Tháng trước, công ty Oceanix công bố kế hoạch xây dựng một thành phố nổi trên biển tại Busan của Hàn Quốc.

Thành phố nổi trên biển tại Hàn Quốc

Cẩm Bình | 30/05/2022, 10:50

Tháng trước, công ty Oceanix công bố kế hoạch xây dựng một thành phố nổi trên biển tại Busan của Hàn Quốc.

Thành phố duyên hải Busan là đô thị lớn thứ 2 của Hàn Quốc, sở hữu hải cảng lớn nhất nước. Nước biển dâng cao và biến đổi khí hậu đe dọa sự tồn tại của nó.

Vì vậy đây sẽ là nơi nguyên mẫu thành phố nổi Oceanix Busan phát huy tác dụng. Thành phố được thiết kế để nổi trên một cụm kết cấu rộng gần 67.000m2 liên kết nhau và có thể tự sản xuất năng lượng, nước cùng thực phẩm không cần phụ thuộc vào tài nguyên tại chỗ.

Dự án được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, do Oceanix cùng hai công ty kiến trúc Bjarke Ingels Group (BIG) và Samoo Architects & Engineers hợp tác phát triển, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

thbusan00.jpg
Thiết kế thành phố nổi tại Busan - Ảnh: Oceanix

Kết cấu giữ cho Oceanix Busan nổi trên biển là các bệ bê tông rỗng dày giữ được không khí. Đại diện BIG Daniel Sundlin cho biết độ sâu của bệ tạo ra một khoảng trống lớn trong thân, gần giống một tầng hầm, chủ yếu chứa không khí để chống lại trọng lực từ kiến trúc bên trên, không gian này cũng có chức năng như nơi lưu trữ năng lượng và quản lý chất thải.

Kỹ sư Matteo Pietrobelli làm việc cho Oceanix đảm bảo hệ thống neo dùng với Oceanix Busan sẽ giảm thiểu chuyển động ngang, nhưng thành phố nổi vẫn có thể chuyển động lên xuống thích ứng với mực nước để đạt đến hiệu quả chống ngập.

Cũng theo kỹ sư Pietrobelli, thiết kế của kết cấu nâng đã cân nhắc đến mức độ thoải mái của người ở bên trên, đem lại cảm giác như trên đất liền.

Các nhà phát triển còn định lắp đá nhân tạo (biorock) cho phần nằm dưới mặt biển nhằm mục đích tạo nên rạn san hô, thu hút sinh vật biển đến trú ngụ.

thbusan02.jpg
Không gian bên dưới thành phố nổi có thể trở thành rạn san hô sinh thái - Ảnh: Oceanix

Nguyên mẫu Oceanix Busan đủ sức đón nhận 12.000 cư dân, nhưng thành phố nổi thực tế có thể được lắp ráp thêm để nhận đến 100.000 người. Khi mở rộng các bệ sẽ được sắp xếp theo hình lục giác lấy cảm hứng từ tổ ong.

Ý tưởng ban đầu là xây dựng theo hình tròn chịu được gió và sóng từ mọi hướng. Tuy nhiên kết cấu hình tròn xây dựng khá tốn kém, lại rất khó kết nối. Ông Sundlin cho biết kết cấu lục giác đạt hiệu quả gần như hình tròn, lại tạo được bề mặt thẳng kết nối nhau.

Oceanix Busan gồm 3 khu vực: dân cư, nơi sinh hoạt hằng ngày, nơi nghiên cứu. Khu dân cư có căn hộ lẫn khách sạn, khu sinh hoạt xây dựng tương tự thành phố Busan với đường phố, hẻm nhỏ bán đồ ăn cùng cơ sở kinh doanh, khu còn lại phục vụ nghiên cứu hàng hải và bảo vệ môi trường.

Cư dân có thể sử dụng linh hoạt thuyền, phà hoặc đi bộ. Giới hạn độ cao cho kiến trúc xây trên Oceanix Busan là 5 tầng, phần lớn đều lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái. Sẽ có khu vực dành riêng cho trang trại khí canh và thủy canh, cũng như nhà máy tái chế nước.

thbusan03.jpg
Kết cấu lục giác đem lại nhiều lợi ích - Ảnh: Oceanix

Oceanix Busan không phải dự án thành phố nổi đầu tiên. Năm 2019, công ty Nhật Bản Shimizu tiết lộ họ đang thiết kế một thành phố mang tên Green Float đón nhận được 40.000 cư dân, đủ sức chống chịu thiên tai như sóng thần.

Năm 2021, Maldives công bố kế hoạch xây dựng khu nhà ở nổi trên một đầm phá gần thủ đô mang tên Maldives Floating City (MFC), được chuẩn bị khởi công trong năm nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành phố nổi trên biển tại Hàn Quốc