Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện vừa qua, trong đó có việc xả lũ của thủy điện Hố Hô; xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại...
Tối 17-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúcvề việc kiểm tra việc xả lũcủa các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung gửi các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra vận hành xả lũ của các hồ thủy điện thời gian qua
Theo Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng đã ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân và nhà nước tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.
"Chính quyền một số địa phương và dư luận cho rằng có nhà máy thủy điệnxả lũ không báo trước gây bị động cho công tác ứng phó, thiệt hại của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, NN-PTNT và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua, trong đó có việc xả lũ của hồ thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hạiđề xuất phương án khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-10"- ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thông, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô, cho biết: "Vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 14-10, mưa lớn khiến bờ phải của nhà máy bị sạt trượt, an toàn của nhà máy cũng như các công nhân đang làm việc bị đe dọa nên chúng tôi quyết định dừng vận hành nhà máy, mở cửa xả tràn với mức 1.800m3/s. Lúc quyết định xả tràn vào 18 giờ 30 phút ngày 14-10, chúng tôi có gọi điện cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, huyện và các xã vùng hạ du".
Theo ông Thông, việc nhà máy thủy điện mở hết các cửa xả tràn là bất khả kháng, do trời mưa quá lớn, là tại trời.
Còn theo ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP thủy điện Hồ Bốn kiêm trưởng ban phòng chống thiên tai của nhà máy thủy điện Hố Hô, vào khoảng hơn 18 giờ ngày 14-10, mưa lớn, nước đổ về lòng hồ quá nhanh, nguồn điện phải đóng nên nhà máy thủy điện Hố Hô đã xả tràn từ 18 giờ 30 phút ngày 14-10 đến khoảng 2 giờ ngày 15-10 mới vận hành lại 1 tổ máy và tiến hành hạ cửa van xuống điều tiết việc xả lũ. Ông Hùng cũng thừa nhận thủy điện Hố Hô không có chức năng cắt và điều tiết lũ.
Trước đó, liên quan đến việc thủy điện Hố Hô xả lũ gây ngập lụt lớn, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô là chưa đảm bảo quy trình. Ngoài ra, thời điểm xả lũ lại vào buổi tối, thời gian quá gấp, nước lên quá nhanh nên người dân không kịp di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Vào sáng ngày 15-10, phát biểu sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ ở huyện Hương Khê, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ từ 500m3/s - 1.800m3/s đã khiến người dân trở tay không kịp.
Thủ tướng phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung
Cũng trong tối 17-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung.
Trong những ngày qua mưa lũ đã làm chết và mất tích 29 người, trên 121.000 ngôi nhà, nhiều công trình cơ sở hạ tầng như trạm xá, bệnh viện, trường học, giao thông, thủy lợi bị ngập, hư hại; đời sống của nhiều hộ dân vùng ngập lũ, nhất là tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đang hết sức khó khăn.
Để chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào và các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phát động tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị để quyên góp ủng hộ các địa phương và nhân dân vùng bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý hỗ trợ trước mắt 1.500 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói tại vùng ngập lũ; giao Bộ Tài chính khẩn trương xử lý cụ thể theo quy định. UBND tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, đảm bảo cấp phát kịp thời, đúng đối tượng.
Về hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nhà cửa), sau khi lũ rút, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo thống kê, đánh giá cụ thể đầy đủ, kịp thời, chính xác thiệt hại, xác định rõ trách nhiệm khắc phục của địa phương, của các bộ, ngành, nhu cầu hỗ trợ trước mắt gửi Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng theo quy định (đối với các công trình mang tính chất lâu dài, cần chủ động bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn để từng bước thực hiện). Bộ Giao thông vận tải xử lý khắc phục các tuyến quốc lộ, đường sắt.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc bổ sung các trạm quan trắc gió tại khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Giao Bộ TN-MT phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sớm triển khai theo quy hoạch, phục vụ công tác giám sát, cảnh báo thiên tai.
Để hạn chế thiệt hại, hỗ trợ nhân dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của địa phương, phối hợp với các lực lượng có liên quan tiếp tục tìm kiếm những người còn đang mất tích.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương tập trung khắc phục ngay sự cố trên các tuyến giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, nhất là đối với tuyến quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam.
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương đủ cơ số thuốc, hóa chất xử lý nước, môi trường; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương trong việc xử lý môi trường sau khi lũ rút, không để bùng phát dịch bệnh trên người và vật nuôi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và cơn bão SARIKA, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.
Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng đóng chân trên địa bàn hỗ trợ địa phương triển khai tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng Bình triển khai ngay phương án phù hợp cứu nạn 4 thuyền viên trên tàu vận tải bị mắc cạn ngoài cửa sông Gianh theo đề nghị của địa phương, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia cứu nạn.