Ngày 5.9, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cảnh báo rằng một kịch bản "châu Âu đa tốc độ" sẽ nhanh chóng tạo hiệu ứng mong muốn rời khỏi khối của các nước thành viên "hạng 2" và làm sụp đổ Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ khi Anh quyết định rời khỏi EU, các nhà lãnh đạo châu Âu đã và đang tìm kiếm cách giải quyết các căng thẳng chính trị nội tại trong khối và tạo ra động lực mới cho EU. Một mô hình EU "đa tốc độ" đã được đưa ra như là một giải pháp.
Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một số kịch bản cho tương lai của EU, trong đó có kịch bản một số nước trong liên minh sẽ làm "đầu tàu" kéo các nước còn lại. Khái niệm này được một số thành viên khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) như Pháp và Đức lên tiếng ủng hộ nhưng lại bị các nước đông Âu vốn kém phát triển hơn cảm thấy lo lắng.
Ông Duda cho rằng ý tưởng này sẽ làm suy yếu tư tưởng cốt lõi của Liên minh châu Âu là "coi trọng các thành viên của liên minh như nhau" và cuối cùng dẫn đến sự "sụp đổ" của liên minh. Tổng thống Ba Lan còn cho rằng việc tạo ra một "châu Âu đa tốc độ" đồng nghĩa với việc các thành viên của khối eurozone vốn phát triển hơn đẩy nước ông cũng như những nước còn lại trở thành "thành viên hạng 2" và điều này thì không thể chấp nhận được.
"Đây sẽ là sự khởi đầu của sự kết thúc của EU, và sẽ gây hiệu ứng Brexit nhiều hơn và làm sụp đổ EU", ông Duda tuyên bố tại một hội nghị kinh tế ở miền Nam Ba Lan.
Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov cũng có mặt trong hội nghị kinh tế nói trên, lặp lại quan điểm của ông Duda và cho rằng không thể có chuyện một đoàn tàu chạy với 2 tốc độ khác nhau. Macedonia hiện chưa phải là thành viên của EU nhưng có nguyện vọng tham gia liên minh này.
Trong khi đó, tuần trước Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi thúc đẩy ý tưởng về một "châu Âu đa tốc độ" và nhấn mạnh một số quốc gia tiên phong sẽ dẫn dắt tiến trình hội nhập sâu rộng tại EU. Cụ thể, ông Macron đã đề xuất các kế hoạch bao gồm việc hình thành một ngân sách chung cho khu vực Eurozone đặt dưới sự giám sát của một bộ trưởng tài chính và Nghị viện mới của châu Âu, sau khi tiến hành thay đổi cơ cấu quy mô lớn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thì tuyên bố ủng hộ ý tưởng của ông Macron và khẳng định bà ủng hộ ý tưởng về ngân sách chung cho khu vực Eurozone, qua đó có thể viện trợ các nước thành viên gặp khó khăn trong thực hiện cải cách kinh tế.
Warsaw trong thời gian gần đây thường xuyên có những đụng độ với EU, sau khi liên minh này chỉ trích mạnh nỗ lực cải cách tư pháp đầy tranh cãi của đảng cầm quyền. Ủy ban châu Âu thậm chí còn lên tiếng sẽ thực hiện những biện pháp trừng phạt mạnh chống lại Ba Lan nếu nước này tiếp tục thực hiện đề xuất cải cách tư pháp của mình.
Thiên Hà (theo Financial Times)