Hãng tin AP cho biết thảm họa vừa xảy ra với tàu lặn Titan khiến vấn đề bên nào nên đứng ra thanh toán chi phí cho nỗ lực cứu hộ những người gặp nạn nóng trở lại.
Triệu phú Steve Fossett từng là đối tượng tìm kiếm của hai chiến dịch cứu hộ khẩn cấp trước lúc lái máy bay mất tích tại sa mạc Nevada năm 2007. Vụ mất tích bí ẩn đặt ra một câu hỏi hóc búa: sau khi cuộc tìm kiếm kết thúc, ai sẽ thanh toán chi phí?
Chiến dịch tìm kiếm tàu lặn Titan gần đây khiến tranh luận một lần nữa bùng lên. Nhà nghiên cứu du lịch Arun Upneja (Đại học Boston) cho biết: “5 người vừa mất mạng mà đã bắt đầu nói về bảo hiểm, chi phí cứu hộ nghe có vẻ vô tâm. Nhưng đến cuối cùng vẫn có chi phí cần thanh toán. Nhiều người sẽ nói “tại sao xã hội phải trả tiền cho nỗ lực cứu hộ nếu những người này đủ giàu để tham gia hoạt động mạo hiểm như vậy?”.
Vấn đề trên thu hút sự chú ý khi không ít người giàu không sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn chinh phục các đỉnh núi và đại dương, thậm chí bay lên vũ trụ.
Lực lượng tuần duyên Mỹ từ chối công khai chi phí của chiến dịch tìm kiếm Titan. Trong số 5 hành khách xấu số có tỷ phú người Anh Hamish Harding cùng hai cha con doanh nhân gốc Pakistan Shahzada Dawood. Đơn vị vận hành tàu lặn thu mỗi hành khách 250.000 USD.
“Chúng tôi không thể tính giá trị tiền bạc cho trường hợp tìm kiếm cứu nạn, vì cảnh sát biển không gắn chi phí với việc cứu một mạng sống”, tuần duyên Mỹ tuyên bố.
Luật sư Stephen Koerting (chuyên về luật hàng hải) cho biết dù cho chi phí có thể lên đến hàng triệu USD, luật pháp liên bang Mỹ vẫn cấm thu tiền cho hoạt động cứu hộ.
Theo chủ tịch Hiệp hội Người nộp thuế quốc gia Mỹ Pete Sepp: “Đây là một trong những câu hỏi khó tìm ra câu trả lời nhất. Không nên chỉ dùng ngân sách nhà nước hay thậm chí không nên chủ yếu dùng ngân sách nhà nước, nhưng lại không thể không nghĩ về cách sử dụng nguồn lực hạn chế của lực lượng cứu hộ”.
Năm 1998, khi khí cầu mà triệu phú Fossett dùng để bay vòng quanh thế giới bị rơi xuống vùng biển cách Úc hơn 800km, không quân Úc phải triển khai máy bay vận tải Hercules C-130 tìm kiếm ông. Một máy bay quân sự Pháp thả bè xuống cho ông trước lúc có thuyền chạy đến đón. Khi đó, có ý kiến cho rằng triệu phú Fossett nên thanh toán chi phí cứu hộ nhưng ông không đồng ý.
Cùng năm, tuần duyên Mỹ phải tốn hơn 130.000 USD cứu triệu phú Fossett cùng doanh nhân Richard Branson vì khí cầu của họ rơi xuống vùng biển ngoài khơi Hawaii. Ông Branson tuyên bố sẽ thanh toán chi phí nếu tuần duyên Mỹ yêu cầu, nhưng lực lượng này không làm vậy.
Ở lần tìm kiếm triệu phú Fossett năm 2007, lực lượng Vệ binh quốc gia tại bang Nevada cho biết chiến dịch cứu hộ tiêu tốn 685.998 USD - trong đó 200.000 USD được trả bởi một khoản đóng góp tư nhân. Vợ của triệu phú Fossett từ chối thanh toán phần còn lại với lý do bà đã chi 1 triệu USD tiến hành một cuộc tìm kiếm riêng, luật sư đại diện gia đình lập luận rằng chiến dịch cứu hộ là hoạt động nhà nước nên cần được thanh toán bằng nguồn tiền nhà nước.
Phiêu lưu mạo hiểm không chỉ dành cho người giàu. Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người tìm đến đi bộ, leo núi và các hoạt động ngoài trời khác. Sự phổ biến của điện thoại di động cùng các loại hình dịch vụ làm nảy sinh tâm lý bất cứ lúc nào gặp chuyện đều có thể gọi điện nhờ giúp đỡ.
Cựu kiểm lâm viên Butch Farabee có nhiều năm kinh nghiệm cứu hộ tại các công viên quốc gia Mỹ cho biết: “Nhân viên cứu hộ lo ngại nếu thu tiền khi cứu người, người cần cứu sẽ không gọi trợ giúp ngay khi cần và lúc gọi thì đã quá muộn”.
Chinh phục đỉnh Everest làm tiêu tốn hàng chục nghìn USD xin giấy phép cùng hàng loạt loại phí khác. Mỗi năm đều có trường hợp thiệt mạng hay mất tích cần lực lượng chức năng địa phương tìm kiếm. Chính quyền Nepal yêu cầu người leo núi phải có bảo hiểm cứu hộ, nhưng chi phí cứu hộ có thể lên đến hàng chục nghìn USD.