Nhật Bản cân nhắc cách phản ứng hợp pháp, bao gồm cả việc bắn trực tiếp vào các tàu vi phạm.

Các chuyên gia Nhật hiến kế về luật có thể bắn tàu nước ngoài, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thách thức

Nhân Hoàng | 03/03/2021, 08:05

Nhật Bản cân nhắc cách phản ứng hợp pháp, bao gồm cả việc bắn trực tiếp vào các tàu vi phạm.

Sự gia tăng trong các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku khiến Tokyo phải tìm kiếm chiến lược ứng phó dựa trên luật pháp, bao gồm một quy tắc rõ ràng về thời điểm có thể bắn vào các tàu nước ngoài.

Các tàu chính thức của Trung Quốc đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc tuyên bố là Điếu Ngư, vào 6 ngày riêng biệt trong tháng 2.2021- nhiều nhất 4 năm rưỡi qua.

Trung Quốc đã nâng cấp lực lượng bảo vệ bờ biển lên trạng thái gần như quân sự vào ngày 1.2, cho phép bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng biển của mình. Trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động gần quần đảo Senkaku, các quan chức Chính phủ Nhật Bản nói tại cuộc họp với các đảng viên cầm quyền hôm 25.2 rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật có thể bắn
trực tiếp vào các tàu nước ngoài đang thực hiện hành vi phạm tội gây bạo lực trên đường đổ bộ vào lãnh thổ Nhật Bản.

Dù có giới hạn với những gì các quốc gia có thể làm trong lãnh hải của mình, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển cho phép thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn sự qua lại của các con tàu đe dọa hòa bình và an ninh của họ.

Nhật Bản tin rằng điều này bao gồm việc sử dụng vũ khí của lực lượng bảo vệ bờ biển để đối phó với cuộc tấn công từ tàu nước ngoài. Dựa trên luật, nước này cho phép nhà chức trách bắn để tự vệ, hoặc vào một mục tiêu bị bắt quả tang phạm tội gây bạo lực (với mức án tối thiểu là 3 năm tù).

Yoshihiko Yamada, Giáo sư Khoa Văn minh Hàng hải tại Đại học Tokai (Nhật Bản), cho biết các vụ nổ súng trực diện nằm trong phạm vi hành động được phép theo luật pháp Nhật liên quan đến lực lượng bảo vệ bờ biển, cảnh sát, và cũng được phép theo luật pháp quốc tế.

Yoshihiko Yamada nói: “Nhưng điều này có thể không làm chùn bước các hoạt động của cảnh sát biển Trung Quốc” và có thể khó xác định một tội phạm bạo lực ngay tại chỗ khi không có vũ khí nào được nhìn thấy.

"Đầu tiên, Đạo luật Cảnh sát biển Nhật Bản cần được sửa đổi để rõ ràng cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển bắn cảnh cáo và trực tiếp vào các tàu bỏ qua lệnh dừng lại, bất kể đó là tàu của chính phủ và họ có trang bị vũ khí hay không. Chúng ta cần có khả năng ngăn chặn các con tàu trước khi chúng đổ bộ vào lãnh thổ Nhật Bản", Yoshihiko Yamada nhận định.

Nhật Bản cũng có thể tăng cường phối hợp giữa cảnh sát biển và lực lượng phòng vệ. Đây là lực lượng được kêu gọi hành động nếu lực lượng bảo vệ bờ biển gặp khó khăn khi tự xử lý tình huống. Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết các tiêu chuẩn kiểu cảnh sát biển có thể áp dụng cho lực lượng phòng vệ để bắn vào các tàu nước ngoài.

Giáo sư Yoshihiko Yamada hiến kế: “Lực lượng cảnh sát biển có số lượng và trang thiết bị hạn chế, vì vậy lực lượng này sẽ cần phải làm việc với lực lượng phòng vệ. Điều quan trọng là phải tạo ra một khuôn khổ nơi cảnh sát biển và lực lượng phòng vệ có thể giải quyết các trách nhiệm khác nhau, ứng phó linh hoạt với các vấn đề an ninh hàng hải theo lệnh thủ tướng".

cac-chuyen-gia-hien-ke-ve-luat-co-the-ban-tau-nuoc-ngoai-bo-quoc-phong-trung-quoc-thach-thuc.jpg
Các thành viên của lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản kiểm tra môi trường xung quanh. Nhật đang xem xét sự hợp tác lớn hơn giữa lực lượng bảo vệ bờ biển và phòng vệ trong các cuộc xâm nhập hàng hải

Chisako Masuo, Phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Văn hóa và Xã hội thuộc Đại học Kyushu (Nhật Bản), cũng kêu gọi Nhật hình thành một chiến lược hàng hải toàn diện hơn để đối phó với các cuộc xâm nhập của Trung Quốc.

Có kinh nhiệm nghiên cứu gồm cả quan hệ Trung-Nhật, bà Chisako Masuo cho biết: “Trung Quốc đã và đang tích hợp các lĩnh vực quân sự với dân sự của mình và hiện có khả năng ra lệnh cho các tàu cá riêng lẻ. Điều này có nghĩa là nó có thể ra lệnh cho một tàu chính phủ hoặc một đội tàu đánh cá cố gắng đổ bộ lên quần đảo Senkaku và Nhật Bản cần phải vượt ra ngoài các phản ứng đột xuất như bắn vào một tàu cá nhân".

Chính phủ Nhật Bản cần phải xem xét nghiêm túc một kịch bản mà lực lượng phòng vệ cần được triển khai để bảo vệ quần đảo Senkaku”, bà Chisako Masuo nói thêm.

Thế nhưng, một số phản ứng của Nhật Bản có thể vi phạm luật pháp quốc tế. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch xác định các biện pháp cụ thể mà cảnh sát biển và lực lượng phòng vệ có thể sử dụng để đối phó với các cuộc xâm phạm hàng hải theo luật pháp quốc tế và trong nước hiện tại lẫn tương lai.

Jun Tsuruta, Phó giáo sư Đại học Meiji Gakuin, chuyên về Luật Quốc tế, bao gồm cả luật biển, cho biết: “Cảnh báo bắn một tàu liên tục phớt lờ lệnh dừng lại là một chuyện. Nhưng việc sử dụng vũ khí có thể đánh chìm con tàu đó là quá mức và vượt quá những gì được chấp nhận theo luật pháp quốc tế".

Thực thi pháp luật trên biển là để bảo vệ trật tự hàng hải. Có một thành phần an ninh quốc gia với nó, nhưng đó là thứ yếu. Chúng ta cần theo đuổi một phản ứng thích hợp với các sự cố hàng hải xung quanh Nhật Bản tùy thuộc vào việc coi đó là hành vi vi phạm luật Nhật thuộc quyền tài phán của Nhật hay vấn đề quốc tế”, Jun Tsuruta chia sẻ thêm.

Bất kể phản ứng của Nhật Bản, căng thẳng về quần đảo Senkaku dự kiến ​​sẽ không sớm lắng xuống.

Hôm 1.3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc buông lời thách thức Nhật khi cho biết: "Các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật của các tàu công vụ Trung Quốc trong vùng biển thuộc quần đảo Điếu Ngư là hợp pháp và đúng luật. Những hoạt động như vậy trong lãnh hải Trung Quốc là hợp pháp, không thể chối cãi và sẽ tiếp tục được tiến hành bình thường”.

Ngày 2.3, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản - Toshimitsu Motegi đã chỉ trích những hành động như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế.

Bài liên quan
Đại sứ Nhật Bản: Chỉ 10% người Nhật có thiện cảm với Trung Quốc
Tân đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh đã thúc giục Trung Quốc xem xét lý do khiến nước này có hình ảnh kém đẹp với nhiều người Nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chuyên gia Nhật hiến kế về luật có thể bắn tàu nước ngoài, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thách thức