Doanh số ô tô điện tháng 2 của Tesla tại Trung Quốc giảm mạnh, không theo kịp toàn ngành trong bối cảnh cuộc chiến giá cả ngày càng leo thang.
Theo dữ liệu do Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc công bố hôm 8.3, hãng sản xuất ô tô điện Mỹ có nhà máy lớn ở thành phố Thượng Hải đã giao 30.141 chiếc Model 3 và Model Y cho khách hàng Trung Quốc vào tháng 2, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Tesla đã giao được 39.881 chiếc ô tô điện trong tháng 1, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cộng Tesla đã giao được 70.022 chiếc ô tô điện trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2023. Thế nhưng, con số này đã bị lu mờ bởi mức tăng trưởng 37% hàng năm mà toàn bộ ngành ô tô điện ở Trung Quốc đạt được. Các hãng lắp ráp ô tô điện đã bán được tổng cộng 1,06 triệu chiếc tại Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2.2024, tăng mạnh so với con số 770.610 cùng kỳ năm ngoái.
Eric Han, quản lý cấp cao của công ty tư vấn Suolei ở Thượng Hải, nói: “Cạnh tranh về giá đã gia tăng áp lực lên Tesla và các công ty hàng đầu khác trong một thị trường khốc liệt. Doanh số bán hàng mờ nhạt trong hai tháng đầu năm 2024 cho thấy ngay cả những công ty dẫn đầu thị trường như Tesla cũng phải đưa ra các chương trình giảm giá để duy trì mức tăng trưởng doanh số”.
BYD, hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc, đã đi đầu trong việc giảm giá từ tháng 2 và một số đối thủ trong nước cũng làm theo. Kể từ giữa tháng 2, BYD đã giảm giá gần như tất cả mẫu ô tô điện của mình để giữ vững vị thế dẫn đầu.
BYD có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), được hỗ trợ bởi hãng Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett.
Hôm 6.3, BYD đã tung ra phiên bản cơ bản của mẫu ô tô điện Seagull được tân trang với giá 69.800 nhân dân tệ (9.707 USD), thấp hơn 5,4% so với mẫu trước đó.
Một số nhà sản xuất ô tô, gồm cả liên doanh của General Motors, đã làm theo BYD bằng cách giảm mạnh giá xe của họ hai tuần qua, làm leo thang cuộc chiến giá cả có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang ô tô điện ở Trung Quốc.
Tesla thông báo vào thứ Sáu tuần trước rằng sẽ trợ cấp 8.000 nhân dân tệ cho những người mua xe và mua bảo hiểm từ đối tác của hãng. Việc trợ cấp này có hiệu lực đến hết tháng 3.
Nhà máy Tesla ở Thượng Hải đã xuất khẩu 30.224 ô tô điện ra nước ngoài trong tháng 2, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Là cơ sở đầu tiên của Tesla ngoài Mỹ, nhà máy này đã sản xuất 60.365 ô tô điện trong tháng 2, mức thấp nhất kể từ tháng 1.2023.
Nhà máy Tesla ở Thượng Hải xuất khẩu 344.078 chiếc Model 3 và Model Y sang thị trường như Đức và Nhật Bản vào năm 2023, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2022. Tổng sản lượng tại nhà máy này là 947.742 chiếc ô tô điện, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của Tesla trên toàn cầu vào năm 2023.
Hiện tại, Tesla là công ty dẫn đầu trong phân khúc ô tô điện cao cấp ở Trung Quốc, với 603.664 chiếc được giao cho khách hàng nước này vào năm 2023, tăng 37,3% so với 2022. Con số này chiếm 1/3 tổng doanh số toàn cầu của nhà sản xuất ô tô Mỹ, với hơn 1,82 triệu chiếc được giao năm 2023, tăng 37% so với cùng kỳ 2022.
Trung Quốc, nơi doanh số ô tô điện chiếm khoảng 60% tổng doanh số toàn cầu, là thị trường lớn thứ hai của Tesla, chỉ sau Mỹ.
Tesla đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ một số đối thủ Trung Quốc như Xpeng, Nio và thương hiệu ô tô điện Aito của Huawei, vốn thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng có thu nhập trung bình.
Aito đã giao 21.142 ô tô điện trong tháng 2, đánh bại tất cả nhà sản xuất xe điện cao cấp nội địa khác của Trung Quốc. Đây là tháng thứ hai liên tiếp mà Aito vượt qua các đối thủ trong nước.
Tesla đã bắt đầu cuộc chiến về giá ở Trung Quốc bằng việc giảm giá vào cuối tháng 10.2022, sau đó là một đợt cắt giảm mạnh khác vào đầu tháng 1.2023, khiến hàng chục nhà sản xuất ô tô giảm giá để giữ lại thị phần của họ. Chiến thuật này trước đây tỏ ra thành công, thúc đẩy doanh số bán hàng tăng 76% lên 12.654 ô tô điện trong tuần từ ngày 9.1 đến ngày 15.1.2023, so với cùng kỳ năm trước đó.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh về giá hiện tại không tthúc đẩy doanh số ô tô điện của Tesla ở Trung Quốc một cách hiệu quả khi khách hàng hạn chế mua xe vì kỳ vọng sẽ được giảm giá thêm.
Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) hiện không còn là người giàu nhất thế giới, thậm chí rơi vào vị trí thứ ba khi tài sản ròng chỉ còn 191 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Bernard Arnault, Chủ tịch LVMH (tập đoàn Pháp chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ), hiện là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 200 tỉ USD. Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) xếp ở vị trí thứ hai với tài sản ròng 199 tỉ USD.
Nguyên nhân Elon Musk mất vị trí giàu nhất thế giới mà ông từng nắm giữ trong 9 tháng là do cổ phiếu Tesla đã giảm sâu trong năm 2024 và hiện ở mức 176,18 USD. Cổ phiếu nhà sản xuất xe điện Mỹ từng giảm 7% hôm 4.3 sau khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc sụt giảm trong tháng 2.
Theo Bloomberg, tài sản của Elon Musk có thể sẽ giảm thêm vì một thẩm phán ở bang Deleware (Mỹ) đã ra phán quyết bác bỏ gói thù lao 55 tỉ USD mà Tesla dành cho ông. Đây là phán quyết được đưa ra trong vụ kiện của cổ đông chống lại gói thù lao lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp này.
Quyền chọn cổ phiếu trong gói thù lao nói trên chiếm một trong những phần tài sản lớn nhất của Elon Musk, bên cạnh cổ phần trong Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX. Ở thời điểm hiện tại, Bloomberg vẫn tính số quyền chọn này như một phần trong khối tài sản của Elon Musk.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, khối tài sản ròng của Elon Musk đã “bốc hơi” hơn 38 tỉ USD.