Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2020 giảm ở cả ba khu vực kinh tế.

Thu nhập bình quân của người lao động giảm ở cả 3 khu vực kinh tế

Lam Thanh | 06/01/2021, 13:59

Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2020 giảm ở cả ba khu vực kinh tế.

Tỷ lệ lao động phi chính thức tăng cao

Theo báo cáo tình hình lao động việc làm quý 4 và năm 2020, Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức.

nguoi-lao-dong.jpg
Thu nhập của người lao động bị giảm

Trong quý 4/2020, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là gần 54,0 triệu người, giảm 945 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 17,6 triệu người, giảm 90,2 nghìn người; ở khu vực nông thôn là 35,9 triệu người, giảm 854,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù số lao động có việc làm quý 4/2020 tăng mạnh so với 2 quý trước nhưng do sự giảm sâu của lực lượng này trong quý 2 đã khiến số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế tính chung cả năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với năm 2019 (tương ứng giảm 2,36%). Biến động này hoàn toàn trái ngược với xu hướng tăng việc làm hàng năm giai đoạn 2010-2019.

Trong giai đoạn này, số lao động có việc làm liên tục tăng qua các năm, bình quân mỗi năm tăng hơn 600 nghìn người. Mức giảm lao động có việc làm trong năm 2020 là điều chưa từng xảy ra trong suốt một thập kỷ qua.

Trong số 1,3 triệu người bị đẩy vào tình trạng không có việc làm nói trên, có 51,6% người là phụ nữ và đa phần họ đang ở trong độ tuổi lao động (76,2%).

Tính chung cả năm 2020, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,3 triệu người, tăng 119,1 nghìn người, số lao động có việc làm chính thức là 15,8 triệu người giảm 21,1 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức năm 2020 là 56,2%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Tình trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây.

Đại dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động (cắt giảm, nghỉ luân phiên,…), tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động.

Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm.

Rõ ràng, đại dịch COVID đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững.

Thu nhập người lao động giảm

Đại dịch COVID-19 không chỉ tước đi cơ hội có việc làm chính thức của nhiều người lao động mà còn khiến họ rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Tuy nhiên tình trạng này đã được cải thiện trong quý 4/2020.

So với năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2020 giảm ở cả ba khu vực kinh tế.

Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý 4/2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212 nghìn đồng so với quý trước và giảm 108 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Thông thường, nếu không có cú sốc COVID-19, thu nhập của người lao động quý 4 tăng khá cao so với các quý khác. Quý 4/2019, thu nhập của người lao động là 5,8 triệu đồng, cao hơn quý 3/2019 hơn 200 nghìn đồng và cao nhất so với các quý trong năm.

Năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 4 không những không duy trì được mức tăng trưởng như mọi năm mà còn giảm khá mạnh so với quý 1 và cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128 nghìn đồng).

Thu nhập của lao động ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất, giảm 215 nghìn đồng; tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 156 nghìn đồng. Mức giảm thu nhập của lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng là thấp nhất, giảm 100 nghìn đồng/người/tháng.

Lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác

Theo cơ quan này, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2018-2019 dao động ở mức 4,0%. Tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta, chiếm 4,6% vào quý 1 và tăng lên mức 5,8% vào quý 2.

Khi các hoạt động kinh tế – xã hội dần được khôi phục vào 6 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 5,3% vào quý 3 và còn 4,3 % vào quý 4. Tính chung năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 5,02%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng hơn 614 nghìn người.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng năm 2020 của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (5,5% so với 4,8%), của lao động nữ cao hơn lao động nam (5,5% so với 4,6%). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi (56,5%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36,6%.

“Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ và trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện, việc tận dụng nhóm lao động này càng trở nên hạn chế”, Tổng cục Thống kê nêu.

Cơ quan thống kê cũng cho rằng thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới.

Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu nhập bình quân của người lao động giảm ở cả 3 khu vực kinh tế