Ngày 29.11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột thông báo hủy bỏ cuộc gặp dự kiến với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vì vụ bắt giữ tàu chiến Ukraine.
Ông Trump viết trên Twitter: “Xét đến chuyện tàu cùng thủy thủ Ukraine chưa được trả về nước, tôi quyết định điều tốt nhất cho tất cả các bên liên quan là hủy cuộc gặp vốn lên kế hoạch từ trước với Tổng thống Putin tại Argentina. Tôi vẫn mong chờ một hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa sau khi tình hình được giải quyết”.
Cuối tuần qua Nga bắt giữ ba tàu chiến Ukraine trên eo biển Kerch với lý do xâm phạm lãnh hải bất hợp pháp. Phía Kiev tuyên bố họ không làm gì sai. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi giới chức hai bên đưa ra nhiều phát ngôn cùng hành động mang tính công kích nhau.
Thông báo của nhà lãnh đạo Washington gây bất ngờ khi chính ông trước khi lên đường sang dự hội nghị cấp cao G-20 đã khẳng định với báo giới rằng cuộc gặp chắc chắc diễn ra.
Quyết định hủy gặp được đưa ra chỉ vài giờ sau khi cựu luật sư của Tổng thống Trump là ông Michael Cohen thú nhận lừa dối Quốc hội Mỹ về một dự án bất động sản của nhà lãnh đạo này tại Moscow, cũng như về mức độ liên quan và hiểu biết của Tổng thống với thỏa thuận thực hiện dự án.
Về phía Nga, người phát ngôn của Tổng thống Putin cho hay Điện Kremlin chưa nhận được thông tin chính thức về quyết định hủy gặp. Phái đoàn hai nước khi tham gia hội nghị cấp cao G-20 vẫn có thể tiếp xúc, nên hai nhà lãnh đạo vẫn còn cơ hội trò chuyện.
Trong một diễn biến khác liên quan đến căng thẳng Nga- Ukraine, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 29.11 phản pháo lại cáo buộc của người đồng cấp Putin đồng thời kêu gọi các thành viên NATO trong đó có Đức triển khai tàu chiến đến biển Azov để hỗ trợ nước này.
Tổng thống Putin một ngày trước khẳng định lỗi hoàn toàn thuộc về tàu chiến Ukraine và chính ông Poroshenko dàn xếp nhằm cứu vớt tín nhiệm thấp của bản thân.
Nhà lãnh đạo Kiev đáp trả khi phát biểu với báo Bild: “Đừng tin lời của Putin. Ông ấy muốn khôi phục hồi đế quốc Nga bao gồm Crimea, Donbass và cả đất nước Ukraine nữa”.
Poroshenko cũng tìm đến sự hỗ trợ từ NATO, mặc dù Ukraine không phải thành viên của liên minh quân sự này. Bình luận về yêu cầu này, người phát ngôn Oana Lungescu cho biết NATO sẽ xem xét đến hiện diện của họ tại khu vực. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh không thể giải quyết khủng hoảng hiện tại bằng biện pháp quân sự.
Phía Điện Kremlin chỉ trích yêu cầu NATO triển khai tàu chiến của Tổng thống Poroshenko là nhằm mục đích làm gia tăng căng thẳng.
Cẩm Bình (theo CNBC, Reuters)