PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng ý tưởng thu phí ô tô vào nội đô là hợp lý, nhưng muốn thực hiện cần phải có hệ thống vận tải công cộng thuận lợi; đồng thời phải làm rõ bài toán kinh tế trong việc xây dựng, vận hành trạm, cách sử dụng tiền thu được.

Thu phí ô tô vào nội đô, chuyên gia nói thời điểm này chưa thích hợp

Hoài Lam | 02/11/2021, 12:57

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng ý tưởng thu phí ô tô vào nội đô là hợp lý, nhưng muốn thực hiện cần phải có hệ thống vận tải công cộng thuận lợi; đồng thời phải làm rõ bài toán kinh tế trong việc xây dựng, vận hành trạm, cách sử dụng tiền thu được.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội vừa phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng xong phương án 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô.

Mục tiêu của đề án là để giảm ôtô đi vào nội đô Hà Nội nhằm giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí khoảng 2.646 tỉ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác.

thu-phi.jpg
Các vị trí dự kiến lập trạm thu phí

Trả lời báo chí, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết dự kiến khung mức thu phí được tính trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí, lưu lượng xe.

Mức thu phí thấp nhất để bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng mỗi lượt. Tuy nhiên, với nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông và căn cứ vào mức chi trả của người dân hiện nay (phí trông giữ xe ô tô khoảng 50.000 đến 100.000 đồng), đề án đưa ra mức phí cao nhất 100.000 mỗi lượt.

"Mức phí này nhằm tác động đến người sử dụng phương tiện, không đi vào khu vực thu phí nếu không cần thiết", ông Viện lý giải và thông tin thêm khung mức phí trên được đề xuất làm căn cứ sau này xây dựng dự án. Mức phí cụ thể sẽ được xác định khi thực hiện dự án với phương án thu chi cụ thể cũng như tính toán số lượng phương tiện.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng một số quốc gia cũng thu phí xe vào khu vực trung tâm. Việc này vừa điều tiết lưu lượng phương tiện trong thành phố vừa đảm bảo được các yêu cầu về quản lý đô thị, giảm khí thải, giảm ách tắc. Đây là xu hướng chung.

Với Việt Nam, ông Thịnh cho rằng việc nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp thu phí là cần thiết nhưng cần phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng và quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo ông Thịnh, người dân cần vào nội thành để làm việc, mỗi lần đi ra đi vào đều mất phí. Đối với người đi làm thì mức phí họ phải chịu khá cao. Trong khi mục tiêu giảm lưu lượng xe không đạt được vì công việc là bắt buộc, nên phí cao người dân cũng vẫn phải đi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và thu nhập của người dân nên cần xem xét.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho rằng cần tính toán kỹ việc sử dụng nguồn thu phí xe ô tô được sử dụng thế nào. Theo đó, cần thiết phải tính toán hiệu quả kinh tế từ việc xây dựng, vận hành trạm thu phí, việc sử dụng nguồn thu đó thế nào. Nếu nguồn thu chỉ đủ duy trì trạm thì không nên xây dựng trạm.

thu-phi-2.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

“Hiện nay hệ thống vận tải công cộng cũng chưa tiện dụng để người dân có thể lựa chọn. Như vậy, hiện thu phí ô tô nhưng người dân vẫn phải chấp nhận đóng phí vì họ không có lựa chọn nào khác. Muốn thu phí không chỉ tính toán kỹ lưỡng bài toán kinh tế mà còn cần phát triển giao thông công cộng thuận lợi”, ông Thịnh nói và cho rằng ý tưởng giảm ùn tắc, giảm khí thải là tốt, nhưng cần tính toán đầy đủ, cẩn trọng và phải đảm bảo điều kiện di chuyển cho người dân thì hãy áp dụng.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng với các đô thị lớn, hạ tầng không đáp ứng yêu cầu, giao thông bị quá tải thì đề xuất thu phí ô tô vào nội thành là hợp lý, nhưng điều quan trọng là triển khai trong bối cảnh nào.

“Ví dụ khi thu phí như thế, chúng ta phải phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng để cho người dân lựa chọn phương án tốt hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp, người dân đang chịu chi phí rất lớn nên phải cân nhắc trong ngắn hạn. Nhưng về mặt lâu dài, chủ trương thu phí ô tô vào nội thành phải thực hiện”, ông Hoàng Văn Cường cho hay.

Về mức phí theo đề xuất của đơn vị tư vấn tối đa 60.000 đồng, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết mức giá này rất khó bình luận. Lý do là để hình thành mức giá như vậy cơ quan chức năng phải nghiên cứu rất kỹ, trên cơ sở đánh giá, so sánh mức chi phí, lợi ích giữa việc sử dụng phương tiện cá nhân với sử dụng phương tiện công cộng.

“Rõ ràng một điều rằng khi chúng ta có hệ thống phương tiện công cộng để lựa chọn nhưng anh cứ dùng phương tiện cá nhân để đi, như vậy anh phải trả tiền, trả tiền lợi ích chi phí. Số tiền đó phải được dùng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công cộng”, ông Cường nói.

“Nếu người lao động không có thu nhập cao, đương nhiên họ sẽ không có ô tô. Cũng không phải vì 60.000 đồng đấy mà họ dịch chuyển vào nội đô. Lý do là những khu vực này đã đáp ứng phương tiện công cộng cho người dân, nên không bị ảnh hưởng bởi phương án thu phí. Nếu bây giờ cứ chặn đường, bất kể người nào cũng thu phí, kể cả xe máy, xe đạp đi qua cũng thu phí thì khi ấy sẽ cản trở toàn bộ các đối tượng tham gia giao thông, như vậy là chưa phù hợp”, đại biểu Cường cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu phí ô tô vào nội đô, chuyên gia nói thời điểm này chưa thích hợp