Theo các nhóm y tế quốc tế, kế hoạch tung ra viên thuốc kháng vi rút đầy hứa hẹn của Merck & Co để điều trị COVID-19 có nguy cơ gây ra tình trạng bất bình đẳng như khi phân phối vắc xin, khiến các quốc gia có nhu cầu lớn nhất phải lùi bước.
Chẳng hạn, chỉ có khoảng 5% dân số châu Phi được tiêm vắc xin COVID-19, tạo ra nhu cầu cấp thiết về phương pháp điều trị có thể khiến nhiều người không phải đến bệnh viện. Con số đó so với tỷ lệ tiêm vắc xin hơn 70% ở hầu hết các nước giàu.
Hôm 11.10, hãng dược Merck & Co đã nộp đơn xin Mỹ phê duyệt khẩn cấp molnupiravir - thuốc uống đầu tiên điều trị COVID-19 sau khi nó chứng minh giảm 50% số lần nhập viện và tử vong trong thử nghiệm lâm sàng lớn. Thuốc được Merck & Co hợp tác sản xuất với Ridgeback Biotherapeutics, có thể được cấp phép ngay sau tháng 12.2021.
Merck & Co đã thực hiện bước bất thường trong đại dịch là cấp phép cho một số thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau) của molnupiravir trước khi phiên bản mang nhãn hiệu nó được phép tiếp thị.
Thế nhưng, các quan chức y tế quốc tế cho biết ngay cả điều đó cũng không đủ để molnupiravir tiếp cận nhiều người ở các nước thu nhập thấp và trung bình với số lượng đủ lớn, đồng thời lưu ý những thiếu sót và bệnh quan liêu của các tổ chức toàn cầu có thể làm chậm phân phối hơn nữa.
Merck & Co trong năm nay có kế hoạch sản xuất 10 triệu liệu trình điều trị bằng molnupiravir, uống hai lần mỗi ngày trong 5 ngày và 20 triệu liệu trình nữa năm tới.
Ngoài ra, các hợp đồng cấp phép với 8 nhà sản xuất thuốc Ấn Độ sẽ giúp các phiên bản generic rẻ hơn đến 109 nước có thu nhập thấp và trung bình bao gồm cả ở châu Phi, một động thái mà các nhóm quốc tế thừa nhận là sự nhượng bộ tích cực.
Thế nhưng, khi các nước giàu đảm bảo các hợp đồng cung cấp molnupiravir, chẳng hạn Mỹ đã đặt mua 1,7 triệu liệu trình với tùy chọn thêm 3,5 triệu vào tháng 1.2023 với giá khoảng 700 USD cho mỗi liệu trình, mối quan tâm ngày càng tăng về việc ai có thể bị loại.
Merck & Co cho biết đã làm việc trong việc chuyển giao công nghệ cần thiết để bắt đầu sản xuất thuốc generic, trái ngược với các hãng vắc xin COVID-19 tiếp tục chống lại các lời kêu gọi từ bỏ bằng sáng chế hoặc cho phép các phiên bản generic để tăng nguồn cung.
Thế nhưng, một báo cáo gần đây chuẩn bị cho chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 của Liên Hợp Quốc được giao nhiệm vụ mua thuốc điều trị COVID-19 cho các nước nghèo, đã nêu lên những lo ngại rằng các cơ quan thuộc tổ chức này không đủ nhanh để đảm bảo đủ số lượng phương pháp điều trị mới tiềm năng trước thời hạn, kể cả molnupiravir.
Medicines Patent Pool (MPP), tổ chức y tế công cộng do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, có 24 công ty đã đăng ký và sẵn sàng sản xuất loại thuốc này nếu Merck & C đồng ý mở rộng giấy phép.
Peter Maybarduk của tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen, người ngồi trong ban quản trị MPP, nói: “Nếu bạn không có trong giấy phép, bạn đang dựa vào Merck và chúng tôi thấy rằng điều đó có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung tiềm năng cũng như định giá quá cao”. Ông cho rằng điều đó có thể dẫn đến việc các nước giàu sẽ trả giá thuốc cao hơn để mua trước các quốc gia nghèo.
Không rõ có bao nhiêu viên thuốc generic của molnupiravir sẽ được sản xuất hoặc khi nào. Các hãng dược được cấp phép của Ấn Độ bao gồm Aurobindo Pharma, Cipla Ltd, Dr. Reddy's Labs, Emcure Pharmaceuticals, Hetero Labs, Sun Pharmaceuticals và Torrent Pharmaceuticals từ chối cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch sản xuất thuốc generic của molnupiravir.
Ngoài ra, việc sản xuất cho các nước có thu nhập thấp ở nhiều quốc gia cũng cần có sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một quy trình quản lý thường mất hàng tháng.
Merck & Co cho biết cam kết cung cấp quyền tiếp cận kịp thời molnupiravir trên toàn cầu với các kế hoạch định giá theo từng cấp độ phù hợp với khả năng chi trả của quốc gia. Một người phát ngôn của Merck & Co xác nhận rằng họ đang thảo luận về việc mở rộng giấy phép cho molnupiravir phiên bản generic "để xây dựng nguồn cung về sản phẩm đảm bảo chất lượng để đáp ứng các đơn đặt hàng trên toàn cầu". Song các quốc gia có thu nhập trung bình sẽ khó đàm phán với các nước giàu nhất, một quan chức khác của MPP cho biết.
Chính phủ Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Singapore và Malaysia cho biết đã có các thỏa thuận hoặc đang đàm phán hợp đồng mua molnupiravir với Merck & Co. EU đang xem xét mua thuốc này sau khi Merck & Co xin cấp phép ở châu Âu.
Theo Paul Schaper, Giám đốc điều hành chính sách công toàn cầu của Merck & Co, 8 nhà sản xuất thuốc generic được Merck lựa chọn đều có các cơ sở đủ tiêu chuẩn của WHO để có thể cung cấp cho những người mua như Global Fund (Quỷ Toàn cầu). Họ sẽ định giá và số lượng thuốc sản xuất.
“Những gì chúng tôi đang dự đoán và hy vọng là họ sẽ cạnh tranh với nhau về giá”, Paul Schaper nói.