Các nhà cung cấp internet ở Myanmar, gồm cả công ty viễn thông nhà nước MPT, đã chặn quyền truy cập vào các dịch vụ thuộc sở hữu của Facebook tại nước này vào 4.2, vài ngày sau khi nhà lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing nắm quyền trong một cuộc đảo chính hôm 1.2.
Bên trong Myanmar, sự phản đối chính quyền nổi lên rất mạnh mẽ trên Facebook, nền tảng internet chính của phần lớn nước này. Facebook cũng là nền tảng cho hoạt động truyền thông của doanh nghiệp và chính phủ.
Người dân ở Yangon và các thành phố khác đập xoong chảo và bấm còi ô tô suốt đêm thứ hai liên tiếp hôm 3.2 để phản đối cuộc đảo chính. Hình ảnh của cuộc biểu tình đã lan truyền rộng rãi trên Facebook.
Mạng xã hội này cũng được sử dụng để chia sẻ hình ảnh về chiến dịch bất tuân của các nhân viên tại các bệnh viện chính phủ trên khắp đất nước, những người cáo buộc quân đội đặt lợi ích của mình lên trên đợt bùng phát coronavirus đã giết chết hơn 3.100 người.
Một lá thư được đăng trực tuyến bởi Bộ Truyền thông và Thông tin trong đêm cho biết Facebook sẽ bị chặn cho đến ngày 7.2 vì lý do “ổn định đất nước”.
Một số người dùng ở Myanmar cho biết không thể truy cập một số dịch vụ Facebook.
Theo nhóm giám sát mạng NetBlocks, công ty viễn thông nhà nước MPT (có 23 triệu người dùng) cho biết đã chặn Facebook cũng như dịch vụ Messenger, Instagram và WhatsApp của họ.
Hãng viễn thông Telenor ASA (Na Uy) thông báo vừa chặn Facebook để tuân thủ chỉ thị.
Người phát ngôn của Facebook, Andy Stone đã thừa nhận sự gián đoạn.
Ông Andy Stone nói: “Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách khôi phục kết nối để mọi người ở Myanmar có thể giao tiếp với gia đình, bạn bè của họ và truy cập thông tin quan trọng”.
Một nửa trong số 53 triệu người Myanmar sử dụng Facebook. Với nhiều người Myanmar, Facebook đồng nghĩa với internet.
“Hiện những người gây khó khăn cho sự ổn định của đất nước... đang lan truyền tin tức giả mạo và thông tin sai lệch, gây ra sự hiểu lầm cho mọi người sử dụng Facebook”, thư của Bộ Truyền thông và Thông tin viết.
Dù vậy, một số người nhận thấy họ vẫn có thể truy cập Facebook ngay cả khi kết nối chậm. Một số phần mềm VPN đã sử dụng để tránh bị chặn.
Telenor bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về chỉ thị mà tất cả các nhà khai thác di động và nhà cung cấp dịch vụ internet nhận được hôm 4.2.
Trong một tuyên bố, Telenor cho biết đang hướng người dùng đến một thông báo rằng không thể truy cập các trang web Facebook do lệnh của chính phủ.
“Dù chỉ thị có cơ sở pháp lý trong luật Myanmar, Telenor không tin rằng yêu cầu này dựa trên sự cần thiết và tương xứng, phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”, Telenor nói.
Hôm 2.2, quân đội Mynamar đã cảnh báo chống lại việc đăng tải những gì họ cho là tin đồn trên mạng xã hội có thể kích động bạo loạn và gây ra bất ổn.
Các nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc trước đây cho biết lời nói căm thù trên Facebook đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bạo lực ở Myanmar. Facebook cho biết họ đã hành động quá chậm trong việc ngăn chặn thông tin sai lệch và sự căm ghét ở Myanmar.
Tuần này, Facebook nói đang coi tình hình ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp và thực hiện các biện pháp tạm thời để bảo vệ khỏi tác hại như xóa nội dung ca ngợi hoặc ủng hộ cuộc đảo chính.
Hôm 3.2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Antonio Guterres cam kết sẽ huy động đủ sức ép quốc tế lên quân đội Myanmar “để đảm bảo rằng cuộc đảo chính này sẽ thất bại”. Xem chi tiết tại đây.