Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2022 lần thứ 8 chính thức được phát động chiều 22.3.
Thế hệ Z – niềm hy vọng của công nghệ
Đây là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam; với sự chỉ đạo của Bộ KH-CN, Bộ Ngoại giao, được tổ chức bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (NATEC), cùng nhiều đơn vị phối hợp thực hiện.
Techfest 2022 hướng đến thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt ở nước ngoài.
Chúng ta đang thực sự sống cùng “Thế giới tương lai” được tạo ra bởi trí tuệ người Việt bằng công nghệ tiên phong trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo “mở”, hướng đến thế hệ tương lai – thế hệ Z, thế hệ cận kề của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN), ngoài những làng công nghệ được duy trì như Làng công nghệ Tiên phong, Làng công nghệ Giải trí, Làng An toàn thông tin…, Techfest 2022 sẽ thêm sự xuất hiện của Làng công nghệ thế giới ảo, Làng công nghệ về dược liệu sạch - hỗ trợ các địa phương có nhu cầu phát triển.
Ngoài ra, các nhóm ngành đã được hình thành trước đây như y tế, giáo dục, kỹ thuật số… thì năm nay vẫn tiếp tục phát triển. Liên quan đến tổ hợp sáng tạo mở, ông Quất cho biết đây là định hướng mới đã được trao đổi trước đó, năm nay trở thành tổ hợp mới trong hoạt động của Techfest 2022…
Rất cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, tổ chức
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: "Techfest 2022 hứa hẹn đem lại nhiều trải nghiệm mới, cơ hội mới cho người tham dự, cho dù là nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên hay các nhà sáng lập, nhóm nghiên cứu, dù ở Việt Nam hay trên thế giới".
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động toàn diện và sâu rộng tới mọi mặt của kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà trực tiếp là các doanh nghiệp. Vì vậy đòi hỏi hơn bao giờ hết sự quyết tâm, đồng lòng và tập trung nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đại dịch còn hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực từ quốc tế, hạn chế sự tương tác, gặp gỡ, trao đổi kinh doanh... Tuy nhiên, Thứ trưởng Tùng cho rằng đây cũng là động lực cho sự đổi mới, sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, ngay giữa tâm bão đại dịch năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã thu hút được số lượng vốn đầu tư cao nhất từ trước tới nay, hơn 1,5 tỉ USD Mỹ. Đó là minh chứng rõ ràng nhất, chắc chắn nhất cho tiềm lực và năng lực của trí tuệ Việt Nam. Hơn bao giờ hết, động lực này cần được tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ để phát triển, để tạo lập làn sóng đổi mới sáng tạo mới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19.
Thứ trưởng Tùng mong muốn các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan chính quyền hãy cùng vào cuộc, đặt ra những bài toán thiết thực để đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của từng người dân, của từng doanh nghiệp.
Theo Ban Tổ chức, hoạt động kết nối đầu tư được triển khai bài bản với những dịch vụ hỗ trợ pháp lý giúp đẩy mạnh việc thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.