Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói với Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 2.11, rằng ông muốn Mỹ-Hàn-Nhật chung tay duy trì hòa bình trên biển Đông.
Ông Abe, đã nhiều lần thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, vì vùng biển này là tuyến chuyển hàng hóa và cung cấp nguyên liệu cho nền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Ông ấy (Thủ tướng Abe) cho biết Nhật Bản muốn hợp tác với Hàn Quốc và Mỹ để bảo đảm vùng biển mở, tự do và hòa bình", Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Koichi Hagiuda cho biết thông tin ông Abe muốn Mỹ-Hàn-Nhật chung tay duy trì hòa bình trên biển Đông, với các phóng viên sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật và Tổng thống Park Geun-hye của Hàn Quốc ở Seoul.
Ông Hagiuda không nói rõ những hợp tác của Nhật Bản mong muốn để gìn giữ hòa bình trên biển Đông, nhưng hôm 30.10. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết rằng Tokyo không có ý định tham gia vào cuộc "tuần tra tự do hàng hải" ở biển Đông do Mỹ tiến hành.
Ngày 27.10, một tàu khu trục của Mỹ đã di chuyển vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các bãi cạn tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là lời thách thức mạnh nhất của Mỹ đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Chuyến tuần tra của hải quân Mỹ nhanh chóng chọc giận Trung Quốc, Bắc Kinh thậm chí còn tuyên bố sẽ châm ngòi chiến tranh với Mỹ nếu Washington không ngừng các "hành động khiêu khích" của mình.
Ông Abe nói rằng tình hình biển đông là "một mối quan tâm phổ biến của cộng đồng quốc tế", ông Hagiuda cho biết với các phóng viên.
Điều quan trọng nhất đối với Nhật Bản là biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới đồng thời là tuyến vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu huyết mạch cho nền kinh tế Nhật Bản, vì vậy hòa bình, ổn định trên biển Đông đồng nghĩa với đảm bảo sự thịnh vượng của Nhật Bản.
Trước đó, trong cuộc hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ba nước Đông Bắc Á đã đồng ý làm tan băng trong quan hệ của mình.
Thiên Hà (Theo Reuters)