Thể thao Việt Nam (TTVN) là số 1 tại 2 kỳ SEA Games liên tiếp 31, 32, nhưng ở đấu trường ASIAD thì Thái Lan mới là quốc gia khu vực Đông Nam Á có thành tích tốt nhất.

Thể thao Việt Nam: Ảo SEA Games, thật ASIAD, Olympic!

Đặng Hoàng | 09/10/2023, 16:00

Thể thao Việt Nam (TTVN) là số 1 tại 2 kỳ SEA Games liên tiếp 31, 32, nhưng ở đấu trường ASIAD thì Thái Lan mới là quốc gia khu vực Đông Nam Á có thành tích tốt nhất.

Thái Lan (12 HCV, 14 HCB, 32 HCĐ) đứng thứ 8 châu Á tại ASIAD 19. Tính riêng Đông Nam Á, sau Thái Lan là Indonesia (7 HCV, 11 HCB, 18 HCĐ) và tiếp theo là Malaysia, Philippines và Singapore. Trong khi đó, TTVN với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ xếp hạng 21 châu Á và thứ 6 Đông Nam Á.

Điều gì đã xảy ra khi chỉ sau 4 tháng, TTVN từ vị thế số 1 Đông Nam Á đã rơi xuống vị trí thứ 6 ở ASIAD?

Phân tích kỳ SEA Games gần nhất sẽ hiểu hơn do đâu TTVN thắng lớn ở đại hội này nhưng thất bại ở ASIAD (Á vận hội), Olympic (Thế vận hội). Để rồi từ đây chúng ta sẽ không khó tìm ra nguyên nhân TTVN hụt hơi ở ASIAD, Olympic.

“Ảo” SEA Games

Trên sân nhà, TTVN xếp nhất toàn đoàn SEA Games 31 đã đành mà còn giành đến 205 HCV, trong khi Thái Lan là số 1 của Đông Nam Á từ ASIAD đến Olympic chỉ có được 92 HCV.

Qua SEA Games 32 vừa diễn ra tháng 5.2023 tại Campuchia, TTVN tiếp tục là số 1 với 136 HCV, Thái Lan xếp thứ nhì với 108 HCV, còn Indonesia là 87 HCV. Thậm chí, nếu tính theo tổng số huy chương thì vị trí số 1 của đoàn TTVN cũng thuyết phục với 359 huy chương, so với 312 của Thái Lan và 276 của Indonesia.

Người ngoài sẽ bất ngờ và vui mừng trước bước nhảy vọt không ngừng của TTVN, nhưng với người trong cuộc thì hoàn toàn không ngạc nhiên và dĩ nhiên cũng không quá vui. Tại sao?

Có một điểm chung bất di bất dịch ở SEA Games là thành tích của đội chủ nhà luôn vượt trội so với năng lực thật của họ, vì SEA Games có quy định cho phép nước đăng cai được tổ chức các môn truyền thống của quốc gia dù hoàn toàn không phổ biến với thể thao quốc tế. Chính những môn truyền thống này là mỏ vàng của nước chủ nhà, giúp họ cải thiện vị trí đáng kể trên bảng tổng sắp huy chương.

Nhìn lại SEA Gaems 32 kết thúc cuối tháng 5 vừa qua ở Campuchia, sẽ thấy rõ hơn mỏ vàng “môn thể thao truyền thống nước chủ nhà”.

Campuchia đã tổ chức hai môn truyền thống Kun Khmer, Kun Bokator. TTVN đã đoạt 11 HCV ở hai môn này, chỉ sau chủ nhà Campuchia; ngược lại Thái Lan không cử VĐV tranh tài hai nội dung này. Hay như Campuchia tổ chức môn lặn chân vịt thì TTVN đã giành đến 14 HCV, trong khi Thái Lan và Campuchia chỉ có 2 HCV.

Thế nhưng khi Campuchia tổ chức Vovinam - môn truyền thống của Việt Nam - với nội dung kỷ lục đến 30 bộ huy chương, thì TTVN khôn khéo chỉ giành 7 HCV, và chủ nhà Campuchia xếp nhất với 10 HCV. Trong khi Thái Lan chỉ đoạt 5 HCV.

Từ thực tế này, chỉ cần quan hệ tốt với chủ nhà trên tinh thần đôi bên cùng có lợi - không tổ chức các môn thi sở trường hay cắt giảm nội dung thi đấu là thế mạnh của các quốc gia khác; đồng thời phát huy tổ chức các môn truyền thống, thế mạnh của chủ nhà thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến số lượng HCV, qua đó tác động trực tiếp đến vị trí trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games.

Do đó nói thành tích trên cao chót vót của TTVN tại SEA Games là “ảo” cũng không có gì quá sự thật. Đây là thực tế phải chấp nhận, hoàn toàn không phải cái nhìn cũng như cách đánh giá tiêu cực.

TTVN “lạc trôi” ở ASIAD, Olympic

Sẽ có người bảo rằng, nếu tính riêng các môn Olympic thì thành tích của TTVN tại SEA Games 32 là 66 HCV. Con số này hơn hẳn Thái Lan là 50 HCV và Indonesia là 36 HCV. Tuy nhiên đây cũng là thành tích của tầm nhìn ngắn hạn, cách đầu tư chỉ biết mình mà không biết người.

Như ở môn taekwondo, Trần Quang Hạ rồi Hồ Nhất Thống vừa là nhà vô địch SEA Games, vừa đoạt HCV ASIAD 1994, 1998 ở hạng cân 54 và 58kg. Trần Hiếu Ngân cũng là VĐV taekwondo đầu tiên đem về cho TTVN chiếc HCB Olympic 2000. Thế nhưng theo thời gian, taekwondo VN ngày càng sa sút, ngược lại taekwondo Thái Lan ngày càng phát triển và vượt xa VN trên mọi đấu trường.

Hay môn cử tạ, môn duy nhất mà TTVN có huy chương tại 2 kỳ Olympic khác nhau. Đó là chiếc HCB của Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56kg tại Bắc Kinh 2008 và HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn cùng hạng cân tại London 2012. Tuy nhiên trong khi thành tích của các VĐV ngày càng xuống, thì thành tích của các VĐV quốc tế lại lên cao.

Khoanh vùng SEA Games, cụ thể hơn nữa là SEA Games mới nhất 2023, nhìn từ bên ngoài, cử tạ Việt Nam có thành tích khả quan khi giành 4 HCV, gấp đôi so với chỉ tiêu và chỉ xếp sau Indonesia. Tuy nhiên, nếu so theo chuẩn Olympic thì lại khác. Cử tạ Việt Nam đã chiến thắng 4/7 hạng cân dành cho nam nhưng HCV của Lạc Gia Thành (dưới 55kg) và Trần Minh Trí (dưới 67kg) lại không tranh tài tại Olympic 2024. Thành tích của Nguyễn Quốc Toàn (dưới 89kg) và Trần Đình Thắng (trên 89kg) lại kém rất xa chuẩn Olympic. Trong khi đó, Eko Yuli Irawan (Indonesia) giành HCV SEA Games 32 hạng dưới 61kg còn có thành tích nhiều hơn 1kg so với khi đoạt HCB Olympic 2020.

Với cử tạ nữ, các lực sĩ Việt Nam chẳng những không có HCV nào mà ở các nội dung Olympic dưới 49kg, dưới 59kg và dưới 71kg chỉ có 1 HCĐ của Hoàng Thị Duyên (208kg) kém rất xa thành tích có huy chương tại Olympic. Trong khi đó, VĐV đoạt HCV SEA Games là Elreen Ando (Philippines) đã phá kỷ lục với 216kg và thành tích đó đủ khả năng tranh chấp huy chương Thế vận hội.

Tình hình tương tự như thế đối với TTVN ở các môn khác được đưa vào nội dung thi đấu chính thức Olympic như điền kinh, bơi lội, quyền Anh, xe đạp, đấu kiếm, judo, đua thuyền…

Riêng bắn súng, môn thể thao đã giúp cho TTVN có được HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh hay mới đây nhất là HCV ASIAD 19 của Phạm Quang Huy lại là môn thể thao đặc thù, tốn kém mà chỉ có các VĐV dạng chuyên nghiệp mới tiếp xúc được. Để lặp lại thành công như Xuân Vinh có lẽ cần thêm yếu tố may mắn chứ không chỉ khổ luyện. Bằng chứng là một năm sau, Xuân Vinh không giành được bất kỳ huy chương nào tại SEA Games.

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến chi tiết rất quan trọng, đó là nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy là con trai của cựu tuyển thủ quốc gia bắn súng Việt Nam Phạm Cao Sơn. Có nghĩa là Huy được tiếp cận với môn bắn súng rất sớm, và thành tích có được không chỉ nhờ năng khiếu mà còn vì có điều kiện tiếp cận khi có cha là tay súng tên tuổi của VN.

Nói dễ hiểu hơn, bắn súng tuy là môn thể thao chính thống, nhưng không thể phổ cập do tính chất đặc thù của môn thể thao này.

***

TTVN vẫn còn hào hứng với thành tích của những môn truyền thống giúp thay đổi vị thế ở SEA Games, rồi vẫn là điệp khúc xin lỗi, rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại ở ASIAD, Olympic. 

Đã từ lâu, từ các chuyên gia cho đến truyền thông Việt Nam đã nhiều lần phản ánh, nhận định và góp ý cho ngành TTVN nên định hướng lại tầm nhìn, chiến lược phát triển thể thao đỉnh cao cho từng đấu trường SEA Games, ASIAD, Olympic. 

TTVN cần đầu tư trọng điểm; lên kế hoạch dài hạn để phát triển những môn thế mạnh; xác định đâu là nội dung cần nhà đầu tư mà chưa kêu gọi được xã hội hóa… có như thế chúng ta mới cải thiện được tình trạng hụt hơi ở ASIAD, Olympic như hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thể thao Việt Nam: Ảo SEA Games, thật ASIAD, Olympic!