc này giá bán sỉ LNG tương đối thấp, nhưng điều này sẽ thay đổi, nên việc tàu LNG chờ giúp các nhà buôn khí đốt có thêm lợi lãi. Ông dự báo “giá khí đốt sẽ cao đáng kể tại châu Âu trong mùa đông tới”.

spain-lng-ap.jpg
Công nhân tại một trạm tái khí hóa LNG - Ảnh: AP

Dự án BarMar sẽ cho phép chuyển LNG từ Tây Ban Nha qua Pháp

Chuyên gia này cũng chỉ ra sự kết nối tốt của hệ thống năng lượng châu Âu có thể giúp nguồn LNG thừa thãi - như ở Tây Ban Nha - qua các nước khác.

Nhưng vẫn còn những kẽ hở tại mạng lưới dẫn khí này, ví dụ giữa Tây Ban Nha với Pháp.

Từ lâu, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đức đề nghị xây một tuyến ống dẫn khí dài 100km, đặt tên là MidCat, để dẫn khí từ bán đảo Iberique vắt qua dãy núi Pyrenées trước khi đến miền nam Pháp.

Tây Ban Nha nhận định xây MidCat mất chưa đầy 1 năm, nhưng Pháp vẫn chưa đồng ý vì nghi ngờ hiệu quả kinh tế của MidCat, cho rằng sẽ mất rất nhiều năm để xây MidCat mà chỉ để giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung ngắn hạn.

Nhưng ngày 20.10, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp đồng ý xây một tuyến ống dẫn khí dưới biển để chuyển hydrogen và khí đốt từ Barcelona của Tây Ban Nha đến Marseille của Pháp. Từ đó có tên dự án BarMar.

BarMar chủ yếu sẽ bơm hydrogen xanh và các loại khí tái tạo, nhưng cũng sẽ tạm thời cho phép chuyển “một khối lượng hạn chế” LNG nhằm giúp hạ nhiệt khủng hoảng năng lượng của châu Âu, theo lời giải thích của Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa.

Pháp và Tây Ban Nha còn đồng ý tăng tốc nhiều dự án kết nối hai mạng lưới điện quốc gia.

Theo Deutsche Welle
Copy Link
Bài liên quan
Hai quốc gia có thể giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng năng lượng
Trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bỗng nhiên đóng vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng năng lượng trầm trọng ở châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu chở khí LNG bị kẹt nghiêm trọng vì không thể giao hàng ở Tây Ban Nha