Hãng tin AP ghi nhận, bên cạnh cuộc chiến Ukraine kéo dài, năm 2023 còn có xung đột Israel - Hamas chết chóc nhất trong lịch sử, làn sóng đảo chính ở châu Phi, cuộc chiến ma túy ở Mỹ Latinh và nội chiến tại Myanmar.
Quốc tế

Toàn cảnh các cuộc xung đột nổ ra trong năm 2023

Cẩm Bình 16/12/2023 14:50

Hãng tin AP ghi nhận, bên cạnh cuộc chiến Ukraine kéo dài, năm 2023 còn có xung đột Israel - Hamas chết chóc nhất trong lịch sử, làn sóng đảo chính ở châu Phi, cuộc chiến ma túy ở Mỹ Latinh và nội chiến tại Myanmar.

Ngoài ra, Ấn Độ và Pakistan - hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - vẫn "nghi kị" lẫn nhau. Kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên tiếp tục trở nên nguy hiểm hơn. Iran làm giàu uranium đến gần cấp độ có thể dùng cho vũ khí.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào tháng 7 từng nhận xét: “Xung đột ngày càng phức tạp, nguy hiểm và khó giải quyết hơn. Lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân lại xuất hiện. Các xung đột và vũ khí mới khiến nhân loại có nhiều nguy cơ tự diệt mới”.

Xung đột Israel - Hamas chết chóc nhất trong lịch sử

Ngày 7.10, Hamas tập kích miền Nam Israel giết chết 1.200 người và bắt 240 người làm con tin. Vụ việc khiến giới chức Israel choáng váng vì lâu nay họ tin rằng bức tường biên giới cùng công nghệ tiên tiến của đội ngũ tình báo và an ninh đảm bảo đất nước không bị quấy phá nữa.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đáp trả bằng chiến dịch tấn công Dải Gaza quy mô lớn. Vùng lãnh thổ chìm trong giao tranh ác liệt khiến gần 19.000 người Palestine thiệt mạng, hơn 2 triệu cư dân đối mặt với tình trạng thiếu nhu yếu phẩm cùng thuốc men do Israel tiến hành bao vây.

Sau khi xung đột nổ ra, một số nhóm được Iran hậu thuẫn như Hezbollah (Lebanon) hay Houthi (Yemen) đẩy mạnh tấn công Israel. Mỹ triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay cùng vài vũ khí khác đến Trung Đông để giữ ổn định tình hình. Tuy nhiên chính quyền Thủ tướng Netanyahu liên tục khẳng định chiến dịch quân sự sẽ kéo dài.

Thương vong dân sự ở cả hai phía làm bùng lên hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp thế giới. Ngoài ra, nhiều nước phương Tây cũng chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố có động cơ liên quan cuộc xung đột Israel - Hamas. Làn sóng khủng bố này gây quan ngại cho giới lãnh đạo phương Tây, nhất là trong bối cảnh sẽ có nhiều hoạt động tập trung đông người diễn ra trong mùa lễ hội cuối năm.

nam(1).jpg
Chiến dịch quân sự của Israel sẽ kéo dài nhiều tháng - Ảnh: AP

Cuộc chiến Ukraine chưa chấm dứt

Diễn biến nhanh chóng của xung đột Israel - Hamas làm lu mờ cuộc chiến Nga - Ukraine, nơi tình hình chưa có thay đổi lớn.

Ukraine nhận được lượng lớn khí tài phương Tây trước khi phát động đợt phản công nhằm chia cắt phòng tuyến Nga ở phía nam đất nước. Họ phải đối mặt với lực lượng Nga cố thủ, phòng tuyến nhiều lớp, bãi mìn cùng không ít chướng ngại khác nên đà phản công bị chậm lại. Phương Tây hiện vẫn ủng hộ Ukraine mạnh mẽ, tuy nhiên một số cuộc bầu cử - đáng chú ý nhất là bầu cử Tổng thống Mỹ năm tới - sẽ ảnh hưởng đến viện trợ cho Kyiv trong tương lai.

Năm qua, Nga cũng gặp khó khăn. Lực lượng quân sự tư nhân Wagner nổi loạn tiến quân về thủ đô nhưng may mắn nguy cơ đụng độ được đẩy lùi nhờ thỏa thuận vào phút chót do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đứng ra làm trung gian. “Ông trùm” Wagner Yevgeny Prigozhin sau đó thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay đầy bí ẩn.

Châu Phi loạn lạc

Sudan - quốc gia Đông Phi chìm trong bất ổn từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ - rơi vào cảnh nội chiến giữa quân đội với lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự. Nội chiến khiến sân bay quốc tế Khartoum bốc cháy, các quốc gia vội vã sơ tán công dân. Đến nay đã có khoảng 9.000 người thiệt mạng.

Làn sóng đảo chính tiếp tục hoành hành tại lục địa đen. Vào tháng 7 quân đội Niger lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum. Một tháng sau, sự kiện chính trị tương tự xảy ra ở Gabon.

Cuộc chiến ma túy ở Mỹ Latinh

Bạo lực gây ra bởi các băng đảng ma túy nhằm tranh giành địa bàn và tuyến đường vận chuyển vào Mỹ bùng nổ khắp Mexico. Honduras cùng Costa Rica vốn yên bình nay lại trở thành điểm tàng trữ và trung chuyển ma túy sang châu Âu. Colombia ghi nhận sản lượng coca - loại lá dùng để sản xuất cocaine - cao nhất từ trước đến nay.

nam00.jpg
Bạo lực liên quan đến ma túy bùng nổ khắp Mexico - Ảnh: AP

Nhiều nơi khác cũng không yên ổn

Ở Myanmar, nội chiến đang diễn ra giữa quân đội với phe nổi dậy. Giao tranh đặc biệt căng thẳng ở bang Shan gần biên giới Trung Quốc.

Tai Afghanistan, Taliban sau 2 năm tái nắm quyền phải đau đầu đối phó với nhiều cuộc tấn công khủng bố của tổ chức IS.

Ở Yemen, nhóm vũ trang Houthi được Iran hậu thuẫn và liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu vẫn chưa đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài. Thời gian qua Houthi đẩy mạnh hoạt động tấn công tàu hàng qua Biển Đỏ làm khu vực thêm bất ổn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toàn cảnh các cuộc xung đột nổ ra trong năm 2023