Hôm 27.12, một bệnh viện của Israel đã tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 4 cho nhóm thử nghiệm.

Israel thử nghiệm tiêm liều vắc xin COVID thứ 4 cho 150 người, chờ Bộ Y tế quyết định

Sơn Vân - Ảnh: Reuters | 27/12/2021, 17:04

Hôm 27.12, một bệnh viện của Israel đã tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 4 cho nhóm thử nghiệm.

Nước này đang xem xét phê duyệt liều vắc xin COVID-19 thứ tư cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong nỗ lực vượt qua sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron.

Nghiên cứu của Trung tâm Y tế Sheba ở thành phố Ramat Gan bên ngoài thủ đô Tel Aviv "xem xét hiệu quả vắc xin trong việc sản xuất kháng thể và tính an toàn, để xác định xem có cần tiêm vắc xin COVID-19 thứ tư hay không". 150 người trong nghiên cứu đều là nhân viên y tế.

Tuần trước, hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế đã khuyến nghị Israel trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp liều vắc xin COVID-19 thứ tư (còn được gọi là liều tăng cường thứ hai) cho những người trên 60 tuổi, những người bị tổn thương hệ thống miễn dịch và nhân viên y tế.

Đề xuất đã được hoan nghênh bởi chính phủ Israel. Thủ tướng Israel - Naftali Bennett nhiệt liệt hoan nghênh khuyến nghị của ban cố vấn về liều vắc xin COVID-19 thứ tư trong tuần trước khi nói: “Công dân Israel là những người đầu tiên trên thế giới được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba và chúng tôi đang tiếp tục dẫn đầu với liều thứ tư”.

Thế nhưng, liều vắc xin COVID-19 thứ tư đang chờ sự chấp thuận cuối cùng của Tổng giám đốc Bộ Y tế Israel - Nachman Ash, người mà các quan chức tiết lộ sẽ đưa ra quyết định mà không có sự can thiệp của chính phủ.

Trước lo ngại về việc thiếu dữ liệu thử nghiệm, Nachman Ash có thể sửa đổi tiêu chí đủ điều kiện tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư bằng cách nâng ngưỡng tuổi lên 70 và loại nhân viên y tế khỏi danh sách, truyền thông Israel cho biết.

Bộ Y tế Israel đã không xác nhận cũng không phủ nhận điều đó, nhưng không cho biết khi nào Nachman Ash đưa ra quyết định.

Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, khoảng 63% trong số 9,4 triệu dân Israel đã được tiêm hai liều vắc xin COVID-19 đầu tiên, gần 45% đã nhận mũi vắc xin thứ ba. Pfizer-BioNTech là loại vắc xin COVID-19 được sử dụng chủ yếu ở Israel.

Đến nay Israel đã ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Omicron. 

Israel là quốc gia triển khai tiêm vắc xin COVID-19 ban đầu nhanh nhất cách đây 1 năm và trở thành một trong những nước đầu tiên nhận thấy khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, nên thực hiện chương trình tiêm mũi tăng cường rộng rãi. 

israel-thu-nhiem-tiem-lieu-vac-xin-thu-4-cho-150-nguoi111.jpg
israel-thu-nhiem-tiem-lieu-vac-xin-thu-4-cho-150-nguoi.jpg
Giáo sư Jacov Lavee nhận liều vắc xin COVID-19 thứ tư trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm ở Israel
israel-thu-nhiem-tiem-lieu-vac-xin-thu-4-cho-150-nguoi1.jpg
Nữ nhân viên y tế...
israel-thu-nhiem-tiem-lieu-vac-xin-thu-4-cho-150-nguoi11.jpg
và người đàn ông cũng được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư

Hôm 21.12, Hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính phủ Israel về đại dịch khuyến nghị triển khai tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư, kết luận rằng lợi ích tiềm năng lớn hơn rủi ro. Họ chỉ ra các dấu hiệu suy giảm khả năng miễn dịch vài tháng sau khi tiêm mũi vắc xin thứ ba và nói rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tiêm liều bổ sung có thể là quá muộn để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.

Thế nhưng, một số nhà khoa học cảnh báo rằng kế hoạch này có thể phản tác dụng, vì quá nhiều mũi tiêm có thể gây ra một loại mệt mỏi hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2 của cơ thể.

Ngoài lo ngại rằng tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ tư trong vòng chưa đầy 1 năm có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch, một số chuyên gia cho biết chính phủ Israel vẫn chưa tận dụng tối đa các lựa chọn khác, chẳng hạn như tiêm vắc xin nhiều hơn cho những người chưa chủng ngừa COVID-19 hoặc tiêm mũi thứ ba cho khoảng 1 triệu dân đủ điều kiện nhưng chưa nhận được.

Cùng với kiến ​​thức chung về Omicron, tác dụng của liều vắc xin thứ tư chống lại biến thể này chưa được biết rõ. Thế nhưng, các chuyên gia y tế của Israel chỉ ra rằng khả năng miễn dịch suy giảm ở những người 60 tuổi trở lên, đối tượng đầu tiên được tiêm mũi vắc xin thứ ba bắt đầu từ tháng 8.2021.

Các nhà nghiên cứu Israel từ Bộ Y tế và một số tổ chức học thuật đã trình bày dữ liệu cho nhóm tư vấn đưa ra khuyến nghị về mũi vắc xin COVID-19 thứ tư hôm 22.12. Bài trình bày cho thấy tỷ lệ nhiễm Delta ở nhóm tuổi trên 60 tăng gấp đôi trong vòng 4 hoặc 5 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba.

Nghiên cứu ở Anh phát hiện ra rằng mũi vắc xin tăng cường của Pfizer và Moderna giúp chống nhiễm Omicron có triệu chứng trong khoảng 10 tuần.

Theo dữ liệu mới được tìm thấy trong thế giới thực, khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng do biến thể Omicron gây ra đã giảm tới 25% trong vòng 10 tuần.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết khả năng bảo vệ chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng giảm từ 70% xuống 45% trong vòng 10 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường Pfizer-BioNTech cho những người ban đầu nhận hai liều vắc xin này.

Trong cùng một phân tích được công bố mới đây, UKHSA phát hiện ra hiệu quả của mũi vắc xin Moderna tăng cường kết hợp với hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech ban đầu giữ mức chống nhiễm Omicron có triệu chứng từ 70% đến 75% trong tối đa 9 tuần, dù không có nhiều người trong nghiên cứu tiêm ba mũi vắc xin kiểu này. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của phát hiện.

Với những người ban đầu nhận hai liều vắc xin AstraZeneca, hiệu quả mũi tăng cường giảm từ 60% xuống 35% với Pfizer và xuống 45% với Moderna sau 10 tuần, UKHSA cho biết.

Eric Topol, Giám đốc của Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps (Anh), cho biết những phát hiện của Anh giống những gì xảy ra ở Israel.

Hôm 23.12, Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach cho biết rằng ông dự kiến ​​người Đức sẽ được tiêm một liều vắc xin tăng cường khác (mũi thứ tư) trong năm 2022 nhắm vào Omicron, tùy thuộc vào thời gian bảo vệ mũi tiêm thứ ba kéo dài bao lâu.

Trước đó, ông Karl Lauterbach nói Omicron sẽ trở thành chủng vi rút thống trị Đức trong vòng 3 tuần tới và nước này đã đặt hàng 80 triệu liều vắc xin BioNTech đặc trị Omicron để giao vào tháng 4 hoặc tháng 5.

Ông nói: “Một chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường là nền tảng quan trọng nhất của chúng tôi trong cuộc chiến chống lại Omicron. Mức độ bảo vệ khỏi các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 sau khi tiêm nhắc lại là rất cao. Tôi ước tính nó tốt hơn 90%".

Ở Mỹ, một chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu không nghĩ rằng trường hợp tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ tư có thể cần phải được thực hiện ngay bây giờ.

Tiến sĩ Ashish Jha, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Brown, nói với Fox News Sunday: “Nếu chúng ta cần, tôi nghĩ hệ thống y tế của chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng chúng ta hãy thực sự nói về việc liệu chúng ta có cần nó không. Tại thời điểm này, dựa trên dữ liệu tôi đã thấy, tôi khá nghi ngờ rằng chúng ta sẽ cần đến lần tiêm vắc xin thứ tư. Một phần của câu hỏi là chúng ta phải tự hỏi rằng chúng ta đang cố gắng làm gì? Chúng ta có đang cố gắng ngăn chặn mọi sự lây nhiễm không? Có lẽ đó là mục tiêu của chúng ta. Nếu đó là mục tiêu của chúng ta thì có, có lẽ chúng ta cần đến lần tiêm vắc xin thứ tư. Hay chúng ta chỉ đang cố gắng ngăn ngừa bệnh hiểm nghèo và cái chết? Tất nhiên, tôi nghĩ đó phải là mục tiêu chính của chúng tôi. Vì vậy, tôi không tin vào lúc này rằng chúng ta cần lần tiêm vắc xin thứ tư… Chúng ta hãy lấy thêm nhiều dữ liệu trước khi chúng ta thực sự bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về nó”.

Bài liên quan
Nghiên cứu về mũi vắc xin Pfizer/Moderna thứ 3 chống Omicron, Đức khuyến nghị tiêm liều 4
Theo nghiên cứu ở Đan Mạch công bố hôm 22.12, tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna thứ ba giúp tăng khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Israel thử nghiệm tiêm liều vắc xin COVID thứ 4 cho 150 người, chờ Bộ Y tế quyết định