Chiều 15.11, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, với 91,55% đại biểu tán thành.

Thân thế, sự nghiệp và sức khỏe của lãnh đạo đảng, nhà nước là thông tin mật

TTXVN | 15/11/2018, 17:05

Chiều 15.11, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, với 91,55% đại biểu tán thành.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương, 28 điều, quy định về nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước; hợp tác quốc tế về bảo vệ bí mật nhà nước, các hành vi bị nghiêm cấm về bảo vệ bí mật nhà nước; kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ bảo vệ bí mật nhà nước; phạm vi bí mật nhà nước; phân loại bí mật nhà nước…

Quy định cụ thể, chặt chẽ các loại thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước

Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong 15 lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ nhất là thông tin về chính trị, gồm: chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại; hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chiến lược, đề án về dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội.

Thứ hai là thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu, gồm: chiến lược, kế hoạch, phương án, hoạt động bảo vệ tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chương trình, dự án, đề án đặc biệt quan trọng; tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng cơ yếu; công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; sản phẩm mật mã của cơ yếu.

Thứ ba là thông tin về lập hiến, lập pháp, tư pháp, gồm: hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; thông tin về khởi tố; công tác điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án hình sự.

Thứ tư là thông tin về đối ngoại, gồm: chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển quan hệ với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế; tình hình, phương án, kế hoạch, hoạt động đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước; thông tin, thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa Việt Nam với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế; thông tin bí mật do nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế chuyển giao theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ năm là thông tin về kinh tế, gồm: chiến lược, kế hoạch đầu tư và dự trữ quốc gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; đấu thầu phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia; thông tin về tài chính, ngân sách, ngân hàng; phương án, kế hoạch thu, đổi tiền, phát hành tiền; thiết kế mẫu tiền, chế tạo bản in, khuôn đúc, công nghệ in, đúc tiền và các giấy tờ có giá; số lượng và nơi lưu giữ kim loại quý hiếm, đá quý và các vật quý hiếm khác của Nhà nước; thông tin về công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và phát triển nông thôn; kế hoạch vận tải có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; thông tin về quá trình xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; thông tin về quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia, quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Thứ sáu gồm các thông tin về tài nguyên và môi trường bao gồm tài nguyên nước, môi trường, địa chất, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đất đai, biển, hải đảo, đo đạc và bản đồ.

Thứ bảy là thông tin về khoa học và công nghệ như: sáng chế, công nghệ mới phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; thông tin về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân liên quan đến quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Một số thông tin về giáo dục và đào tạo (đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia; thông tin về người thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân, cơ yếu được cử đi đào tạo trong và ngoài nước); về văn hóa, thể thao (di sản, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; phương pháp, bí quyết tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên các môn thể thao thành tích cao…); về y tế, dân số (thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước…); về tổ chức, cán bộ; lao động, xã hội; kiểm toán nhà nước; thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Quy định cụ thể người lập danh mục bí mật nhà nước

Luật quy định Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý. Chánh văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội. Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.

Người lập danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định, trừ Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng hai bộ này trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Hồ sơ gửi Bộ Công an thẩm định bao gồm: văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ; dự thảo quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước; báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bản sao ý kiến tham gia. Văn bản thẩm định của Bộ Công an phải gửi đến người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Công an, người lập danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020. Các quy định của luật này liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định tại khoản 1 điều 19 của luật này, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Theo TTXVN/Tin tức
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thân thế, sự nghiệp và sức khỏe của lãnh đạo đảng, nhà nước là thông tin mật