Trước kia, các tỉnh cạnh tranh nhau thu hút FDI gần như “bằng mọi giá”, thì bây giờ có vẻ như điều này đang được thay đổi. Chúng ta đã bắt đầu có sự lựa chọn và xem xét và thậm chí từ chối các dự án đầu tư nước ngoài không phù hợp”, ông Thịnh nói.
Đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bởi mức đóng góp của khu vực này ngày càng tăng, từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017 (chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 17% tổng thu ngân sách nhà nước).
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới trong năm 2018 phần tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 35,46 tỉ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Đặc biệt, vốn giải ngân năm nay của các dự án FDI đã đạt 19,1 tỉ USD, tăng 9,1% so với năm 2017, mặc dù vốn đăng ký giảm. Tính đến nay, có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 62,5 tỉ USD; tiếp theo là Nhật Bản và Singapore.
Các nhà đầu tư đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 195,3 tỉ USD, chiếm 57,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 57,9 tỉ USD (chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 23 tỉ USD (chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư).
Nhiều địa phương đã “biết” từ chối dự án FDI
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, Việt Nam đã có những thay đổi về chất trong thu hút vốn FDI. Điển hình là việc thu hút nguồn vốn FDI năm 2018 giảm so với các năm trước, nhưng vốn giải ngân lại cao.
Trong đó, một tín hiệu đáng quan tâm là các dự án ở lĩnh vực như thành phố thông minh, phát triển công nghệ cao… đã tăng lên. Điều này theo ông Thịnh là phù hợp với định hướng của Việt Nam là phát triển công nghệ thông minh, công nghệ cao, tạo ra sự phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường…
“Đây là điều đáng mừng vì vốn giải ngân mới là vốn thực họ bỏ ra và nó đi vào nền kinh tế. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài khi vào nước ta đã có tính toán kĩ hơn”, ông Thịnh nói.
Một điều ông Thịnh cũng đánh giá là rất tích cực là năm qua, có nhiều địa phương đã từ chối các dự án FDI tương đối lớn, ví dụ như ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc… Một số địa phương từ chối các dự án vì không phù hợp với quy hoạch chung hay sự phát triển của đất nước như nhiệt điện, bột giấy... Năm 2016 đã xuất hiện lẻ tẻ việc từ chối các dự án này, nhưng chỉ đến 2018 thì việc từ chối dự án FDI của năm 2018 mới rõ ràng hơn.
“Qua đó cho thấy, suy nghĩ về việc cạnh tranh thu hút FDI của các tỉnh đã có sự thay đổi. Trước kia, các tỉnh cạnh tranh nhau thu hút FDI gần như bằng mọi giá, sẵn sàng tăng các ưu đãi, hạ thấp thuế, tiền thuê đất… thì bây giờ có vẻ như điều này đang được thay đổi. Chúng ta đã bắt đầu có sự lựa chọn và xem xét các dự án đầu tư nước ngoài vì lợi ích chung của nền kinh tế”, ông Thịnh nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng đây là một trong những chuyển biến rất rõ của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư từ trung ương đến địa phương. Với nhận thức đó, Việt Nam sẽ dần loại bỏ được các dự án không phù hợp với thời kỳ phát triển kinh tế mới.
Lo ngại vốn Trung Quốc
Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, các hoạt động đầu tư phía Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng lên nhanh, cả trực tiếp và gián tiếp. Đặc biệt là vài năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc mua cổ phần các doanh nghiệp Việt diễn ra nhiều, với lượng vốn lớn.
Tuy nhiên, mối lo là chất lượng vốn FDI và công nghệ của Trung Quốc không cao. Sau một thời kỳ tăng trưởng nóng, Trung Quốc đã phải chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nặng nề. Do đó, ở ngay trong đất nước Trung Quốc đang có trào lưu thay thế các công nghệ cũ, ô nhiễm.
Một số ngành sản xuất hàm lượng công nghệ thấp, tập trung nhiều lao động từng một thời đóng vai trò quan trọng trong ngành chế tạo của Trung Quốc như dệt may, sản xuất thiết bị điện giá rẻ đã bắt đầu chuyển dời sang các nước khác ở châu Á như Campuchia, Myanmar, Bangladesh và Việt Nam.
Hơn nữa, khi Trung Quốc thay thế công nghiệp lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường, các thiết bị công nghiệp lạc hậu, thải loại sẽ được đẩy sang các nước khác. Các nước gần gũi về địa lý như Campuchia và Việt Nam sẽ là những điểm đến lý tưởng. Việc Việt Nam thiếu các tiêu chí phân loại công nghệ nhập khẩu dễ dẫn đến nguy cơ tăng nhập khẩu những mặt hàng này.
Theo ông Thịnh, trong hội nhập quốc tế, Việt Nam không thể công khai từ chối đích danh tất cả các dự án từ Trung Quốc hay một quốc gia nào khác. Thay vào đó, để hạn chế công nghệ lạc hậu chỉ có thể nâng cao tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng máy móc nhập khẩu.
“Nếu Việt Nam không chặt chẽ trong vấn đề kiểm định các công ty FDI kém chất lượng thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc thu hút các doanh nghiệp FDI chất lượng cao. Lý do là cùng sản xuất như nhau nhưng một doanh nghiệp bớt đi được chi phí bảo vệ môi trường sẽ có lợi thế hơn”, ông Thịnh nói.
Điều này, theo ông Thịnh cũng tương tự như việc các đoàn du khách 0 đồng của Trung Quốc, họ đến du lịch nhưng không chi tiêu gì ở các cửa hàng của Việt Nam, trong khi họ gây ồn ào, xả rác… thì các du khách nghiêm túc khác cũng sẽ ngại đến những điểm du lịch đó.
Lam Thanh