Một số quan chức các quốc gia trên thế giới đang hoang mang về việc Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Thế giới hoang mang khi ​​Mỹ tràn ngập ca nhiễm và chết do COVID-19, chưa đến hồi kết

26/09/2020, 13:00

Một số quan chức các quốc gia trên thế giới đang hoang mang về việc Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Tổng thống Donald Trump bị nhiều nước chỉ trích vì cách xử lý COVID-19

Mỹ hiện ghi nhận 7.244.184 ca mắc COVID-19 với hơn 208.440 trường hợp tử vong, cao nhất thế giới, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

"Tôi cảm thấy tiếc cho người Mỹ, nhưng chúng tôi không thể giúp Mỹ vì chỉ là nước rất nhỏ”, U Myint Oo, thành viên quốc hội Myanmar nói với tờ The New York Times.

Cuộc khảo sát về thái độ toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) vào mùa hè 2020, xem 13 nước nhìn nhận Mỹ thế nào trong nhiều chủ đề khác nhau, báo cáo rằng hình ảnh của Mỹ đã "giảm mạnh" trên trường quốc tế kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống và rơi xuống mức đặc biệt thấp do việc xử lý đại dịch COVID-19.

13 nước này, trong đó có Canada, Úc và Tây Ban Nha, đánh giá tiêu cực về Mỹ nhất trong năm qua. Theo Pew, họ đặc biệt chỉ trích cách xử lý của Mỹ với đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Pew, ở 13 quốc gia này, chỉ có 15% số người được hỏi cho rằng Mỹ đã làm tốt trong việc đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19. Cao nhất trong số này là Tây Ban Nha với 20% số người được hỏi nói rằng Mỹ đang làm tốt công việc đó.

Một số quan chức nói với tờ The Times rằng họ lo ngại một siêu cường toàn cầu có thể sụp đổ do coronavirus.

Đầu mùa hè này, Liên minh châu Âu lo ngại về sự lây lan của COVID-19 từ người Mỹ đến mức cấm du khách Mỹ.

U Aung Thu Nyein, nhà phân tích chính trị ở Myanmar, nói với The Times: Mỹ là quốc gia thuộc thế giới thứ nhất nhưng nó đang hoạt động như nước thuộc thế giới thứ ba”.

"Thế giới thứ nhất" nói đến các nước dân chủ có nền kinh tế tư bản, trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ và người dân có mức sống cao.

Ngoài ra, trong khi nhiều người nói nước họ đã làm tốt để xử lý sự bùng phát COVID-19, những người ở Mỹ và Vương quốc Anh được hỏi cho rằng họ yếu kém trong khoản này.

Vào tháng 7.2020, The Washington Post đưa tin rằng, khi người Mỹ mất niềm tin vào việc chính phủ đối phó với đại dịch cùng với tình trạng bất ổn xã hội, thế giới cũng bắt đầu "đặt câu hỏi về khao khát hoặc khả năng của Mỹ với vai trò lãnh đạo hợp tác, vào thời điểm xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe, nên cần cam kết hợp tác toàn cầu".

Mike Bradley, Thị trưởng Sarnia, thành phố công nghiệp nằm trên biên giới với tiểu bang Michigan (Mỹ), nói với The Times rằng, chứng kiến ​​những gì đang xảy ra ở Mỹ giống như ​​sự suy tàn của Đế chế La Mã.

Theo The Times, những quan điểm tiêu cực vượt ra ngoài đại dịch COVID-19 nhắm vào Tổng thống Trump cùng chính quyền của ông, những người mà một số chính trị gia và nhà phân tích nước ngoài cho rằng dường như đã bỏ lại các giá trị dân chủ.

Nhiều người lo ngại về các cuộc biểu tình đòi công lý chủng tộc đang diễn ra và những bình luận không chấp nhận kết quả bầu cử của ông Trump do nghi ngại có gian lận trong bỏ phiếu.

Ông Trump từng nói không chấp nhận kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ nếu thất cử vì nghi có gian lận trong bỏ phiếu.

Hôm 23.9, Tổng thống Donald Trump cho biết không cam kết về quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình nếu thất bại trong cuộc bầu cử vào ngày 3.11 tới: "Chúng ta phải xem điều gì sẽ xảy ra. Như bạn đã biết, tôi đã phàn nàn rất nhiều về các lá phiếu. Các lá phiếu không được kiểm soát bằng hình thức này", ông chủ Nhà Trắng cho hay”.

Theo ông Trump, ứng viên đảng Dân chủ - Joe Biden sẽ chỉ thắng cử vào tháng 11 nếu “có sự gian lận trong bỏ phiếu" và cho rằng kết quả cuộc bầu cử có khả năng sẽ phải phân xử ở Tòa án Tối cao.

Hôm 24.9, Thư ký báo chí Nhà Trắng - Kayleigh McEnany nói: “Tổng thống sẽ chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Ông ấy sẽ chấp nhận ý chí của người dân Mỹ” khi được hỏi về những bình luận của ông Trump một ngày trước.

Nhà Trắng đã nhiều lần lập luận rằng việc phân phối hàng loạt các phiếu bầu có thể dẫn đến một kết quả gian lận. Thư ký báo chí Nhà Trắng phản đối hình thức bầu cử qua thư, viện dẫn sự cố về việc thư bị rơi vào một con mương trong cuộc bỏ phiếu sớm ở tiểu bang Wisconsin.

Eduardo Bohórquez, Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế Mexico nói với The Times: “Chúng tôi từng hướng đến Mỹ để tìm nguồn cảm hứng quản trị dân chủ. Đáng buồn thay, điều này không còn nữa".

Yenny Wahid, chính trị gia và nhà hoạt động người Indonesia, nói với The Times rằng cô lo ngại rằng những lời hùng biện của ông Trump làm xói mòn các giá trị dân chủ có thể khuyến khích các nhà độc tài ở những nơi khác học theo.

“Thế giới chứng kiến​ sự phá vỡ gắn kết trong xã hội Mỹ và sự lộn xộn trong việc kiểm soát COVID-19. Có một khoảng trống của lãnh đạo cần được lấp đầy, nhưng Mỹ đang không hoàn thành vai trò lãnh đạo đó", Yenny Wahid nhận xét.

Nhân Hoàng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới hoang mang khi ​​Mỹ tràn ngập ca nhiễm và chết do COVID-19, chưa đến hồi kết