Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh số ca tử vong vì COVID-19 hiện đã vượt quá 5.000 người và "đây là một cột mốc bi thảm."

Tổng Giám đốc WHO: Châu Âu hiện là 'trung tâm' của đại dịch COVID-19

14/03/2020, 07:24

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh số ca tử vong vì COVID-19 hiện đã vượt quá 5.000 người và "đây là một cột mốc bi thảm."

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 13.3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định rằng châu Âu hiện là "trung tâm" của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu và cảnh báo không thể biết khi nào dịch bệnh sẽ bùng phát.

Trong một cuộc họp báo tại Geneva, ông Ghebreyesus cho biết số người nhiễm bệnh và các ca tử vong được báo cáo mỗi ngày ở châu Âu nhiều hơn tất cả phần còn lại của thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, và châu Âu hiện đã là “trung tâm” mới của đại dịch toàn cầu COVID-19.

Ông nhấn mạnh số ca tử vong vì COVID-19 hiện đã vượt quá 5.000 người và "đây là một cột mốc bi thảm."

Trong bối cảnh các quốc gia ở châu Âu và thế giới đưa ra các biện pháp mới mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch, bao gồm đóng cửa trường học và thắt chặt biên giới, Tổng Giám đốc WHO cho rằng các biện pháp này có thể hữu ích, nhưng các quốc gia cần thực hiện một cách tiếp cận toàn diện.

Theo ông, cần thực hiện đồng thời tất cả các biện pháp như kiểm tra, tìm kiếm, kiểm dịch, cách ly, không nên thực hiện từng biện pháp riêng lẻ. Các nước cần phải hành động nhiều hơn để phát hiện, bảo vệ và điều trị các trường hợp.

Ông Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia phải tìm kiếm, cách ly, kiểm tra và xử lý mọi trường hợp, để phá vỡ chuỗi lây truyền bệnh. Mỗi trường hợp được tìm thấy và được điều trị sẽ đều hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo Tổng giám đốc WHO, bất kỳ quốc gia nào có suy nghĩ “dịch bệnh sẽ không xảy ra với chúng tôi” là đang phạm phải sai lầm "chết người."

Trong khi đó, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhấn mạnh các biện pháp được gọi là "cách ly xã hội," trong đó có việc cấm tụ tập ở nơi công cộng và đóng cửa trường học, "không phải là liều thuốc chữa bách bệnh".

Nhiều nước châu Âu thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới vì COVID-19

Ngày 13.3, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo nước này sẽ tạm thời đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Thông tin này được đưa ra trong thời điểm quốc gia Bắc Âu xác nhận có 801 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Frederiksen cho biết việc đóng cửa biên giới sẽ diễn ra cho tới ngày 13/4.

Ông nói: “Có 801 ca nhiễm viurs, 23 người đang phải nhập viện, trong đó có 2 ca đang ở tình trạng nguy kịch. Việc ra và vào Đan Mạch lúc này có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm."

Theo Thủ tướng Frederiksen, tất cả các hoạt động giao thông đi và đến Đan Mạch sẽ bị tạm dừng.

Ông cho biết: "Tất cả du khách, mọi hoạt động đi lại, tất cả các kỳ nghỉ cũng như mọi người nước ngoài, những người không thể chứng minh mục đích đáng tin cậy khi vào Đan Mạch, sẽ bị từ chối nhập cảnh tại biên giới Đan Mạch."

[WHO tuyên bố châu Âu hiện là "trung tâm" của đại dịch COVID-19]

Ngoài ra, Thủ tướng Frederiksen tái khẳng định việc Copenhaghen sẽ phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Ông nói: “Khi nhìn vào tình hình của châu Âu lúc này, phải nói rằng mọi chuyện khá là tồi tệ. Chúng ta là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tất cả các quốc gia đều đang theo đuổi các chiến lược phòng dịch khác nhau. Cần phải có một hành động chung.”

Hiện Đan Mạch đã thông báo cho các quốc gia láng giềng như Đức, Na Uy, Thụy Điển và Ủy ban châu Âu về kế hoạch mới nhất.

Thủ tướng Frederiksen cho biết thêm rằng chính quyền sẽ tiến hành tăng cường các hoạt động tuần tra ở biên giới trong những ngày tới.

Các bệnh viện ở Đan Mạch cũng được yêu cầu tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để chuẩn bị cho khả năng bùng phát nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại nước này.

Trong khi đó, ngày 13/3, Ukraine thông báo sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong ít nhất 2 tuần và sẽ tạm dừng toàn bộ các hoạt động đường không.

Đây được xem là biện pháp mạnh tay của Kiev nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Trả lời phóng viên, ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng của Ukraine, cho biết: “Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới với các công dân nước ngoài trong hai tuần. Quyết định này sẽ được thực hiện trong 48 giờ đồng hồ tới.”

Thông tin trên được đưa ra ngay trước khi Ukraine xác nhận có ca tử vong đầu tiên vì virus SARS-CoV-2.

Hiện Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người dân từ nước ngoài trở về nước trong thời gian tới.

Cùng ngày, Ba Lan thông báo sẽ đóng cửa biên giới với tất cả du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mà hiện nay đã có ít nhất 68 người mắc tại nước này.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ Ba Lan cũng cho biết công dân nước này từ nước ngoài trở về sẽ phải cách ly 2 tuần. Các biện pháp này sẽ được áp dụng từ nửa đêm 14.3.

Trong khi đó, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades thông báo sẽ không cho tất cả công dân nước ngoài nhập cảnh từ ngày 15/3 và quyết định này sẽ được duy trì trong 15 ngày.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Anastasiades cho biết thêm các trường học và dịch vụ công cũng sẽ tạm dừng hoạt động cho tới ngày 10.4.

Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng Giám đốc WHO: Châu Âu hiện là 'trung tâm' của đại dịch COVID-19