Tình hình an ninh ở bán đảo Triều Tiên có thể chịu tác động từ vụ khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ, theo nhận định của các nhà quan sát ngoại giao.
Korea Times ngày 9.2 dẫn lời các nhà quan sát nói rằng, tình hình an ninh ở bán đảo Triều Tiên có thể nóng lên do thiếu vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, Bình Nhưỡng có thể gia tăng những động thái khiêu khích, bao gồm thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Tuần qua, một khí cầu bí ẩn của Trung Quốc được phát hiện bay qua Billings, bang Montana vào hôm 1.2. Sau đó, khí cầu này đã bị chiến đấu cơ F-22 Raptor bắn rơi trên Đại Tây Dương vào ngày 4.2. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, việc khí cầu Trung Quốc xuất hiện ở không phận Mỹ là "hành động vi phạm chủ quyền cũng như luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được".
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3.2 giải thích việc khí cầu "đi lạc vào Mỹ do sự cố bất khả kháng", đồng thời tuyên bố đây là thiết bị dân sự "phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học".
Những tuyên bố trên được đưa ra trong thời điểm Hàn Quốc và Mỹ kêu gọi Trung Quốc giữ một vai trò xây dựng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng vụ khí cầu làm dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc có thể không đáp lại lời kêu gọi của Mỹ và Hàn Quốc.
Cho Han-bum, một nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Thống nhất Quốc gia (Hàn Quốc) nói xung đột Mỹ - Trung dẫn đến bất lợi cho tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên. Ông nhận định rằng “chúng ta sẽ thấy vai trò của Trung Quốc liên quan vấn đề hạt nhân của Triều Tiên giảm dần sau vụ khí cầu”.
Vị chuyên gia này còn lưu ý, Mỹ - Hàn mới đây có những cuộc tập trận không quân vào ngày 1 và 3.2, sử dụng các chiến đấu cơ tàng hình F-22, F-35A, F-35B và máy bay ném bom chiến lược B-1B ngay sát gần Trung Quốc. Ông Cho nói: “Các cuộc tập trận đó là lời cảnh báo của Mỹ gửi đến Trung Quốc nhằm phản ứng với khí cầu do thám”.
Trong năm 2022, Triều Tiên đã 38 lần phóng ICBM, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) vốn gồm thành viên thường trực Trung Quốc. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc quy trách nhiệm cho Triều Tiên về những hành động gây bất ổn trong khu vực do vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc và Nga.
Nhà nghiên cứu cấp cao Bruce Klingner thuộc Tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation nói: “Do Mỹ - Trung tiếp tục tranh đua chiến lược, Bắc Kinh không giúp gì mà đã cản trở ít nhất 10 nỗ lực của Mỹ kêu gọi UNSC có hành động phản ứng với việc Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt”.
Thêm vào đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phát biểu hồi cuối năm ngoái rằng tình hình địa chính trị đã trở thành một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”. Theo nhà nghiên cứu Cho Han-bum, điều đó có nghĩa Triều Tiên sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc để chống lại sự hợp tác 3 bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vụ khí cầu bay vào không phận của Mỹ đã tác động đến quan hệ Mỹ - Trung. Triều Tiên có thể sẽ tranh thủ “lợi thế” này để tổ chức những hành động khiêu khích quân sự. Nhà nghiên cứu Klingner lý giải: “Bình Nhưỡng biết Bắc Kinh sẽ bảo vệ các quyền lợi của Triều Tiên ở UNSC bằng cách phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ trong việc trừng phạt Triều Tiên”.
Nhà nghiên cứu cấp cao Robert Manning ở Trung tâm Stimson nhận định: “Vụ khí cầu là dịp để Triều Tiên thử lôi kéo các cường quốc chống lại nhau. Tuy nhiên, chính sách của Bắc Kinh đối với Triều Tiên gồm “3 không”: không sụp đổ, không gây chiến tranh và không hạt nhân. Và dù Trung Quốc làm ngơ trước chuyện Triều Tiên thử hạt nhân, nhưng ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là sự ổn định. Có thể một lý do khiến việc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 7 không xảy ra là do sức ép từ Trung Quốc”.
Ông Robert Manning nói thêm: “Tôi nghi ngờ sự cố khinh khí cầu là một nguyên nhân, nhưng Mỹ có xu hướng ép Trung Quốc giải quyết vấn đề Triều Tiên và Bắc Kinh coi đây là một yêu cầu quá lớn. Nếu bạn nghĩ lại các cuộc đàm phán 6 bên mà Trung Quốc chủ trì và nhìn chung là hợp tác, thì quan hệ Mỹ - Trung đã đi xuống trong vòng 5 - 6 năm qua. Bắc Kinh đã ủng hộ Bình Nhưỡng nhiều hơn và ít hợp tác hơn với Mỹ, Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân”.