Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 213 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó có 55 triệu liều tiêm mũi 3 và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm 900 nghìn liều.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi còn chậm, cần sự đồng thuận từ gia đình

Dạ Thảo | 29/04/2022, 11:05

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 213 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó có 55 triệu liều tiêm mũi 3 và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm 900 nghìn liều.

Diễn tiến vẫn còn chậm

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ mũi tiêm thứ 1 và thứ 2 đối với người trên 18 tuổi đã đạt 100%, mũi 3 là gần 60% và diễn tiến rất chậm ở các địa phương. Đặc biệt là mũi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế sẽ yêu cầu các địa phương tích cực phổ biến rộng rãi và tư vấn cho các gia đình đưa con em đến tiêm ngừa COVID-19 theo đúng kế hoạch về việc phủ vắc xin.

Bộ Y tế cho biết gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tiêm chủng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, từ việc ổn định tâm lý cho trẻ đến việc theo dõi tại nhà sau tiêm.

Trẻ em ở lứa tuổi này nếu được tiêm vắc xin sẽ có ít triệu chứng và nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp này hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới.

Theo TS-BS Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), khi cha mẹ đưa con em đi tiêm cần chuẩn bị tâm lý cho con thật vững vàng.

“Để giúp trẻ thoải mái hơn khi đi tiêm chủng, các gia đình hãy trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm chủng. Phụ huynh cho trẻ ăn uống đầy đủ tránh để trẻ bị đói khát trước khi tiêm. Nhắc để trẻ hiểu và thực hiện đúng quy định 5K tại điểm tiêm để phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2.

Ngoài ra, tùy từng điểm tiêm chủng cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu và mang theo sổ tiêm chủng của trẻ. Trẻ cũng không cần dừng các loại thuốc điều trị đang uống khi tiêm vắc xin và cũng không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vắc xin khác”, TS Thái nói.

tiem-tre-2.jpg
Việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ rất cần sự đồng thuận từ phía gia đình

Sau khi về nhà, để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh như tập thể thao trong 3 ngày sau tiêm, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng, tránh các loại thực phẩm chứa chất kích thích. Trẻ có thể sốt, sưng, đau tại vết tiêm… vì đây là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cho trẻ. Nếu trẻ sốt dưới 38 độ C cần cởi bớt quần áo cho trẻ thoáng mát, chườm/lau cơ thể cho trẻ bằng nước ấm. Nếu nhiệt độ trên 38 độ C cha mẹ cho trẻ dùng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Ngoài ra, tại vị trí tiêm khi thấy bị sưng, đau, nổi cục, có các dấu hiệu bất thường cha mẹ cần tiếp tục theo dõi nếu thấy sưng to không được chườm hoặc đắp bất kỳ thứ gì vào mà cần đưa đi khám ngay tại các cơ sở y tế. Lưu ý theo dõi nếu trẻ có các dấu hiệu nặng, nguy hiểm sau tiêm, nếu cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng để đưa trẻ đi khám kịp thời.

Trẻ bị nhiễm bệnh rồi vẫn cần tiêm phòng COVID-19

Chia sẻ với phóng viên về câu hỏi liệu trẻ mắc COVID-19 rồi là cơ thể có kháng thể, vậy có cần thiết tiêm vắc xin hay không, ông Phạm Quang Thái khẳng định đúng là về lý thuyết sau khi khỏi bệnh COVID-19, cơ thể sẽ có kháng thể để chống lại vi rút gây bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có được kháng thể đủ tốt bởi việc nhiễm vi rút là khác nhau tùy vào chủng, tình huống nhiễm, mức độ nhiễm và đặc điểm của cơ thể.

Có khá nhiều trường hợp nhiễm và tái nhiễm nhiều lần do kháng thể tạo ra không đủ tốt hoặc nhiễm lần đầu chỉ ở dạng thoáng qua sau đó lần nhiễm lại mới gặp tình trạng nặng. Riêng ở trẻ em, do còn cần thêm các bằng chứng khoa học bổ sung, việc tiêm chủng có thể trì hoãn 3 tháng sau khi mắc bệnh. Sau 3 tháng đó, trẻ có thể được tiêm vắc xin bình thường như những trẻ không mắc bệnh khác.

"Hiện nay, tiêm vắc xin cho trẻ em là hoàn toàn không bắt buộc trong hoàn cảnh hiện tại nhưng mọi trẻ em đều cần vắc xin để được bảo vệ trước bệnh COVID-19. Những bằng chứng khoa học cho thấy vắc xin không những bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh nặng và tử vong mà còn làm giảm nguy cơ bị hậu COVID khi không may bị mắc bệnh.

Những trẻ có bệnh lý nền, có tình trạng sức khỏe không tốt như béo phì hay bệnh lý bẩm sinh thì rất cần được tiêm và nên được ưu tiên tiêm trước. Ngoài ra, trẻ em đang có bệnh lý tiến triển hoặc mắc các bệnh cấp tính thì cần hoãn tiêm và khám chuyên khoa, chỉ khi không còn tình trạng bệnh cấp tính và các bệnh lý đang mắc được chẩn đoán là ổn định thì mới đủ tiêu chuẩn để được tiêm vắc xin COVID-19", bác sĩ Thái lưu ý.

Những lưu ý khi cho trẻ tiêm vắc xin COVID-19

Theo TS-BS Phạm Quang Thái, các phản ứng phụ có thể gặp ở trẻ gồm đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm... Các phản ứng này là một phần của đáp ứng miễn dịch nhưng có thể nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác. Do đó, khi cơ thể trẻ có bất thường không nhất thiết đúng theo bảng hướng dẫn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến thầy thuốc và đưa con tới cơ sở y tế gần nhất.

Nếu trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, hóa trị ung thư, viêm đa cơ quan (MIS-C, thường biểu hiện bằng sốt, phát ban, mắt đỏ…) thì nên hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh.

Trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng vẫn cần thiết tiêm chủng để được bảo vệ tốt hơn tuy nhiên thời điểm tiêm cách thời gian mắc khoảng 3 tháng.

Nếu trẻ có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, có hội chứng tăng động, giảm chú ý... thì cần thận trọng khi tiêm. Trẻ có bệnh tim bẩm sinh, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường... nên được đưa đến tiêm chủng tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-12 tuổi còn chậm, cần sự đồng thuận từ gia đình