Chòm sao vệ tinh internet OneWeb (Anh) đã được thiết lập để phóng bằng tên lửa Soyuz (Nga). Thế nhưng, mối quan hệ đối tác đó đã đổ vỡ sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Theo tờ The Washington Post, hôm 4.3, cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) dự kiến phóng 36 vệ tinh của công ty truyền thông toàn cầu OneWeb vào không gian. Song sau đó, Roscosmos cho biết sẽ không tiến hành bất kỳ vụ phóng bổ sung nào cho OneWeb trừ khi công ty Anh đảm bảo rằng mạng của họ sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự và chính phủ Anh phải bán thiểu số cổ phần trong công ty.
Yêu cầu được đưa ra nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà Anh áp đặt lên Nga sau cuộc tấn công Ukraine từ ngày 24.2.
Thời điểm đó, chính phủ Anh tuyên bố sẽ không bán cổ phần của mình trong OneWeb. Đến nay, tên lửa Soyuz đã mang theo 428 vệ tinh OneWeb lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Mạng thế hệ đầu tiên của OneWeb cuối cùng sẽ bao gồm 648 vệ tinh.
Bị Nga gây khó dễ, OneWeb thông báo đã tìm thấy đối tác mới là SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
OneWeb lựa chọn SpaceX làm nhà cung cấp bệ phóng có lẽ là điều bất thường. Lý do vì công ty vũ trụ Mỹ là đối thủ cạnh tranh với OneWeb trong việc xây dựng chòm sao vệ tinh của riêng mình. Thế nhưng, tên lửa Falcon 9 của SpaceX là công cụ đáng tin cậy sẽ giúp OneWeb đi đúng hướng. OneWeb nói lần phóng đầu tiên sẽ đến vào cuối năm nay.
Trong một tuyên bố, OneWeb không tiết lộ SpaceX sẽ phóng bao nhiêu vệ tinh hoặc thực hiện bao nhiêu lần phóng. Hiện tại, OneWeb có 428 vệ tinh trên quỹ đạo, chiếm 66% đội bay, cung cấp internet cho người dùng mặt đất.
“Chúng tôi cảm ơn SpaceX vì sự hỗ trợ của họ, điều này phản ánh tầm nhìn chung giữa chúng tôi về tiềm năng vô biên của không gian. Với những kế hoạch phóng này, chúng tôi đang trên đà hoàn thành việc xây dựng đội vệ tinh đầy đủ và cung cấp kết nối mạnh mẽ, nhanh chóng, an toàn trên toàn cầu”, theo Giám đốc điều hành OneWeb - Neil Masterson.
Sau khi bị Vương quốc Anh áp đặt các lệnh trừng phạt vì tấn công Ukraine, Nga đã tuyên bố sẽ không phóng bổ sung vệ tinh nào cho OneWeb trừ khi họ tuân thủ một danh sách các yêu cầu, bao gồm cả việc chính phủ Anh bán cổ phần đáng kể của mình trong công ty và vệ tinh không thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Khi những điều kiện đó không được đáp ứng, Nga đưa tên lửa Soyuz rời xa OneWeb.
Song, quyết định của Nga có lẽ là hậu quả không lường trước được, giao cho SpaceX hợp đồng khác và thỏa thuận đáng kể khác.
SpaceX đã không chỉ nâng cấp thị trường phóng tên lửa ở Mỹ mà còn giáng một đòn mạnh vào chương trình vũ trụ của Nga bằng cách đưa thị phần phóng vệ tinh thương mại trở lại Mỹ.
SpaceX cũng đảm nhận việc đưa các phi hành gia Mỹ lên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), một nhiệm vụ đã được Nga thực hiện trong nhiều năm. Sau khi tàu con thoi nghỉ hưu vào ngày 21.7.2011, NASA không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào Nga để đưa các phi hành gia của mình đến Trạm vũ trụ Quốc tế. Những chuyến đi đó không hề rẻ: Nga tính tới 85 triệu USD một chỗ ngồi.
Elon Musk, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành SpaceX, đã giao lưu với Dmitry Rogozin (đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga), người nói rằng sẽ không cung cấp cho các công ty Mỹ động cơ mà họ cần để mang năng lượng cho phương tiện và Mỹ sẽ phải sử dụng “chổi” để lên quỹ đạo.
Trong khi đó, SpaceX tiếp tục xây dựng chòm sao vệ tinh Starlink của riêng mình. Một quan chức SpaceX cho biết công ty có 250.000 người đăng ký và một đội khoảng 2.000 vệ tinh trên quỹ đạo. Tại cơ sở sản xuất của mình ở thành phố Redmond (bang Washington, Mỹ), SpaceX đang sản xuất khoảng 8 vệ tinh mỗi ngày.
Trong buổi giới thiệu Starlink gần đây, nhà bình luận trên chương trình phát sóng trực tuyến của SpaceX nói: “Đã đến lúc để cây chổi của người Mỹ bay và nghe thấy âm thanh của tự do”.
Starlink đã đóng vai trò ngày càng tăng ở Ukraine, cung cấp dịch vụ internet vệ tinh cho người dân, chính phủ và quân đội nước này. Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, nói vào tuần trước rằng nước này đang sử dụng hàng ngàn thiết bị đầu cuối Starlink và “các chuyến hàng mới sẽ đến hàng ngày”.
Trước đó, Roscosmos cho biết một tên lửa Soyuz đã đưa 34 vệ tinh vào không gian trong ngày 10.2, phục vụ OneWeb cung cấp internet băng thông rộng khắp nơi trên thế giới.
Tên lửa Soyuz do công ty Arianespace của châu Âu điều khiển được phóng lúc 18 giờ 9 ngày 10.2 (theo giờ GMT) từ Trung tâm Vũ trụ Guiana tại vùng lãnh thổ Guiana thuộc Pháp. Mất khoảng 3 giờ 33 phút trước khi các vệ tinh được đưa vào quỹ đạo thành công.
Có trụ sở chính tại thủ đô London, OneWeb đang nỗ lực hoàn tất việc xây dựng mạng lưới vệ tinh quỹ đạo Trái Đất thấp để cung cấp mạng lưới băng thông rộng chất lượng cao và các dịch vụ khác đến các quốc gia trên toàn thế giới. Công ty này dự kiến đưa dịch vụ internet thương mại toàn cầu đi vào hoạt động vào năm tới, với mạng lưới khoảng 650 vệ tinh.
OneWeb đang tìm cách vượt lên trước trong cuộc đua đưa internet tốc độ cao đến những khu vực hẻo lánh trên thế giới qua vệ tinh, cạnh tranh với SpaceX hay Amazon của tỷ phú Jeff Bezos.
Arianespace đã hợp tác với Nga gần 2 thập kỷ qua và đang thực hiện hợp đồng triển khai 16 lần phóng tên lửa Soyuz trong thời gian từ tháng 12.2020 đến cuối năm 2022.
Soyuz là loại tên lửa tải trọng hạng trung do Nga chế tạo, được sử dụng để đưa các vệ tinh nhân tạo cũng như tàu vũ trụ lên không gian. Đây là loại tên lửa duy nhất của Nga đang được sử dụng để đưa con người lên vũ trụ. Soyuz cũng là loại tên lửa đẩy được sử dụng nhiều và lâu nhất trên thế giới so với các loại thiết bị phóng khác, với tổng cộng hơn 1.700 lần phóng kể từ khi bắt đầu được dùng vào năm 1966.