Tổng Kiếm toán Nhà nước nhận định hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay còn thiếu đồng bộ, hiệu lực thấp nên dẫn tới tình trạng thất thu ngân sách hàng nghìn tỉ, trong đó tiêu biểu là Sabeco.

Tổng KTNN: Sabeco là điển hình cho việc chuyển giá làm thất thu ngân sách

19/07/2018, 17:13

Tổng Kiếm toán Nhà nước nhận định hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay còn thiếu đồng bộ, hiệu lực thấp nên dẫn tới tình trạng thất thu ngân sách hàng nghìn tỉ, trong đó tiêu biểu là Sabeco.

Doanh nghiệp trong nước cũng chuyển giá!

Thông tin trên được Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc đưa ra tại Hội thảo "Chuyển giá - Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay" diễn ra ngày 19.7. Tổng KTNN cho biết thời gian qua, công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước.

"Tiêu biểu như vụ việc ở Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ đúng với bản chất của nó nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế", Tổng Kiểm toán cho hay.

KTNN đã từng phát hiện Sabeco có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt số tiền 408 tỉ đồng. Cụ thể, đơn vị sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn, gồm 2 nhà máy hạch toán phụ thuộc, các công ty con và liên kết. Các đơn vị sản xuất bán sản phẩm bia Sài Gòn cho công ty TNHNN MTV Thương mại Bia Sài Gòn (công ty con 100% vốn của Tổng công ty). Công ty này lại tiếp tục bán sản phẩm cho 10 công ty cổ phần thương mại khu vực có vốn góp từ 90-94,92%. Các công ty thương mại khu vực sau đó mới bán tiếp sản phẩm cho đại lý cấp 1, là các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập.

Theo đó, KTNN cho rằng, cơ sở sản xuất thực hiện tính, kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán tai công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn, thuộc cùng hệ thống sản xuất - tiêu thụ của Tổng công ty, không phải cơ sở kinh doanh thương mại độc lập với cơ sở sản xuất. Kiểm toán xác định với mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Tổng công ty thì giá tính thuế phải là giá bán ra của các công ty thương mại khu vực, qua đó xác định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 408 tỉ đồng.

Ông Phớc đánh giá chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác. Việt Nam thời gian qua đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp, tuy nhiên hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.

60% DN FDI ở TP.HCM thường xuyên báo lỗ

Tại hội thảo, không chỉ trường hợp Sabeco mà hàng loạt doanh nghiệp lớn khác đã được nêu ra như những ví dụ tiêu biểu cho việc chuyển lỗ, và cả chuyển lãi giữa các công ty con nằm ở các địa bàn có chính sách ưu đãi thuế khác nhau. Điển hình là Công ty Hualon Corporation Việt Nam. Đây là Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Malaysia, Đài Loan - British Virgin Island, chuyên sản xuất sợi và dệt vải. Trong suốt gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Hualon liên tục báo lỗ. Tính đến hết năm 2010, số lỗ lũy kế của công ty tới hơn 1.000 tỉ đồng và Hualon chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù bị lỗ nhưng công ty vẫn mở rộng sản xuất liên tục.

Hay những trường hợp khác như: Metro Việt Nam, PepsiCo, Coca-cola... dù hoạt động tại Việt Nam đã lâu nhưng các công ty này đều liên tục báo lỗ, nhưng vẫn "hiên ngang" mở rộng sản xuất với những dự án có quy mô lên tới hàng trăm triệu USD.

Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Trong đó, TP.HCM có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; Tương tự tại tỉnh Lâm Đồng với 104/111 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ liên tục; tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2011.

Báo cáo của cơ quan thuế cho biết các doanh nghiệp FDI khai kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong lĩnh vực như: gia công may mặc, da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến... Ở TP.HCM, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Mặc dù thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Góp mặt tại hội thảo, PGS,TS. Lê Xuân Trường Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) nhận định: "Chuyển giá đang là nguyên nhân gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đây có thể coi là tác động hiển nhiên đầu tiên vì với việc doanh nghiệp được lợi về thuế thì phần thuế lẽ ra có thể thu được theo Luật đã không được nộp vào ngân sách nhà nước, và thực tế ở Việt Nam thì số thất thu này không nhỏ".

Hình thức chuyển giá tiêu biểu được các chuyên gia đưa ra là hiện nay các doanh nghiệp FDI bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết với giá thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Bởi với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các doanh nghiệp Việt Nam, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài.

Hay một hình thức khác cũng được các doanh nghiệp FDI áp dụng là thông qua giá bán hàng hóa dịch vụ xuất khẩu cho nước ngoài, chủ yếu bao tiêu sản phẩm qua công ty mẹ với giá bán hoặc giá gia công thấp hơn giá vốn dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI liên tục lỗ nhiều năm. Để tiếp tục hoạt động và mở rộng kinh doanh, công ty mẹ thực hiện hình thức hỗ trợ vốn hoặc cho vay không tính lãi.

Trong khi đó, thanh tra thuế cũng phát hiện các nhà đầu tư nước ngoài thường góp vốn vào doanh nghiệp trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Bằng cách này đã giúp nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách và bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà
2 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội và các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng KTNN: Sabeco là điển hình cho việc chuyển giá làm thất thu ngân sách