Trung tướng Tô Ân Xô cho biết vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản là vụ án phức tạp, phải 5 lần điều tra bổ sung nên kéo dài từ 2019 đến nay và dự kiến Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ xét xử trong tháng 6 tới.

Tháng tới xét xử vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản chủ tập đoàn Mường Thanh

Lam Thanh | 05/05/2023, 19:45

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản là vụ án phức tạp, phải 5 lần điều tra bổ sung nên kéo dài từ 2019 đến nay và dự kiến Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ xét xử trong tháng 6 tới.

Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 về tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn của Bộ Công an cho hay các vụ án đều được Bộ Công an tiến hành điều tra tích cực, khẩn trương và cơ bản hoàn thành đúng tiến độ.

Về vụ Việt Á, ông Xô cho biết Bộ Công an dự kiến kết luận điều tra trong quý 1/2023. Tuy nhiên do tính phức tạp của vụ án, có quá nhiều vụ án đang phải tiến hành đồng thời nên Bộ Công an đã đề xuất với Ban Chỉ đạo gia hạn điều tra và sẽ phấn đấu có kết luận điều tra vụ án trong quý 2/2023.

Về vụ án liên quan đến tập đoàn Mường Thanh, ông Xô chia sẻ, theo báo cáo của Công an Hà Nội, ngày 5.7.2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản về tội lừa dối khách hàng. Khi đó, nhiều người tưởng chưa khởi tố nhưng thực tế đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp ngăn chặn và vẫn cho ông Lê Thanh Thản tại ngoại.

Đến ngày 6.8.2019 và ngày 21.10.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội tiếp tục khởi tố bổ sung vụ án, trong đó khởi tố thêm 6 cá nhân khác về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các cá nhân này gồm: Ông Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); ông Nguyễn Duy Uyển, ông Bùi Văn Bằng (cùng là nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); ông Mai Quang Bài (cán bộ thanh tra xây dựng quận Hà Đông phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng); ông Vương Đăng Quân (nguyên Phó chánh thanh tra xây dựng quận Hà Đông, phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng) và ông Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh thanh tra xây dựng quận Hà Đông).

xo.jpg
Trung tướng Tô Ân Xô trả lời báo chí

“Đây là vụ án phức tạp, phải 5 lần điều tra bổ sung nên kéo dài từ năm 2019 đến nay và đến ngày 14.4.2023 thì Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã ban hành cáo trạng đối với 7 bị can trên và dự kiến Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ xét xử trong tháng 6 tới”, ông Xô nêu.

Trả lời báo chí về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, ông Xô cho hay qua 1 năm triển khai thực hiện đề án đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Theo đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được thúc đẩy một cách toàn diện trên cơ sở ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử.

Đến nay, cả nước đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân thực hiện trên môi trường điện tử (2 dịch vụ liên thông đang thử nghiệm và sẽ nhân rộng toàn quốc). Riêng Bộ Công an đã đưa 224/224 dịch vụ công trên môi trường điện tử, trong đó có nhiều nội dung thiết yếu tưởng chừng không thể thực hiện được như: Cấp hộ chiếu phổ thông, thủ tục đăng ký xe...

Ngoài ra, việc đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử có mã số của cơ quan thuế, khởi tạo từ máy tính tiền của 10.076 doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh với 1,7 triệu hóa đơn, giúp cơ quan thuế truy thu 49,7 tỉ đồng tiền thuế; xác thực và làm sạch 18 triệu thông tin tín dụng, giúp ngành ngân hàng tiết kiệm 333 tỉ đồng; xác thực 95,56 triệu thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm được 143 tỉ đồng...

Ông Xô cho hay, ngày 23.2.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 năm 2023 và những năm tiếp theo với những nhiệm vụ, phân công trách nhiệm và mốc thời gian hoàn thành cụ thể. Tuy nhiên, đây là những vấn đề mới, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, trong đó có 4 nhóm vấn đề là nguy cơ, điểm nghẽn, nếu không giải quyết dứt điểm sẽ làm chậm tiến độ của đề án.

Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, hiện 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên đến quan quản lý dân cư chưa hoàn thành việc thực thi. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 104 sửa đổi 19 nghị định liên quan đến xuất trình sổ hộ khẩu giấy nhưng việc rà soát, sửa đổi các văn bản dưới nghị định còn chậm; chưa hoàn thiện thể chế liên quan đến số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hiện nay, mới chỉ có 5 bộ đáp ứng toàn bộ các yêu cầu; còn lại, mới chỉ đáp ứng một phần hoặc chưa khắc phục điểm yếu bảo mật; chưa sẵn sàng cho công tác số hóa và việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử...

Về dịch vụ công, mặc dù đã đạt được các kết quả quan trọng nêu trên, nhưng người dân còn khó khăn trong thực hiện, dẫn đến mất niềm tin. Nguyên nhân chủ yếu là: Các dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm chuyển đổi quy trình nên chưa thực sự thuận lợi, đơn giản.

Trong tổng số 1.146 thủ tục hành chính được yêu cầu đơn giản hóa, mới thực hiện được 388 thủ tục, đạt 34%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháng tới xét xử vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản chủ tập đoàn Mường Thanh