Chiến tranh ở Ukraine làm thức dậy nỗi sợ bom và tên lửa hạt nhân ở Trung Âu, với việc chính phủ các nước ra lệnh chuẩn bị hầm trú ẩn.

Lo ngại vũ khí hạt nhân, Trung Âu chuẩn bị hầm trú ẩn

Bảo Vĩnh | 22/10/2022, 16:17

Chiến tranh ở Ukraine làm thức dậy nỗi sợ bom và tên lửa hạt nhân ở Trung Âu, với việc chính phủ các nước ra lệnh chuẩn bị hầm trú ẩn.

ham-tru-an-ba-lan-ap-2(1).jpeg
Mặt nạ phòng độc trong nhà máy thép Arcellor-Mittal của Ba Lan - Ảnh: AP

Theo AP mô tả, phía dưới một nhà máy thép hiện đại nằm ngoại ô thủ đô Warsaw của Ba Lan có một hầm trú ẩn xây từ thời Chiến tranh lạnh.

Trong hầm có các mặt nạ chống khí độc, cáng cứu thương, bộ sơ cứu, cùng các danh mục nhằm giúp duy trì mạng sống con người. Đây cũng là nơi các nhà lãnh đạo chỉ đạo những việc cần làm nếu xảy ra tấn công hạt nhân hoặc các thảm họa khác.

Trên tường hầm còn treo một bản đồ châu Âu và bản đồ Liên Xô. Các đôi giày bốt và áo khoác toát ra mùi ẩm mốc. Có một tấm bảng viết lời cảnh báo: “Coi chừng, kẻ thù đang rình rập”.

Cho đến nay, không ai ngờ căn hầm xây từ những năm 1950, nay là một điểm tham quan của nhà máy thép Arcelor-Mittal Warszawa, lại có thể được tái sử dụng làm hầm trú ẩn.

ham-tru-an-ba-lan-ap-1(1).jpeg
Phòng làm việc trong hầm trú ẩn của nhà máy thép - Ảnh: AP

Nhiều nỗi lo

Do cuộc xung đột mà Nga tiến hành ở Ukraine kéo dài, chính quyền Ba Lan trong tháng 10 này đã ra lệnh làm 62.000 hầm tránh bom trên toàn quốc. Sau khi có lệnh từ chính phủ, lực lượng chữa cháy Ba Lan đã kiểm tra hầm trú ẩn của nhà máy thép Arcelor-Mittal Warszawa và đưa vào danh sách hầm tránh bom.

Chính quyền Warsaw cũng cho biết hệ thống xe điện ngầm của thành phố cùng các hầm trú ẩn có thể chứa 1,8 triệu cư dân thủ đô và nhiều hơn, nếu xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí thông thường.

Nhiều cư dân các thành phố thường ngày đi qua những hầm trú ẩn mà không biết, khi họ ngồi trên xe điện ngầm ở thủ đô Prague (Czech), Budapest (Hungary), Warsaw (Ba Lan).

“Chúng tôi đã tính bao nhiêu khách có thể vào các toa trên suốt chiều dài của metro, ở các trạm và những không gian ngầm khác. Có đủ chỗ trú cho toàn dân”, ông Michal Domaradzki, giám đốc mảng an ninh và đối phó khủng hoảng của Warsaw cho biết.

Ông Attila Gulyas, Chủ tịch Công đoàn vận tải đô thị Budapest thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập tránh bom ở các đường xe điện ngầm. Ông đã huấn luyện hàng ngàn người biết cách trú ẩn khi làm trưởng trạm Astoria của tuyến metro số 2 ở Budapest. 

Ông nói: “Hệ thống hầm này vẫn còn nguyên, hoạt động tốt và có thể triển khai hoạt động trong bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào. Khoảng 22.000 người có thể được bảo vệ trong hệ thống trú của các tuyến metro số 2 và số 3”.

Tuy nhiên, khi xảy ra cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu và giá điện tăng cao, điều ông Gulyas lo nhất là làm sao người ta có thể sống sót qua mùa đông sắp tới.

Tấn công hạt nhân thì thuốc chống phóng xạ là vô ích

Ba Lan cũng lên kế hoạch phát thuốc viên potassium iodide đến các đồn cứu hỏa, nơi sẽ phát thuốc cho người dân khi họ cần. Khắp châu Âu cũng có cuộc chạy đua tìm kiếm loại thuốc giúp bảo vệ tuyến giáp nếu bị phơi nhiễm phóng xạ. Phần Lan đã kêu gọi người dân mua dự trữ. Czech cũng mua loại thuốc này để đối phó nguy cơ xảy ra tấn công hạt nhân.

Nhưng các chuyên gia nói loại thuốc này có thể có ích trong trường hợp xảy ra một thảm họa hạt nhân, nhưng không giúp gì khi xảy ra tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Bà Dana Drabova, lãnh đạo Cơ quan An toàn hạt nhân Czech, nói nếu xảy ra tấn công hạt nhân thì việc dùng thuốc chống phóng xạ cũng vô ích.

Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã gây ra sự sợ hãi khắp châu Âu, nhất là các nước Ba Lan, Romania giáp Ukraine đều có rủi ro cao nếu xảy ra thảm họa phóng xạ hạt nhân.

Hầm trú ẩn thời cũ được chuyển công năng

Dù vài quốc gia châu Âu vẫn duy trì hệ thống hầm trú ẩn có từ thời Chiến tranh lạnh, việc Liên Xô sụp đổ đã khiến vài hầm được chuyển công năng thành các bảo tàng, di sản của giai đoạn sợ bom hạt nhân trước đây.

Hầm tránh bom là một yếu tố chính trong học thuyết của Nam Tư cũ, nhằm đối phó một cuộc tấn công hạt nhân. Nổi tiếng nhất là hầm trú ẩn Konjic ở vùng núi cách thành phố Sarajevo (ở Bosnia) 60km.

Đó là một pháo đài ngầm để bảo vệ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Nam Tư, gồm tổng thống Nam Tư và 4 tướng lĩnh cùng một nhóm lính canh phòng. Năm 2010, hầm này được chuyển thành một gian triển lãm nghệ thuật hiện đại.

“Từ quan điểm quân sự - chính trị và địa chính trị, đáng tiếc là môi trường toàn cầu hiện tại tương tự thời Chiến tranh lạnh, bị đè nặng bởi một cảm xúc rằng chiến tranh đang sắp xảy ra”, bà Selma Hadzihuseinovic - đại diện một cơ quan chính phủ phụ trách quản lý gian triển lãm nói.

Bà cho biết pháo đài ngầm Konjic có thể được đưa vào hoạt động trở lại nếu xảy ra một cuộc chiến tranh mới, nhưng vì vũ khí hạt nhân ngày nay quá mạnh, pháo đài không còn có ích như lúc được xây.

Tại Romania, mỏ muối lớn Salina Turda trước đây và hiện là điểm du lịch, nằm trong danh sách các hầm trú ẩn tiềm năng của chính phủ nước này.

ham-tru-an-romania-ap-2.jpeg
Hồ nước ngầm trong mỏ muối được cải tạo thành điểm du lịch - Ảnh: AP

Mê cung ngầm ở thủ đô Phần Lan

Trong thời Chiến tranh lạnh, có hàng trăm ngàn hầm trú ẩn ở châu Âu. Một số hầm được xây từ trước khi xảy ra Thế chiến 2, trong khi các nước Đông Âu cũng ra lệnh nhà dân và cơ sở sản xuất phải có hầm trú ẩn.

Phần Lan giáp Nga, vẫn duy trì hệ thống hầm trú ẩn ở các thành phố và vùng đông dân cư. Các hầm này có sức chứa khoảng 2/3 dân số, một vài hầm được thiết kế để chịu đựng sức nổ của bom hạt nhân 100 kiloton.

ham.jpg
Bể bơi bên trong hầm trú ẩn "Mê cung ngầm Helsinki" - Ảnh: Bloomberg

“Mê cung ngầm Helsinki” là cách gọi thành phố ngầm dưới lòng đất ở thủ đô của Phần Lan, nơi để người dân xuống trú ẩn. Thành phố ngầm này đã xây dựng từ lâu và được cải tạo liên tục nhằm phòng thủ, với cửa sập chặn các hướng vào, các hành lang cho phép một tiểu đoàn kiểm soát các địa đạo có thể kiềm chế địch xâm nhập.

Một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Phần Lan nói: “Binh lính đảm bảo chúng tôi sẽ có lợi thế ở các tuyến địa đạo nếu có người đến đánh chúng tôi”.

Mạng lưới phòng thủ ngầm này kết nối với các trung tâm mua sắm, bãi đậu xe và những hành lang có kết nối với hệ thống điện - nước. Các đường hầm cũng dẫn đến những hành lang chỉ dành riêng cho quân đội, kết nối với một hòn đảo dành riêng cho tiểu đoàn bảo vệ thủ đô.

Quân dân phối hợp phòng thủ trước nguy cơ bị tấn công

“Mê cung ngầm Helsinki” trở thành tuyến phòng thủ cốt yếu cho thủ đô Phần Lan. Binh lính nước này thường tập luyện dưới đó, với nhiệm vụ bảo vệ chính phủ vẫn hoạt động, người dân được an toàn trong một mạng lưới đường hầm, hành lang, chỗ trú ẩn dài hơn 200km.

Thành phố ngầm cũng được thiết lập hệ thống điện nước, liên lạc và có cả wifi để duy trì liên lạc. Có nhiều không gian trú ẩn cho hơn 600.000 cư dân Helsinki được an toàn nếu như xảy ra thiên tai hoặc khi thủ đô bị tấn công.

Đa phần mê cung ngầm Helsinki đều có thể sử dụng cho mục đích quân sự hoặc dân sự, chỉ vài đường hầm được giữ bí mật. Dân chúng thường xuống thành phố ngầm để làm quen với địa hình, nhất là vào mùa đông. Người thì đi mua sắm, bơi, đi lễ nhà thờ. Dưới khu mua sắm có cung bơi lội vốn có thể làm chỗ trú ẩn cho 3.800 người.

Một quan chức ở Sở Nhà đất Helsinki nói: “Ngày nay, nếu xây một không gian ngầm mới, nó phải có khả năng chuyển thành một trung tâm phòng thủ trong chỉ vài ngày”.

Các trung tâm quân sự này kết nối với nguồn điện - nước của thành phố, vài trung tâm còn có khả năng thông hơi hoặc lọc phóng xạ.

Chính quyền Phần Lan nói hệ thống phòng thủ quân - dân sự này chuẩn bị cho toàn dân ứng xử trong những kịch bản tệ hại nhất. Một quan chức nói rằng “có hệ thống đường hầm do chúng tôi rút bài học hồi Thế chiến 2, đó là cần phải làm những gì có thể để duy trì hoạt động cốt yếu dù cho bị ném bom nặng nề. Đó là lý do xây thành phố ngầm”.

Bài liên quan
Cách Kyiv điều chỉnh công nghệ để cứu người dân, cung cấp Wi-Fi trong các hầm tránh bom
Ứng dụng smartphone Kyiv Digital giờ đây cung cấp cho người dân bản đồ về các hầm tránh bom gần nhất và địa điểm để nhận các nguồn cung cấp thiết yếu như insulin, thực phẩm hoặc xăng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại vũ khí hạt nhân, Trung Âu chuẩn bị hầm trú ẩn