Vào tháng 3, một tiểu hành tinh khổng lồ lớn hơn tháp Burj Khalifa sẽ bay về phía Trái đất với tốc độ gấp 100 lần vận tốc âm thanh.

Tiểu hành tinh lớn hơn tháp Burj Khalifa bay qua Trái đất vào tháng 3

Long Hải | 04/02/2021, 15:30

Vào tháng 3, một tiểu hành tinh khổng lồ lớn hơn tháp Burj Khalifa sẽ bay về phía Trái đất với tốc độ gấp 100 lần vận tốc âm thanh.

tieu-hanh-tinh5.jpg
Hình ảnh mô phỏng tiểu hành tinh bay gần Trái đất

Thiên thạch khổng lồ được đặt tên 2001 FO32, là tiểu hành tinh lớn nhất tiến gần Trái đất trong năm nay. Bên cạnh đó, nó cũng là vật thể bay nhanh nhất, theo Trung tâm nghiên cứu các vật thể gần Trái đất (CNEOS) thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA.

Dựa theo độ sáng của nó, CNEOS ước tính tiểu hành tinh này dài từ 770 m - 1.700 m. Kích thước này khiến 2001 FO32 lớn hơn bất kỳ tiểu hành tinh nào khác bay sượt qua Trái đất trong năm 2021. Ngay cả khi theo ước tính nhỏ nhất, tiểu hành tinh này cũng lớn ngang tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay là tháp Burj Khalifa ở Dubai.

Kích thước khổng lồ của 2001 FO32 cũng xếp nó vào danh mục những tiểu hành tinh lớn nhất ở khu vực lân cận Trái đất. Trên thực tế, chỉ có một nhóm nhỏ tiểu hành tinh ở đó có đường kính ước tính trên 8 km.

Mặc dù vậy, những tiểu hành tinh này vẫn nhỏ so với các vật thể trong hệ Mặt trời, với Ceres là tiểu hành tinh lớn nhất. Nằm ở vành đai tiểu hành tinh chính của hệ Mặt trời, Ceres có đường kính lên tới 933 km. Nó lớn tới mức các nhà thiên văn học xếp nó vào nhóm hành tinh lùn.

Bên cạnh kích thước khổng lồ, 2001 FO32 cũng di chuyển với tốc độ siêu nhanh khi bay về phía Trái đất với tốc độ khoảng 123.887 km/h, nhanh gấp 100 lần vận tốc âm thanh và bằng 1/3 tốc độ tia sét đi từ khí quyển xuống mặt đất. Điều này cũng có nghĩa 2001 FO32 là tiểu hành tinh bay qua Trái đất nhanh nhất vào năm 2021.

May mắn là các nhà thiên văn học biết rõ quỹ đạo của tiểu hành tinh này và cho biết nó không có khả năng đâm vào hành tinh chúng ta trong tương lai gần. 2001 FO32 sẽ tiếp cận gần nhất với Trái đất vào lúc 11 giờ 3 phút ngày 21.3. Khi đó, tiểu hành tinh này cách chúng ta 2 triệu km, gấp khoảng 5 lần quãng đường trung bình giữa Trái đất và Mặt trăng.

tieu-hanh-tinh7.jpeg
Các vật thể gần Trái đất (NEO) có thể gây ra thiệt hại đáng kể nếu xảy ra va chạm với hành tinh chúng ta

Các vật thể gần Trái đất (NEOs) thường là tiểu hành tinh hoặc sao chổi, là những vật thể thuộc hệ Mặt trời có quỹ đạo đưa chúng đến gần Trái đất và đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể nếu xảy ra va chạm.

Một vật thể được xem là NEO nếu bay trên quỹ đạo cách Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Những NEO ở tương đối gần Trái đất sẽ được phân loại là vật thể “có khả năng gây nguy hiểm”. Nhóm này bao gồm những vật thể có đường kính lớn hơn 140 m và bay tới cách Trái đất từ 7,4 triệu km trở xuống. 2001 FO32 cũng nằm trong nhóm tiểu hành tinh “có khả năng gây nguy hiểm”.

Có rất nhiều vật thể như thế bay ngang qua hành tinh của chúng ta hàng năm. Để xác định vật thể sẽ đến gần Trái đất đến mức nào, các nhà khoa học NASA sẽ quan sát tiểu hành tinh đó và dùng mô hình máy tính để dự đoán quỹ đạo.

Các nhà khoa học ở CNEOS có thể tính toán quỹ đạo của những vật thể bay gần hành tinh của chúng ta với độ chính xác cao, qua đó dự đoán khả năng va chạm, thời gian và địa điểm. Bằng việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan vũ trụ, các giải pháp quỹ đạo này được sử dụng để dự đoán cách NEO tiếp cận gần Trái đất và đưa ra các đánh giá toàn diện về xác suất tác động của chúng trong thế kỷ tới.

Tính đến hiện tại, NASA đã tìm và theo dõi hơn 22.000 vật thể như thế. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Mỹ thích một chương trình không gian tập trung vào các tác động tiềm ẩn của tiểu hành tinh hơn là đưa con người trở lại Mặt trăng hoặc lên sao Hỏa.

Năm 2018, NASA đã công bố một kế hoạch trong đó đề xuất các phương pháp chính phủ Mỹ cần thực hiện để đối phó tốt hơn với NEO, như việc các tiểu hành tinh hoặc sao chổi bay tới Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Tổng giám đốc NASA Jim Bridenstine cho rằng các cuộc tấn công của tiểu hành tinh không phải là điều có thể xem nhẹ và có lẽ đây chính là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của sự sống trên Trái đất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiểu hành tinh lớn hơn tháp Burj Khalifa bay qua Trái đất vào tháng 3