Sau thời gian dài trông ngóng, phương án thi THPT năm 2020 cũng đã được chốt lại, tuy nhiên điều này khiến không ít phụ huynh và học sinh lo lắng. Đại diện Bộ GD-ĐT đã lên tiếng cụ thể hơn về vấn đề này.

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Học sinh và các trường loay hoay với phương án thi mới

24/04/2020, 13:10

Sau thời gian dài trông ngóng, phương án thi THPT năm 2020 cũng đã được chốt lại, tuy nhiên điều này khiến không ít phụ huynh và học sinh lo lắng. Đại diện Bộ GD-ĐT đã lên tiếng cụ thể hơn về vấn đề này.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ sớm có đề thi minh họa kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 nhằm giúp thí sinh ôn luyện hiệu quả

Học sinh bất ngờ khi Bộ GD-ĐT thay đổi phương án thi và tuyển sinh

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, với kỳ thi này thí sinh vẫn được dự thi tại địa phương và ngay tại ngôi trường mà mình đang theo học. Điều này không có sự khác biệt so với kỳ thi THPT quốc gia của những năm trước. Về phía đề thi vẫn thi các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Đối với bài thi tổ hợp tự chọn, điểm mới so với những năm trước đây là đưa về một đầu điểm duy nhất thay vì tách ra các điểm thành phần.

Tuy nhiên đi ngược lại với sự trấn an này, khá nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên đều khá hoang mang chưa biết hướng dẫn cho các học sinh học theo kiểu gì cho kịp với lộ trình được đặt ra mà không hề có chuẩn bị trước. Thậm chí nhiều phụ huynh, học sinh còn bày tỏ sư bất ngờ, bị động khi kỳ thi có sự thay đổi, và nỗi bất an về tính công bằng của kỳ thi khi được giao về cho địa phương khi chỉ cách đây chưa đầy 2 năm, hàng loạt các tiêu cực đến từ các địa phương đã xảy ra.

Trao đổi với phóng viên, cô giáo Nhân Mỹ trường THPT Đào Duy Từ (Thanh Hóa) cho biết, bản thân các giáo viên cũng khá hoang mang khi tới tối 22.4, Bộ GD-ĐT mới chính thức chốt phương án thì THPT cũng như thi ĐH, CĐ, điều này khiến các giáo viên phải thay đổi lại giáo án dạy học của mình để hướng dẫn cho các học sinh học cụ thể hơn.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết: "Giữa lúc học sinh vẫn đang không đến được trường do dịch COVID-19 thì việc thay đổi phương án thi vào thời điểm này khiến giáo viên, phụ huynh, học sinh đều hoang mang hơn. Áp lực không phải chỉ là vẫn có một kỳ thi đủ 5 bài thi với 9 môn học, mỗi học sinh lớp 12 để xét tốt nghiệp sẽ phải dự thi 4 bài gồm 6 môn, mà còn ở chỗ học sinh lớp 12 năm nay sẽ phải tham dự ít nhất 2 kỳ thi/xét tuyển để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Trong khi ở thời điểm hiện tại các phương thức tuyển sinh đều chưa rõ ràng. Học sinh không có đủ thời gian để chuẩn bị cho thay đổi này."

Còn học sinh Trần Hoàng Ái Nhi - Trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội thì cho rằng việc học trực tuyến hay học trên truyền hình thời gian qua hoàn toàn không có hiệu quả. Hiện nay, sau khi nghe xong Bộ GD-ĐT chốt phương án thi thì chúng em phải ôn lại toàn bộ các kiến thức của tất cả các môn từ học kỳ 1. Kỳ thi tốt nghiệp chỉ nên có 3 bài thi toán, văn, ngoại ngữ là đủ. Cái này khiến chúng em gia tăng áp lực chứ không phải là giảm áp lực, em vẫn muốn thi 3 môn chủ chốt theo ngành học của mình vì theo em nghĩ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nào cũng gần như đạt tuyệt đối thì cần gì phải tổ chức. Chưa kể các học sinh tự do sẽ phải thi như thế nào”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ gồm 3 bài thi bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; căn bản giống hoàn toàn kỳ thi các năm trước

Các trường đa số lựa chọn phương án sử dụng kết quả thi THPT 2020 để tuyển sinh

Để trấn an học sinh, phụ huynh cũng như các thầy cô giáo về vấn đề thay đổi kỳ thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức là để đánh giá mặt bằng chung của giáo dục phổ thông toàn quốc. Kỳ thi tổ chức với phương thức như đã nói cũng là cơ sở để làm căn cứ để chúng ta phân loại, đánh giá chất lượng dạy, học giữa các trường trong từng địa phương và giữa các địa phương với nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cuối cùng ở bậc phổ thông. Việc tổ chức một Kỳ thi để đánh giá chất lượng của giáo dục phổ thông là cần thiết, tạo động lực học tập tích cực cho học sinh.

"Các kiến thức trong đề thi sẽ được tinh giản lại, mức độ của đề thi cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng nhẹ hơn để phù hợp với mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đáp ứng chuẩn đầu ra như đã công bố. Và Bộ sẽ sớm công bố đề thi minh họa cho các giáo viên và học sinh học tập và ôn luyện. Việc giao kỳ thi cho địa phương sẽ gắn liền với tinh thần và trách nhiệm. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sẽ phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về sự an toàn, nghiêm túc của kỳ thi tại địa phương mình. Còn về thí sinh tự do, các em vẫn có quyền bảo lưu kết quả của năm trước hoặc các em muốn dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có thể đăng ký và tham gia tuyển sinh vào trường và trường sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Ngay sau khi quy chế tuyển sinh được hoàn thiện theo quyết định của Thủ tướng thì điều này sẽ được làm rõ trong đề án tuyển sinh riêng của mỗi trường".

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường Kinh tế quốc dân cho biết nhà trường sẽ không tổ chức kỳ thi riêng mà sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển ĐH chính quy. Ông Triệu cho rằng, các trường hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH. Kết quả điểm của thí sinh vẫn cùng mặt bằng chung, do đó vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng. Việc các trường tổ chức thi riêng không giải quyết được nhiều vấn đề.

TS Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y dược Hải Phòng cho biết, đến thời điểm này, trường chưa thể đưa ra quyết định chính thức cuối cùng về phương án tuyển sinh năm 2020. Trong tuần này, ĐH Y dược Hải Phòng cùng các trường ĐH khác khối ngành sức khỏe sẽ cùng ngồi lại để thống nhất phương án tuyển sinh ra sao. Nếu làm đơn phương sẽ không có hiệu quả, nên cần sự liên kết giữa các trường trong cùng ngành hoặc sử dụng kết quả thi THPT năm 2020 để xét tuyển, bởi dù đề thi năm nay có thể giảm độ khó, nhưng nếu vẫn đảm bảo khó ở mức tương đối, có tính phân loại sinh viên khá giỏi, thì trường vẫn có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Học sinh và các trường loay hoay với phương án thi mới