Trên tạp chí Lợi ích Quốc gia (National Interest) của Mỹ, giáo sư Patrick Mendis, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, có bài phân tích liên quan đến lựa chọn của Mỹ trong vấn đề xung đột Trung - Ấn hiện nay.

Thập diện xung đột Trung - Ấn và toan tính của Mỹ

Đoàn Thanh | 03/03/2021, 19:29

Trên tạp chí Lợi ích Quốc gia (National Interest) của Mỹ, giáo sư Patrick Mendis, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, có bài phân tích liên quan đến lựa chọn của Mỹ trong vấn đề xung đột Trung - Ấn hiện nay.

quan-doi-an-do-va-trung-quoc-o-khu-vuc-thung-lung-galwan-anh-twitter.jpg
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Thung lũng Galwan - Ảnh Twitter

Đi cùng xu thế cạnh tranh không ngừng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Mỹ ngày càng nhận rõ Ấn Độ là một trong những đồng minh quan trọng nhất. Tháng 1.2021, vài ngày trước khi Tổng thống Trump giải nhiệm, Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ (NSC) đã công bố tài liệu “Khung chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được giải mật, xác nhận Washington bảo đảm quan điểm thân Ấn Độ về “ngoại giao, kinh tế, và quân sự” trong khu vực.

Tài liệu được giải mật này công nhận rằng Ấn Độ là một nền dân chủ “cùng chí hướng”, và bằng cách khuyến khích Ấn Độ tăng cường thân thiết với hai đối tác của 4 bên là Úc và Nhật Bản, đã trao cho New Delhi vai trò hàng đầu trong việc duy trì an ninh của Ấn Độ Dương.

Việc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ công bố tài liệu tuyệt mật đặc biệt này đã khẳng định tầm quan trọng của chính sách Ấn Độ trong tư thế chiến lược của Mỹ, vốn đã được củng cố bởi nhiều đạo luật do Quốc hội Mỹ ban hành trong vài năm qua. Tháng 10.2020, Ấn Độ và Mỹ đã ký “Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản về hợp tác không gian địa lý và tình báo” (BECA). Thỏa thuận được ký một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, khi đó nền chính trị trong nước của Mỹ đang đầy bất ổn, động thái cho thấy tầm quan trọng của liên minh quân sự giữa New Delhi và Washington.

Không còn nghi ngờ, những quyết định và hành động tăng tốc này nhằm mục đích làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh Mỹ-Ấn, nhằm vào đối thủ chiến lược Trung Quốc đầy nguy cơ xảy ra xung đột. Để hiện thực hóa các “lợi ích” quốc gia đã tuyên bố và thúc đẩy “giá trị quan” của Mỹ, hiện nay Tổng thống Joe Biden và nhóm Hội đồng An ninh Quốc gia mới của ông phải thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khuôn khổ chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Trump.

Tài liệu chính sách hành động mà Mỹ giải mật đã xác nhận mức độ phức tạp của quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ, chỉ ra hai thách thức lớn: tranh chấp lãnh thổ và vấn đề tài nguyên nước sông.

Thách thức thứ nhất về lãnh thổ bắt nguồn từ xung đột biên giới Trung-Ấn đã kéo dài 70 năm, đã gây nhiều cuộc xung đột biên giới, bao gồm cả cuộc chiến năm 1962 kéo dài một tháng. Xung đột ở Thung lũng Galvan vào tháng 6.2020 là xung đột gây chết người đầu tiên trong 45 năm qua giữa hai nước, trong đó Trung Quốc cũng có 4 binh sĩ thiệt mạng.

Xung đột ở Thung lũng Galvan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Ấn. Về mặt kinh tế, New Delhi đã cấm hơn 100 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok và WeChat phổ biến mà vốn dĩ Ấn Độ phải trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất cho các ứng dụng này. Về mặt quân sự, căng thẳng hồi mùa hè đã khiến vào mùa đông 2020-2021 hai nước triển khai quân dọc theo ranh giới kiểm soát thực tế trên dãy Himalaya.

Tuy nhiên, sau 9 vòng đàm phán, cả Bắc Kinh và New Delhi đều đồng ý vào giữa tháng 2.2021 “sơ tán đồng bộ và có tổ chức” khỏi khu vực hồ Pangong của Ladakh. Dù vậy vẫn còn quá sớm để ăn mừng chiến thắng ngoại giao, vì vẫn tồn tại tranh chấp trong sự đồng thuận chung giữa hai cường quốc mới nổi này.

Trong ván cờ địa chính trị với Trung Quốc, hợp tác quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ trong khuôn khổ hiệp ước BECA đóng vai trò quan trọng. Nếu Washington muốn New Delhi đứng về phía Mỹ thì phải thuyết phục chính phủ Ấn Độ tin tưởng vào vấn đề an ninh lãnh thổ được bảo đảm bền vững. Liên minh mới gây tốn kém cả về chính trị và kinh tế đối với Ấn Độ, vì dưới áp lực của Mỹ buộc New Delhi phải rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Bắc Kinh đứng đầu.

Có thể nói, việc Washington công khai ủng hộ New Delhi chống lại Bắc Kinh thực tế có thể khiến tình hình đang diễn biến trở nên nguy hiểm hơn, không chỉ khiến Bắc Kinh tức giận mà còn thúc đẩy Moscow, Tokyo cùng các nước quan trọng khác bị cuốn vào vấn đề tranh chấp Himalaya và các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thách thức thứ hai là vấn đề tiếp cận nguồn nước. Tài liệu giải mật của Mỹ không cho thấy chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh, nhưng đề cập đến việc Trung Quốc kiểm soát cao nguyên Thanh Tạng. Về cơ bản Bắc Kinh kiểm soát con đường đến cao nguyên Thanh Tạng.

dap-nuoc-do-trung-quoc-xay-dung-tren-dong-brahmaputra-o-tay-tang-anh-wion.png
Đập nước do Trung Quốc xây dựng trên dòng Brahmaputra ở Tây Tạng - Ảnh WION

Do Trung Quốc đã xây dựng một số lượng lớn các con đập trên các sông Yarlung Tsangpo, Ayeyarwaddy và Mekong, nên hiện Trung Quốc nắm chủ động tích trữ hoặc chuyển nước, điều này có thể gây ra hạn hán ở những khu vực rộng lớn ở hạ lưu. Khi Trung Quốc đơn phương cho đóng các cửa thoát của các con đập trên sông Mekong chảy sang Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, thì cộng đồng quốc tế nên xem đó là lời cảnh báo.

Trong chính trị tài nguyên nước toàn cầu, lập pháp mới của Mỹ nhắm vào Tây Tạng có thể thay đổi luật chơi. “Đạo luật Hỗ trợ và Chính sách Tây Tạng năm 2020” (Tibet Policy and Support Act of 2020) được ông Trump ký vào tháng 12 năm ngoái tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, bao gồm cả việc cấm nhập cảnh các quan chức Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử người kế nhiệm Đạt-lai Lạt-ma đương nhiệm. Lập pháp của Mỹ còn yêu cầu thành lập một lãnh sự quán mới của Mỹ tại thủ phủ Lhasa của Khu tự trị Tây Tạng - Trung Quốc.

Mặc dù thoạt nhìn, dự luật này dường như không có liên quan trực tiếp đến vấn đề nguồn nước, nhưng chứng tỏ Washington hoàn toàn nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề tài nguyên nước tại Tây Tạng, hiểu rõ rằng bất kể điều gì xảy ra trên cao nguyên Tây Tạng - cho dù đó là chính trị, văn hóa hay vấn đề quân sự - tất cả đều có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Như phản hồi đối với lập pháp của Mỹ, các mục tiêu khác nhau trong chính sách “hành động hướng đông” của Ấn Độ và chính sách “hành động hướng nam” của Đài Loan có thể gây ra những hậu quả không mong muốn, đặc biệt khi xảy ra vấn đề chồng chéo lên nhau ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương liên quan các chính sách này.

Với tư cách là một bên trung gian thầm lặng, Mỹ sẽ tạo thuận lợi đối với các mục tiêu chính sách đối ngoại và quân sự rộng lớn hơn chống lại Trung Quốc, còn New Delhi và Đài Bắc có thể xem xét cách thoát ra khỏi cái bóng của chính sách Trung Quốc, củng cố mối quan hệ giữa hai bên trên các phương diện.

Ví dụ, từ góc độ kinh tế, việc cho phép Đài Loan đầu tư vào Ấn Độ và xây dựng một khu công nghiệp sáng tạo ở thành phố Bengaluru (Thung lũng Silicon ở bang Karnataka của Ấn Độ) đã mở toang cánh cửa hợp tác thành công. Nhà Trắng thời Biden dự định tiếp tục các chính sách Ấn Độ và Đài Loan của Nhà Trắng thời Trump, đồng thời tăng cường liên minh chống độc tài và ủng hộ dân chủ ở châu Á, chỉ cần Ấn Độ không xa rời con đường nêu trong hiến pháp thế tục của họ.

Mặc dù tài liệu được giải mật của Mỹ cho thấy tinh thần ủng hộ không giới hạn đối với New Delhi, nhưng chính quyền Biden không nên ôm bất cứ ảo tưởng nào rằng Ấn Độ là lực lượng bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là lực lượng bảo vệ nhân quyền cùng hệ giá trị của Mỹ.

Vì lẽ Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Modi với hệ tư tưởng chính là chủ nghĩa dân tộc nhưng có trách nhiệm trong vấn đề chia rẽ xã hội gia tăng và vấn đề Hồi giáo. Ví dụ Luật công dân sửa đổi năm 2019 giúp người nhập cư từ Afghanistan, Bangladesh và Pakistan dễ dàng có quốc tịch Ấn Độ hơn khi họ không phải là người Hồi giáo. Những vấn đề như vậy có thể gợi chất vấn: liệu Ấn Độ có nên bị cộng đồng quốc tế lên án vì những vi phạm nhân quyền không.

Do tài liệu được giải mật này không có bất kỳ từ ngữ nào đề cập đến về việc bảo vệ nhân quyền, không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Trump làm ngơ trước New Delhi. Dù trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump, có lẽ nhân quyền không hấp dẫn đối với các nhà hoạch định chính sách, nhưng các giá trị truyền thống của Mỹ và lý tưởng dân chủ hiện đã tìm thấy con đường trên toàn cầu.

Trong một bài phát biểu vào ngày 19.2.2021 trước các nhà lãnh đạo của Nhóm G7, Tổng thống Biden đã cho biết, “Nền dân chủ không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Chúng ta phải bảo vệ nó, đấu tranh cho nó, củng cố nó, làm tươi mới nó”. Tất nhiên, Nhà Trắng thời Biden không nên quên rằng chính quyền Modi cũng có những lợi ích trong việc thúc đẩy chủ nghĩa bản địa và văn hóa Ấn Độ đặc thù của họ. Chiều ngược lại, Ấn Độ nên tự ý thức rõ rằng, với tư cách là nền dân chủ lớn nhất thế giới, Ấn Độ có trách nhiệm tuân thủ hiến pháp thế tục của mình và tránh vi phạm nhân quyền.

Dù với lĩnh vực chính trị thực tế lợi ích quốc gia không tách biệt hệ giá trị, Ấn Độ vẫn có thể tận dụng sự hỗ trợ quân sự và tình báo mà họ có được từ Mỹ, mục tiêu không chỉ để nhắm vào Trung Quốc mà còn cả Pakistan, thực tế này cũng gióng chuông cho chính quyền Biden. Nhưng sự tham gia thành công của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là rất quan trọng đối với an ninh và sự phát triển của chính Ấn Độ, quan trọng như sự ủng hộ của các nước dân chủ “cùng chí hướng” dành cho Ấn Độ và khu vực.

Mặc dù ở những nước dân chủ, cương lĩnh chính trị có thể thay đổi định kỳ theo mỗi cuộc bầu cử, nhưng liên minh Mỹ-Ấn hiện đã được củng cố thông qua nhiều thỏa thuận và đạo luật của Quốc hội. Do đó, ít nhất trong vài năm tới, liên minh giữa nền dân chủ Mỹ mạnh nhất và nền dân chủ Ấn Độ lớn nhất của thế giới sẽ đặc biệt vững bền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thập diện xung đột Trung - Ấn và toan tính của Mỹ