Ngành thủy sản phản ảnh hiện TP.HCM đang thu rất nhiều khoản phí liên quan đến xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng nhưng thành phố lại chưa công khai, minh bạch về việc sử dụng, song vẫn "thúc" doanh nghiệp nộp thêm.

Thu phí chồng phí nhưng TP.HCM chưa minh bạch khoản nào!

Tuyết Nhung | 11/05/2021, 14:07

Ngành thủy sản phản ảnh hiện TP.HCM đang thu rất nhiều khoản phí liên quan đến xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng nhưng thành phố lại chưa công khai, minh bạch về việc sử dụng, song vẫn "thúc" doanh nghiệp nộp thêm.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kiến nghị TP.HCM xem xét điều chỉnh mức thu và công khai các loại phí. Hiệp hội cho biết, hiện nay có hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu đang tập trung tại các cảng biển của TP.HCM.

Kể từ khi Hội đồng nhân dân thành phố này thông qua nghị quyết về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển thì phí càng thêm chồng phí, đè nặng lên các doanh nghiệp. Điều này cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng vì dịch COVID-19.

tp.hcm-cang-cat-lai(1).bmp
Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu đang tập trung tại các cảng biển của TP.HCM - Ảnh: Internet

VASEP cho biết đã kiến nghị Bộ Tư pháp báo cáo và đề nghị Chính phủ có ý kiến với Hội đồng nhân dân và UBND TP.HCM xem xét không thu các loại phí trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ít nhất là cho đến ngày 31.12.2021. Đồng thời điều chỉnh mức thu giảm xuống theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp chính cho ngân sách TP.HCM.

Đặc biệt, TP.HCM cần công khai, minh bạch cụ thể các khoản thu chi như thế nào vào các công trình cụ thể nào, không sử dụng ngân sách thu từ các khoản này vào các hoạt động, các công trình không phục vụ hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu tại các cảng biển của các doanh nghiệp.

Theo VASEP, tại các cửa khẩu, cảng biển hiện đã áp mức thu phí cao: 2,2 triệu đồng/cont 20ft; 4,4 triệu đồng/cont 40ft hàng khô đối với hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu; 500.000 đồng/cont 20ft và 1,1 triệu đồng/cont 40ft hàng khô; 30.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container với hàng nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM và 250.000 đồng/cont 20ft hàng khô; 500.000 đồng/cont 40ft hàng khô và 15.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM.

VASEP cho rằng, việc thu phí này đang tạo ra nhiều điều bất hợp lý do phí chồng phí. Theo TP.HCM, mức thu phí này nhằm bảo trì và mở rộng đường bộ, xây dựng cầu, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông... Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, với mức phí này, hiện nay các doanh nghiệp đang phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như các phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT... Chỉ tính riêng phí BOT, hiện nay các doanh nghiệp đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.

Ví dụ, hiện nay từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP.HCM) đã có tới 7 trạm thu phí BOT. Mỗi container phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về. Như vậy, tổng mức đóng phí qua 1 trạm là 360.000 đồng/cont. Theo đó, 1 container hàng doanh nghiệp hiện đã trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng/cont.

Như vậy, trung bình một năm doanh nghiệp thủy sản ở Khánh hòa với 3.000 cont. xuất khẩu/năm thì đã phải trả thêm 7,5 tỉ đồng/năm tiền phí trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí mới này, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP.HCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỉ đồng/năm.

Tuy nhiên, đến nay, TP.HCM chưa có thông báo công khai và minh bạch nào về việc sử dụng các mức phí này cho những công trình cụ thể nào nhưng lại đang yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm các phí về xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, hiện tại các cảng biển đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng rồi như phí cầu tàu, phí lưu cont, phí lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ cont... Các khoản phí mới này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cho rằng việc gia tăng thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính cũng là điều đi ngược với chủ trương chung của Chính phủ là thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Việc gia tăng thủ tục hành chính cũng chưa phù hợp khi doanh nghiệp đang phải trả rất nhiều loại chi phí phục vụ cho mục tiêu xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng của các địa phương", đại diện VASEP nhấn mạnh.

Bài liên quan
Hàng không tăng phí lúc dịch, giá vé máy bay giảm chỉ là ảo?
Từ ngày 9.5 tới, các hãng hàng không sẽ đồng loạt tăng phí quản trị hệ thống thêm từ 90.000 - 100.000 đồng/chặng bay. Câu chuyện "giá vé giảm, phí tăng thêm" lúc dịch COVID-19 lại khiến nhiều người thắc mắc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu phí chồng phí nhưng TP.HCM chưa minh bạch khoản nào!