Một số nhà quan sát quân sự đánh giá tàu sân bay Sơn Đông sẽ có ít tiêm kích hơn dự kiến và cần nhiều thời gian tập luyện để đáp ứng tiêu chuẩn triển khai tối thiểu.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc chưa sẵn sàng hoạt động

22/12/2019, 09:29

Một số nhà quan sát quân sự đánh giá tàu sân bay Sơn Đông sẽ có ít tiêm kích hơn dự kiến và cần nhiều thời gian tập luyện để đáp ứng tiêu chuẩn triển khai tối thiểu.

Tàu sân bay Sơn Đông - Ảnh: Daily Mail

Truyền thông Trung Quốc từng tuyên bố tàu Sơn Đông do Trung Quốc tự chế tạo đủ sức mang 36 tiêm kích J-15 (nhiều hơn sức chứa 24 tiêm kích của tàu Liêu Ninh). Tuy nhiên trong đoạn phát sóng lễ bàn giao tàu hôm 17.12 chỉ có khoảng 30 phi công lái tiêm kích có mặt trên hạm, số lượng chỉ đủ cho hai phi đội, tương đương 24 máy bay.

Theo chuyên gia hải quân Lý Kiệt: “Tỷ lệ tiêu chuẩn giữa tiêm kích trên tàu sân bay với phi công là 2 - 3. Sơn Đông sẽ không có nhiều máy bay vì tàu chỉ mới ở giai đoạn vận hành ban đầu”.

Ông cho biết tàu Sơn Đông chưa đạt khả năng vận hành ban đầu (IOC) – tiêu chuẩn để có thể được triển khai thực hiện nhiệm vụ. Liêu Ninh mới đạt IOC vào tháng 5.2018, sau 6 năm đi vào hoạt động.

Với kế hoạch vận hành 4 nhóm tác chiến tàu sân bay, hải quân Trung Quốc từ năm ngoái đã đẩy mạnh công tác huấn luyện phi công. Họ chọn cả ứng viên từ các trường đại học hàng không hàng hải thay vì chỉ tuyển người có kinh nghiệm từ không quân.

Chuyên gia Chu Thần Minh thì đánh giá dù có nơi chứa máy bay lớn hơn Liêu Ninh nhưng Sơn Đông rất khó mang đến 36 tiêm kích. Nguyên nhân là J-15. “J-15 khá lớn, chẳng thể có chuyện tàu sân bay chỉ mang toàn tiêm kích”, chuyên gia Chu phân tích.

Trung Quốc dành hơn một thập niên phát triển J-15 dựa trên nguyên bản Su-33 Nga. Đây là máy bay chiến đấu tàu sân bay nặng nhất thế giới, cũng là loại tiêm kích trên tàu sân bay duy nhất mà Trung Quốc có.

Thiết kế đường băng kiểu nhảy cầu trên hai tàu Liêu Ninh lẫn Sơn Đông, cộng thêm trọng lượng lớn nên thời gian cất cánh cần thiết của J-15 lâu gấp 3 lần F-18 Mỹ.

J-15 là máy bay chiến đấu tàu sân bay nặng nhất thế giới - Ảnh: SCMP

Một nguồn tin thân cận với hải quân Trung Quốc tiết lộ Liêu Ninh chỉ có thế cất cánh 14 chiếc J-15 trong mỗi đợt thử nghiệm bay – thua xa tàu sân bay lớp Nimitz (Mỹ) phóng đến 40 tiêm kích.

“Hiện Liêu Ninh cùng Sơn Đông chỉ có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ, vì tàu sân bay lớp Kuznetsov sở hữu hệ thống tên lửa mạnh mẽ chứ không phải khả năng phóng máy bay”, theo nguồn tin.

Hai chuyên gia Lý và Chu tính toán Liêu Ninh cùng Sơn Đông mang được tổng cộng 48 máy bay, nhưng chỉ có 20 chiếc J-15, còn lại là trực thăng.

“Trực thăng đóng vai trò cảnh báo, theo dõi tiêm kích cất/hạ cánh, cứu hộ, vận chuyển khí tài và binh lính”, chuyên gia Chu cho hay.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Sự quan tâm trên thế giới với 'ô tô điện Trung Quốc' tăng vọt, bỏ lại 'nóng lên toàn cầu' phía sau
Dữ liệu từ Google Trends cho thấy thế giới hứng thú với các loại xe năng lượng sạch mới nhất hơn là những nguyên tắc cao cả đằng sau chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu sân bay mới của Trung Quốc chưa sẵn sàng hoạt động