Phát biểu bên lề Đại hội đồng LHQ (UNGA) hôm 25.9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố với các nhà báo: quân đội Venezuela chỉ cần một cuộc đảo chính quân sự là Tổng thống Nicolas Maduro sẽ bị lật đổ dễ dàng.
Tổng thống Trump từ chối trả lời câu hỏi “liệu có thể xảy ra một cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu vào Venezuela hay không”, chỉ nói ông sẽ không tiết lộ chiến lược quân sự của Mỹ.
Khi được hỏi chế độ Maduro có nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ hay không, chủ nhân Nhà Trắng nói: “Ngày nay, đó là một quốc gia tệ hại nhất thế giới. Chế độ đó gây nguy hiểm cho an ninh của chính họ, của dân Venezuela. Nói thẳng ra, chế độ đó có thể bị quân đội lật đổ nhanh chóng, nếu quân đội quyết làm thế”.
Ông Trump còn chọc tức khi nhắc lại chuyệnquân đội Venezuela hoảng loạn lúcbị hai chiếc máy bay không người lái tấn công tại lễ duyệt binh ngày 4.8. Ông Trump nói lính thủy quân lục chiến Mỹ sẽ không bao giờ bỏ chạy “như lính Venezuela đã chạy tán loạn tìm chỗ trốn khi nghe tiếng bom rít trên đầu họ”.
Vụ tấn công xảy ra lúc Tổng thống Maduro đọc diễn văn mừng ngày thành lập Vệ binh quốc gia Venezuela, binh lính bỏ chạy tìm chỗ trốn và 7 lính bị thương. Ông Maduro quytrách nhiệm cho Colombia là thủ phạm, nhưng nước này phủ nhận.
Ngày 18.9, Tổng thống Maduro nói không dự tính đi New York dự UNGA vì lo ngại cho sự an toàn của ông: “Tôi muốn đến New Yorknhưng phải suy nghĩ cho an toàn bản thân”.
Ông Maduro luôn cáo buộc Mỹ xúi giục các nước láng giềng âm mưu lật đổ ông. Hồi tháng 8.2017, ông Trump từng đề cập ý tưởng đánh Venezuela, nhưng sau đó ông tránh nói trực tiếp về một vụ tấn công.
Nhưng Fernando Cutz, từng phụ trách chính sách Mỹ đối với Venezuela ở Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC, thời Tổng thống Obama và Trump) cho đến tháng 4.2018 mới nghỉ việc, nói Mỹ chỉ hành động quân sự ở Venezuela nếu có các sự cố bất thường.
Ông nói Mỹ buộc phản ứng quân sự, nếu một cuộc tấn công Sứ quán Mỹ ở Caracas gây thương vong cho công dân Mỹ, hoặc nếu xảy ra việcchính phủ Venezuela thảm sát hơn 1.000 người dân.
Cutz nói ông không ủng hộ giải pháp dùng vũ lực, nhưng đó là cách duy nhất để có thể lật đổ chế độ Maduro.
Vợ chồng Tổng thống Maduro chứng kiến vụ tấn công nhằm ám sát ông - Ảnh: AP
Tổng thống Maduro cấm Mỹ “không được đụng đến vợ tôi”
Cùng ngày 25.9, Bộ Tài chính Mỹ quyết định trừng phạt 6 nhân vật Venezuela thân cận Tổng thống Maduro và tham nhũng, gồm Phó Tổng thống Delcy Eloina Rodriguez Gomez, Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez, Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez và Đệ nhất phu nhânCilia Adela Flores de Maduro.
Tài sản tài chính ở Mỹ của 4 nhân vật này bị tịch thu, dân Mỹ cũng không được làm ăn với họ. Mỹ cũng phong tỏa một máy bay riêng trị giá 20 triệu USD hiện ở bang Florida (Mỹ), được xác định là của đại diện của ông Diosdado Cabello, Chủ tịch Quốc hội Venezuela kiêm Phó chủ tịch đảngXã hội thống nhất Venezuela. Mỹ đã cáo buộc ông Cabello buôn lậu ma túy.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói: “Chúng tôi đang tiếp tục xếp những tay trung thành giúp Maduro kiểm soát quân đội và chính phủ trong khi dân Venezuela nghèo đói. Maduro dựa vào những quan chức thân cận để duy trì quyền lực. Chính quyền ông tađang bòn rút tài sản của đất nước Venezuela một cách có hệ thống".
Sau đó, Tổng thống Maduro phát biểu trên truyền hình, “cảm ơn” ông Trump và gọi sự trừng phạt của Mỹ là “phù hiệu danh dự” cho những người cùng ông chống một thế lực đế quốc.
Ông Maduro cũng chỉ trích việc trừng phạt vợ ông: “Nếu muốn tấn công tôi, cứ đến gặp tôi, nhưng chớ đụng đến Cilia và gia đình tôi”. Ông nói vợ ông là một chiến sĩ chống đế quốc Mỹ, và “Tội duy nhất của bà ấy là làm vợ tôi”.
TheoAP, bà Maduro là một nhân vật có tầm ảnh hưởng, chuyên môi giới quyền lực ở sau hậu trường, tham gia Quốc hội Lập hiến (do chính phủ lập để đối trọng với Quốc hội Venezuela do phe đối lập nắm đa số).
Trong hai năm qua, chính phủ Mỹ đã trừng phạt hàng chục người Venezuela, gồm ông Maduro, với lý do họ tham nhũng, buôn lậu ma túy và ngược đãi nhân quyền.Nhưng trước đó, Mỹ không cấm vận các nhân vật lãnh đạo chủ chốt như Phó Tổng thống Delcy Rodriguez, Bộ trưởng Padrino (từng được đào tạo quân sự ở Mỹ) vì cho rằng họ nắm các vị trí quyền lực và có thể giữ vai trò chính nếu xảy ra chuyện thay đổi chế độ Maduro.
Giáo sư David Smilde của Đại học Tulane từng có hơn 20 năm sống và làm việc ở Venezuela, nói lệnh trừng phạt của Mỹ xem ra cho thấy Mỹ đã ngưng nỗ lực gây chia rẽ trong chính phủ Venezuela: “Nếu trừng phạt tất cả thì chính phủ ấy càng đoàn kết”.
Phó Tổng thống Mỹ hứa tăng tiền giúp dân Venezuela rời bỏ quê hương
Chưa thể rõ tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ thế nào. Suốt năm qua, các quan chức cấp cao của Mỹ chật vật vận động sự ủng hộ trừng phạt mảng dầu thô của Venezuela, nhưng vấp phải sự phản đối của các công ty dầu khí vẫn còn hoạt động ở nước này.
Để tăng sức ép chính trị với chính phủ Maduro, 11 Thượng nghị sĩ Mỹ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vừa trình dự thảo luật tăng viện trợ nhân đạo cho dân Venezuela lên 40 triệu USD.
Tháp tùng ông Trump đi dự UNGA, Phó Tổng thống Mike Pence cũng cho biết rằng có thông tin Tổng thống Maduro đã dàn quân ở sát vùng biên giới Venezuela - Colombia. Ông nói đó là chiến thuật hù dọa đồng minh Colombia của Mỹ, và còn viết Twitter: “Hãy để tôi làm rõ, rằng Mỹ sẽ luôn đứng cạnh các đồng minh. Chế độ Maduro chớ nên thách thức tính kiên quyết của Tổng thống Mỹ hoặc của nhân dân Mỹ”.
Ông Pence hứa chi 48 triệu USD nữa để giúp dân Venezuela chạy khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, nâng tổng số tiền viện trợ của Mỹ lên 95 triệu USD.
Khoảng 2 triệu dân Venezueal đã rời khỏi đất nước này vì cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Họ đi bộ đến các nước Nam Mỹ như Colombia, Ecuador, Peru, Brazil.
Tổng thống Maduro gọi những người này là “nô lệ và ăn xin”, bị lừa đi lao động khổ cực ở các nước láng giềng.
Bảo Vĩnh (theo AP)