Cơ quan quản lý y tế Mỹ cho phép tiêm vắc xin đậu mùa khỉ trong da ở người lớn, nghĩa là giữa các lớp da chứ không phải dưới da, trong nỗ lực kéo dài nguồn cung cấp vắc xin thấp.

Thiếu hụt vắc xin đậu mùa khỉ, Mỹ dùng cách tiêm mới tăng liều lượng gấp 5 lần

Sơn Vân | 10/08/2022, 09:13

Cơ quan quản lý y tế Mỹ cho phép tiêm vắc xin đậu mùa khỉ trong da ở người lớn, nghĩa là giữa các lớp da chứ không phải dưới da, trong nỗ lực kéo dài nguồn cung cấp vắc xin thấp.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo tin này hôm 9.8.

Các quan chức y tế cho biết tại một cuộc họp tại Nhà Trắng rằng, việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin đậu mùa khỉ Jynneos của hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch) theo phương pháp này sẽ tăng liều lượng có sẵn lên gấp 5 lần. Lý do vì chỉ sử dụng một phần nhỏ liều lượng vắc xin để tiêm nhưng mang lại hiệu quả bảo vệ như nhau.

Sự cấp phép của FDA được đưa ra sau khi Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng để tăng cường phản ứng chống lại sự bùng phát dịch.

Jynneos đã được phê duyệt vào năm 2019 để ngăn ngừa bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ ở người lớn có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên. Theo sự chấp thuận ban đầu của FDA, Jynneos được tiêm dưới da qua hai liều.

FDA cho biết vẫn cần hai liều Jynneos cách nhau 4 tuần với phương pháp tiêm trong da.

Sự chấp thuận của FDA cũng cho phép những người dưới 18 tuổi được chủng ngừa bằng cách tiêm Jynneos dưới da nếu họ được xác định có nguy cơ nhiễm bệnh đậu khỉ cao. FDA vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp này cho trẻ em vì dễ thực hiện hơn.

Đến nay, 80 quốc gia đã báo cáo tổng cộng 26.500 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, theo một thống kê của hãng tin Reuters.

Đã có 8.900 ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Mỹ kể từ khi trường hợp đầu tiên xuất hiện ngày 18.5, theo ông Xavier Becerra - Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Việc sử dụng vắc xin đậu mùa khỉ yêu cầu một loại kim khác với cách tiêm vắc xin hiện tại và tương tự như xét nghiệm phản ứng lao tố (hoặc PPD) hoặc xét nghiệm dị ứng trong da.

Bà Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này sẽ cung cấp thông tin và tài liệu giáo dục nhằm đào tạo các nhân viên cùng nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về cách tiêm vắc xin đậu mùa khỉ trong da.

Đến nay, chính quyền Biden đã phân phối hơn 620.000 liều vắc xin đậu mùa khỉ, Xavier Becerra cho biết.

Dawn O'Connell, trợ lý thư ký về sự chuẩn bị và ứng phó của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cho biết hiện còn 441.000 lọ vắc xin đậu mùa khỉ nên sẽ có hơn 2,2 triệu liều nếu tiêm theo phương pháp mới.

thieu-hut-vac-xin-dau-mua-khi-my-dung-cach-tiem-moi-tang-lieu-luong-gap-5-lan-.jpg
Mỹ dùng cách tiêm vắc xin đậu mùa khỉ trong da thay vì dưới da để tăng liều lượng gấp 5 lần 

Tờ Financial Times đưa tin Anh sẽ hết vắc xin đậu mùa khỉ trong khoảng 2-3 tuần nữa vì nước này chỉ còn hơn 8.300 liều.

Báo cáo cho biết thêm, các lô của đơn đặt hàng 100.000 liều đậu mùa khỉ mới sẽ không được tiếp tục giao cho đến cuối tháng 9.2022, trích dẫn một lá thư nội bộ của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).

"NHS đã nhanh chóng xây dựng khả năng cung cấp vắc xin đậu mùa khỉ cho những người đủ điều kiện theo hướng dẫn của UKHSA (Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh) và trong khi nguồn cung đang bị hạn chế nghiêm trọng, NHS dự kiến ​​sẽ nhận được nhiều liều hơn trong những tuần tới", một phát ngôn viên của NHS nói với Reuters.

Tiến sĩ Mary Ramsay, Giám đốc Chương trình Lâm sàng tại UKHSA, cho biết: “Sự bùng phát dịch đột ngột trên toàn cầu gần đây đã gây ra sự gia tăng lớn về nhu cầu với những nguồn dự trữ vắc xin hạn chế này trên toàn thế giới”.

Tuần trước, UKHSA nói đã có "những dấu hiệu ban đầu" cho thấy dịch đậu mùa khỉ đang bùng phát trên khắp Vương quốc Anh nhưng sự mở rộng của nó đã chậm lại.

Vào tháng 6.2022, các nhà chức trách Anh đã khuyến cáo những người đàn ông đồng tính và lưỡng tính có nguy cơ tiếp xúc với bệnh đậu khỉ cao hơn nên được tiêm vắc xin, khi sự bùng phát dịch bệnh này chủ yếu tập trung ở châu Âu.

Đã có 2.768 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận ở Vương quốc Anh tính đến ngày 4.8, bao gồm 2.639 trường hợp ở Anh, 67 trường hợp ở Scotland, 25 trường hợp ở Bắc Ireland và 37 trường hợp ở xứ Wales.

Tháng trước, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đáng lo ngại”, mức báo động cao nhất của tổ chức này. Mỹ cũng đã tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tuần trước.

Nơi bệnh đậu mùa khỉ không tập trung ở những người đồng tính nam

Các chuyên gia từ WHO và CDC châu Phi cho biết các đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở lục địa đen không tập trung ở những người đồng tính nam, không giống các khu vực khác trên thế giới.

WHO cho biết sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu ở nam giới có quan hệ tình dục đồng tính.

Thế nhưng ở châu Phi, nơi các đợt bùng phát nhiều lần đã được ghi nhận từ những năm 1970, mô hình lây truyền lại khác, các chuyên gia cho biết.

Trả lời các câu hỏi về bệnh đậu mùa khỉ tại cuộc họp báo do văn phòng khu vực của WHO ở châu Phi tổ chức, nhà dịch tễ học Otim Patrick Ramadan cho biết: “Hiện tại trong số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ của chúng tôi thì 60% (350 ca) là nam giới, 40% là phụ nữ”.

Ông nói rằng hơn 80% ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi là ở các quốc gia từng xảy ra sự lây truyền trước đây và thông thường người dân ban đầu bị phơi nhiễm vi rút qua tiếp xúc với động vật mang bệnh trước khi truyền sang các thành viên trong gia đình.

Ông nói thêm rằng phụ nữ thường chăm sóc người bệnh tại nhà. Đây là một trong những yếu tố làm lây lan bệnh cho họ.

Tiến sĩ Ahmed Ogwell Ouma, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, nói với một cuộc họp báo trên các phương tiện truyền thông rằng không có bằng chứng cho thấy sự lây truyền giữa những người đồng tính nam là yếu tố cụ thể trong các đợt bùng phát dịch bệnh ở châu lục này.

Ông cho hay: “Chúng tôi đã thu thập dữ liệu về bệnh đậu mùa khỉ từ năm 1970 và chỉ số cụ thể, nam giới quan hệ tình dục đồng tính chưa bao giờ trở thành vấn đề nghiêm trọng ở châu Phi”.

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc gần và có xu hướng gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm cùng các tổn thương ở da.

Các cơ quan y tế công cộng đã nhấn mạnh rằng dù tại nhiều quốc gia, các đợt bùng phát tập trung ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng tính, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm vi rút khi tiếp xúc gần lâu hoặc từ dịch trên các vật dụng như giường hoặc khăn tắm.

Theo WHO, phần lớn các trường hợp trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ gần đây ngoài châu Phi là ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.

Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 27.7 khuyến cáo các thành viên của cộng đồng tránh nhiễm vi rút bằng cách giảm số lượng bạn tình và xem xét lại trước khi quan hệ tình dục với bạn tình mới.

Bài liên quan
Nhà khoa học hàng đầu nói về khả năng bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch ở Trung Quốc
Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở Trung Quốc, nhưng vụ bùng phát dịch quy mô lớn khó có thể xảy ra, theo một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu hụt vắc xin đậu mùa khỉ, Mỹ dùng cách tiêm mới tăng liều lượng gấp 5 lần